Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật tại làng cổ Phước Tích

Thứ Sáu 14/06/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Phước Tích là một trong hai làng cổ hiếm hoi được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia. UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đang nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, với sự tư vấn của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL).

 Nhà rường cổ của ông Hồ Văn Hưng sau khi trùng tu, bảo tồn

Làng cổ Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu, được thành lập từ đầu những năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đây là ngôi làng điển hình cho các thiết chế cộng cư nông thôn ở vùng đất Thừa Thiên Huế; và vẫn sở hữu khá nguyên vẹn những yếu tố đặc sắc cấu thành di sản như: nhà rường cổ; hệ thống các công trình tín ngưỡng, tâm linh; không gian cảnh quan làng quê; thương hiệu của nghề gốm truyền thống lâu đời; nét văn hóa truyền thống quan hệ xóm giềng… Năm 2009, Phước Tích được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL, với diện tích khoanh vùng bảo vệ hơn 430.000m2 (gồm khu vực I và khu vực II).

Hiện nay làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, gồm: 13 di tích tín ngưỡng; 17 nhà thờ họ và 11 nhà thờ nhánh họ. Đặc biệt, trong 117 ngôi nhà của cư dân trong làng thì có đến 26 ngôi nhà rường cổ, và trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật. Hệ thống các nhà rường cổ ở Phước Tích đều có tuổi thọ trên 100 năm, tổng thể sân vườn vẫn được giữ gìn các yếu tố truyền thống. Trong khuôn viên nhà hầu như không có sự bổ sung các hạng mục chính bằng gạch, bê tông (chỉ xây mới các công trình phụ ở một bên hoặc phía sau).

Theo Ban quản lý làng cổ Phước Tích, vào thời điểm được công nhận di tích cấp quốc gia (năm 2009), trong 26 ngôi nhà rường cổ của làng thì đã có 3 ngôi nhà hư hỏng trên 75%, các nhà còn lại hư hỏng trên 40%. Ban quản lý đã tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại nhà vườn tại làng cổ Phước Tích để có những giải pháp kết nối, hỗ trợ tu bổ di sản. Với nguồn vốn của Nhà nước và các tổ chức nước ngoài, một số nhà rường đã được tu bổ như nhà ông Trương Duy Thanh (Chương trình hợp tác song phương Việt Nam – Bruxelles, 2012), nhà bà Lương Thanh Thị Hén (Chương trình mục tiêu quốc gia, 2014), nhà bà Lương Thanh Thị Trảng (hỗ trợ của JICA, 2015). Trong hai năm 2017-2018, tiếp tục có 8 nhà rường cổ của Phước Tích được trùng tu với sự hỗ trợ kinh phí của đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” như nhà ông Hồ Văn Hưng, ông Lương Thanh Phong, bà Lê Thị Hoa, bà Lê Ngọc Thị Thí, ông Lê Trọng Kiêm, ông Hồ Thanh Yên, bà Trương Thị Thú... Đồng thời, UBND huyện Phong Điền cũng phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện việc khảo sát, sửa chữa và tu bổ các điểm di tích cộng đồng của làng như: miếu Cây Thị, các bến nước của làng, chống mối và côn trùng ở công trình gỗ tại các nhà thờ họ... Đặc biệt là đầu tư phục hồi nghề gốm truyền thống Phước Tích lâu đời, và đã đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Kể từ khi được công nhận là di tích quốc gia, người dân trong làng cổ Phước Tích cũng bắt tay làm du lịch. Tuy nhiên, số lượng du khách đến đây vẫn còn hạn chế, với trung bình khoảng 2.000 khách/năm và doanh thu từ du lịch cao nhất chỉ 200 triệu/năm. Hiện nay, Phước Tích đã xây dựng 9 loại hình dịch vụ du lịch với 40 người tham gia hoạt động; nhưng quy mô nhỏ lẻ và chưa bài bản. Theo các chuyên gia nhận định, trong xu hướng phát triển du lịch văn hóa hiện nay thì làng cổ Phước Tích sẽ có sức hút đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Để bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích cần chú trọng 2 vấn đề: Duy trì lâu dài, đồng bộ và ít bị suy suyển di sản vật chất và phi vật chất của làng trước những biến đổi của xã hội ngày nay và mai sau; tìm kiếm giải pháp phù hợp trong việc kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị với việc đảm bảo đời sống và sự phát triển của cộng đồng cư dân để người dân tiếp tục là chủ nhân của di sản mà cha ông họ để lại.

Do đó, việc nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích (tỷ lệ 1/500) là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch; trùng tu, bảo tồn tôn tạo, giữ gìn được tính nguyên gốc của các giá trị làng cổ; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm lưu giữ, tiếp nối và phát huy những giá trị truyền thống của làng cổ Phước Tích.

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top