Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL lên tiếng việc cháu nội vua Mèo định đóng cửa dinh thự họ Vương

Thứ Tư 12/06/2019 | 16:56 GMT+7

VHO- Dinh thự Vua Mèo Hà Giang lâu nay là địa điểm nổi tiếng với du khách khi ghé thăm cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Thế nhưng mới đây, ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành cho biết, dự kiến ngày 15.6, ông sẽ "đóng cửa" khu dinh thự vua Mèo. Lý do ông Bảo đưa ra là hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tỉnh Hà Giang chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền trả lời báo chí và nêu rõ quan điểm của Bộ VHTTDL trước sự việc này.

.Bộ VHTTDL  có quan điểm như thế nào trước việc ông Vương Duy Bảo nói sẽ đóng cửa Dinh thự họ Vương, thưa bà?

- Bà Lê Thị Thu Hiền: Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều 15 của Luật Di sản văn hóa cũng quy định rất rõ quyền , nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa và bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa.

Với trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua Bộ VHTTDL  cùng chính quyền các địa phương đã dành nhiều kinh phí đầu tư từ các nguồn lực khác nhau để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích nhằm phục nhân dân, du khách  trong nước và bạn bè quốc tế. Như vậy, trách nhiệm là chủ sở hữu hay bộ máy quản lý trực tiếp di tích, bên cạnh việc được nhà nước, nhân dân đầu tư, ủng hộ tu bổ, tôn tạo thì phải có trách nhiệm bảo vệ, và phát huy giá trị di tích phục vụ cho quyền của người dân được tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa.

.Thưa bà, theo  Luật Di sản văn hóa thì một cá nhân là chủ sở hữu của di tích có quyền đóng cửa một di tích đã được xếp hạng hay không? Cụ thể là trong trường hợp  này,  ông Vương Duy Bảo đã được cấp sổ đỏ Dinh họ Vương thì có quyền đóng cửa di tích này hay không?

- Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ về việc nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa sở hữu toàn dân. Công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác như của tập thể, cộng đồng, tư nhân. Các Điều 8, Điều 9 và Chương II của Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa. Như vậy, tư nhân sở hữu di sản văn hóa cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, bên cạnh quyền phải có nghĩa vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật, phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, du khách tham quan, nghiên cứu về di sản văn hóa.

Đối với tổ chức, cá nhân (người dân) có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 14, Luật Di sản văn hóa: Tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa; Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hoá.”

Như vậy, người dân và du khách có quyền được hưởng thụ, được tham quan các di tích, di sản văn hóa. Điều 15, Luật Di sản văn hóa cũng quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hóa, bao gồm:  Thực hiện các quy định tại Điều 14 của Luật này; Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hoá có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị huỷ hoại, bị mất; Gửi sưu tập di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị; Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá; Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

.Ông Bảo lấy lý do tỉnh không đầu tư tu sửa để di tích xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian qua Bộ có đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát tình trạng di tích không, thưa bà?

- Gần đây nhất là ngày 29.8.2018, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chủ trì đoàn công tác trực tiếp lên làm việc với tỉnh Hà Giang và đề nghị UBND tỉnh Hà Giang quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc quản lý chống xuống cấp di tích, có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên các hạng mục công trình thuộc khu di tích. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu di tích nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích.

Quy chế quản lý di tích Nhà Vương đã được ban hành từ năm 2007, đến nay cũng đã cần được rà soát, nghiên cứu, bổ sung theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý di tích trong giai đoạn mới.

.Trong khi các di tích đều cần được phát huy giá trị thì ông Vương Duy Bảo lại tuyên bố dự định đóng cửa Dinh thự họ Vương, một điểm đến quen thuộc của du khách. Bộ VHTTDL có  đưa ra giải pháp nào đối với tình huống này?

-Như đã nói ở trên, tất cả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa nói chung phải luôn được mở cửa để phục vụ người dân, phục vụ khách tham quan, du lịch và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội; phục vụ du khách trong nước và quốc tế .Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý di tích, danh lam thắng cảnh cần phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của địa phương cũng như quy chế hoạt động của Ban quản lý nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, danh lam thắng cảnh. Bản thân chủ sở hữu, quản lý di tích phải luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc tổ chức tốt cho người dân, du khách thập phương tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về di tích, về lịch sử văn hóa của địa phương.

Tại Điều 8 của Luật Di sản văn hóa đã quy định mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị.  Từ tình huống trên, Bộ VHTTDL  sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực di sản văn hóa để nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm bảo vệ, phát huy tốt nhất các giá trị của di sản văn hóa phục vụ người dân, cộng động.

.Thưa bà, ở một khía cạnh khác, theo quy định  pháp luật,  việc ông Vương Duy Bảo đòi phân chia tiền bán vé từ khu di tích có thỏa đáng hay không?

-Việc thu phí tham quan di tích và danh lam thắng cảnh chịu sự điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí năm 2015 và Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11.11.2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Điều 21, Luật Phí và Lệ phí quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: “Quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.”

. Xin trân trọng cảm ơn bà!

H.P (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top