Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cô gái người dân tộc được cứu sống nhờ lần đầu tiên sử dụng hệ thống stent bằng kim loại

Thứ Hai 10/06/2019 | 12:09 GMT+7

VHO- Di chứng của bệnh lao khiến cô gái cô gái L.T.C (25 tuổi, người dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, có những lúc tưởng chừng hy vọng sống chỉ còn 1/1000, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, cô đã được cứu sống sau nhiều lần phẫu thuật phức tạp nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức.

Bệnh nhân L.T.C có tiền sử mắc lao phổi cách đây hai năm, mặc dù đã được điều trị đúng phác đồ và đã khỏi bệnh tại tuyến cơ sở nhưng những di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng nề. Toàn bộ lá phổi phải mất hoàn toàn chức năng, khí quản, phế quản bị chít hẹp, biến dạng, cong gập dẫn đến chức năng thông khí kém gây ra tình trạng suy hô hấp, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng cùng với rất nhiều nguy cơ đe doạ tính mạng luôn rình rập.

Ngày 21.5, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện E đã quyết định phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay để tạo hình lại phế quản gốc bên phải với mong muốn lá phổi bên phải được thông khí trở lại, trở về đúng vị trí giải phẫu. Tuy nhiên, do thời gian tổn thương quá lâu, các hệ thống khó có thể phục hồi nên phương án tối ưu nhất được lựa chọn đó là cắt phổi phải, lá phổi đã mất hoàn toàn chức năng và còn có thể có những mầm bệnh có nguy cơ bùng phát khi cơ thể giảm miễn dịch.

Bệnh nhân L.T.C đã phục hồi sau nhiều lần phẫu thuật

Sự phức tạp trong quá trình cứu sống C. được đẩy lên mức cao hơn khi  làm sao để thông khí, phế quản, trong khi việc cắt phổi phải chưa thực hiện được. Các bác sĩ đã đặt stent vào sâu trong phế quản gốc, giúp định hình và nong đường khí, phế quản rộng hơn cho bệnh nhân. Nhưng ống stent thông thường bằng silicon được sử dụng phổ biến trong việc điều trị hẹp khí quản và phế quản gốc lại không phù hợp với trường hợp của C., nên khi đẩy stent này xuống phế quản được thì bị gập và tạo gây ra chít hẹp ngay tại đó. Bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Phổi Trung ương ) chia sẻ: “Có những thời điểm, cô gái ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” do lượng oxy nhận vào chỉ ở mức 50ml, trong khi người bình thường là 500ml trong một lần hít thở. Tuy nhiên, nỗ lực giành sự sống cho cô gái không dừng lại, trong lúc khó khăn nhất, cho dù chỉ còn 1/1000 hy vọng cũng không được phép bỏ cuộc, và chúng tôi đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức để tìm giải pháp một giải pháp đột phá, chưa từng được áp dụng, đó là sử dụng hệ thống stent kim loại dạng lưới sắt với giá đỡ tốt hơn”.

Nhờ cách làm sáng tạo và sự khéo léo trong quá trình thực hiện của các bác sĩ gây mê, đường dẫn từ khí quản trung đến phế quản gốc đã được thông với nhau hoàn toàn qua hệ thống stent này, đem lại những kết quả hết sức tích cực và giải quyết triệt để vấn đề thông khí của bệnh nhân. Hiện nay, sau hai lần phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, sáu lần can thiệp đặt ống stent, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân C. đã ổn định, có thể thở tốt hơn, đi lại và ăn uống được.

Cô gái bị di chứng bởi bệnh lao hiện sức khoẻ đã ổn định 

“Trước đây, 100% ca bệnh như thế này không thể cứu được nhưng hiện nay, với việc áp dụng phương pháp hiện đại, nhiều ca bệnh khó đã được cứu sống và ca bệnh của C. là một trường hợp điển hình. Đặc biệt, toàn bộ chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân được Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đồng chi trả toàn bộ cùng với Bảo hiểm Y tế”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, người trực tiếp chỉ đạo và điều hành sát sao ca bệnh này cho biết.

Theo các bác sĩ, từ ca bệnh này một lần nữa cho thấy việc thanh toán bệnh lao là hết sức cần thiết, không chỉ thể hiện ở việc phát hiện sớm, điều trị khỏi vi khuẩn mà còn phải quan tâm đến việc giải quyết những rối loạn sau quá trình bị lao đã khỏi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Chủ tịch và không quá 20 thành viên; sử dụng bộ máy giúp việc chung với Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy.

Hiện lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất. Trung bình mỗi ngày trên thế giới có tới 4.500 người tử vong do lao. Việt Nam đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Năm 2017, Việt Nam có hơn 124.000 ca mắc lao và có 12.000 trường hợp tử vong do lao. Dù con số này đã giảm, nhưng vẫn cao hơn cả số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

 

MAI TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top