Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khuynh gia bại sản vì bị... chặt tận gốc

Thứ Tư 29/05/2019 | 11:38 GMT+7

VHO- Thời gian qua, đã có không ít vụ phá hoại nông sản xảy ra, từ các loại vật nuôi cho đến cây trồng. Đây là hành động phá hoại rất đáng lên án, là tiền lệ cho một lối tư duy nguy hiểm – tư duy triệt hạ!

 Ruộng dưa hấu 5 sào của chị Nguyễn Thị Thanh bị kẻ xấu nhẫn tâm phá hoại

Một vấn nạn

Cách đây chưa lâu, ruộng dưa hấu 5 sào của chị Nguyễn Thị Thanh (xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị kẻ xấu nhẫn tâm phá hoại tan hoang bằng cách chặt gốc. Bao giọt nước mắt đã rơi xót thương chua chát, khi ruộng dưa bị phá hoại đang được cả gia đình nghèo trông ngóng thu hoạch để lấy tiền đóng tiền học phí cho các con. Trước đó không lâu, vườn nhãn gần 100 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, ở thôn Cao Xá, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chỉ trong một đêm đã bị kẻ gian chặt phá gần hết. Vụ phá hoạt gây thiệt hại kinh tế hơn 100 triệu đồng.

Liệt kê thêm để thấy việc phá hoại tương tự là không hiếm, như việc chặt hạ cả vườn đào đang độ thu hoạch ở Bắc Ninh dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; việc kẻ xấu hạ độc đàn vịt 1.200 con của một lão nông ở Tây Sơn, Bình Định tháng 5.2018; cuối năm 2018 nóng lên tình trạng phá hoại cây cà phê và các cây công nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên; hay trang trại chanh leo 2.000 gốc ở Gia Lai bị kẻ xấu cắt gốc hồi tháng 3.2019 gây thiệt hại nửa tỉ đồng cho gia chủ... và rất nhiều vụ việc tương tự đáng tiếc khác.

Có một điểm chung, các vụ việc đều nhằm mục đích phá hoại chứ không phải vì mục đích trục lợi, hay chiếm đoạt tài sản. Đơn giản chỉ là mục đích triệt hạ cho người khác khuynh gia bại sản. Tưởng câu chuyện chỉ ở góc độ trả thù cá nhân, giải quyết các hiềm khích, tuy nhiên thiệt hại cả hàng trăm triệu đồng, hành vi hủy hoại tài sản này đang thực sự trở thành vấn nạn. Thực tế, sau mỗi vụ việc xảy ra, khổ chủ đều có đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, tuy nhiên số vụ phá hoại được làm rõ có vẻ còn khiêm tốn, dù các cơ quan chức năng khẳng định vẫn đang dốc sức điều tra, xác minh làm rõ, truy tìm kẻ gian, nhưng hầu như đều đang “giậm chân tại chỗ”. Không ít người đặt câu hỏi, liệu các vụ việc trên có thực sự nhận được sự quan tâm, vào cuộc đúng mức của các cơ quan chức năng hay không? Mà cực chẳng đã, có trường hợp người nông dân đã phải tự mình treo thưởng để tìm ra thủ phạm trong một số vụ việc đầy ấm ức, cay nghiệt.

Muốn lý giải thế nào đi nữa, thì hành động triệt hạ đường sống của người khác rất đáng lên án, nó là lối tư duy nguy hiểm – một tiền lệ xấu của xã hội. Sự ích kỷ đến hèn hạ của một bộ phận người trong xã hội chỉ muốn dìm người khác dưới chân mình, thỏa mãn tư tưởng trả thù để giải quyết những hiềm khích trong công việc làm ăn. Họ hẳn không biết rằng bản thân đang làm những việc vô nhân tính. Bởi thường sau những hành động đó là những gia đình, những phận người nông dân “một nắng hai sương” lâm cảnh tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản.

Cần xử lý mạnh tay

Đã đến lúc luật pháp cần có chế tài xử lý mạnh tay với hành vi hủy hoại nông sản của nông dân. Bởi ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho người khác, hành vi trên đang gây hoang mang dư luận, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự, đặc biệt ở các vùng nông thôn, tưởng đó là chuyện nhỏ nhưng thực tế lại là vấn đề lớn.

Nếu chiểu theo quy định của luật pháp hiện hành chúng ta sẽ thấy, chính quy định liên quan đến việc giá trị thiệt hại từ bao nhiêu tiền trở lên mới khởi tố hình sự thì có thể các đối tượng trước khi ra tay cũng nghiên cứu và thực hiện nhằm tránh vi phạm hình sự. Có thể kẻ xấu chỉ chặt hạ vài gốc cây hay phá hoại một diện tích nhỏ, một số lượng vật nuôi nhỏ chưa đến khung xử lý hình sự. Còn với các vụ việc xảy ra liên tục, với tính chất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề xảy ra gần đây, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh tay, đủ mức răn đe với hành vi phá hoại này.

Ở góc độ chuyên môn pháp lý, hành vi cố tình phá hoại, hủy hoại nông sản vật nuôi của nông dân, theo luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ phạm tội của người thực hiện và sẽ có hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội đó. Tùy theo mức độ phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt mức án tù lên đến 10 năm và bị xử phạt bổ sung hình phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng. 

KIM CHIẾN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top