Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Quần thể Di tích Cố đô Huế: Bảo tồn và phát huy di sản hiệu quả

Thứ Ba 12/12/2017 | 16:28 GMT+7

VH- Sau gần 25 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, hệ thống quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua tình trạng cứu nguy khẩn cấp và hướng đến phát huy giá trị di sản hiệu quả. Công tác trùng tu di sản được các chuyên gia của UNESCO cũng như các nhà chuyên môn trong nước đánh giá cao.

Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu m2, bao trùm lên toàn bộ diện tích của TP Huế cùng với bốn huyện và thị xã lân cận. Sau chiến tranh, rất nhiều công trình đã bị hư hại, xuống cấp; trong đó, khu vực Tử Cẩm Thành gần như bị xóa sổ, Hoàng thành Huế chỉ còn 62/136 công trình kiến trúc… Toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, và hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau. Năm 1993, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, công cuộc phục hưng di sản Huế thực sự được chú trọng.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến nay đã có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ ở khu vực Hoàng Cung và các lăng vua đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn. Trong đó, có thể kể đến các công trình di tích tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, các công trình tại lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long,10 cổng Kinh thành...
Tổng kinh phí tu bổ trong 15 năm (1996-2010) hơn 586 tỉ đồng, riêng trong 5 năm (2011-2015) nguồn vốn tu bổ di tích đạt gần 440 tỉ đồng và chỉ trong hai năm 2016 và 2017 nguồn kinh phí cho trùng tu, bảo tồn di sản Huế là gần 350 tỉ đồng. Trong một cuộc hội thảo về “Bảo tồn di sản văn hóa triều Nguyễn” được tổ chức năm 2016, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá rằng: Dù hiện còn không ít di tích chưa có điều kiện về kinh phí để tu bổ và tôn tạo, nhưng về tổng thể có thể nhận định rằng di sản Huế đã thoát khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp. Công cuộc bảo tồn di tích dần đi vào nền nếp, đang chuyển sang giai đoạn ổn định và có bước phát triển mới; phát huy với hiệu quả ngày càng cao giá trị di sản văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020” trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Cùng với việc nỗ lực bảo tồn, trùng tu di tích thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã có những giải pháp trong khai thác, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ pháp luật hiện hành. Theo đề án “Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020” mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt, có 11 khu vực và cụm di tích được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Di sản Huế là thế mạnh của ngành du lịch địa phương trong nhiều năm trở lại đây. Tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ phí tham quan từ năm 1996 đến 2016 đã đạt hơn 1.536 tỉ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỉ đồng, và hiện nay tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, ổn định. Dự kiến năm 2017, Quần thể Di tích Cố đô Huế đón khoảng 2,9 triệu lượt khách; doanh thu thu từ vé tham quan và dịch vụ tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đạt hơn 300 tỉ đồng. Chính nguồn thu phí này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.


Sơn Thùy

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top