Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bùng phát dịch sởi

Thứ Tư 20/02/2019 | 10:58 GMT+7

VHO- Chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 192 ca mắc sởi (năm 2018 là 22 ca). Tại TP HCM, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2018, hiện số ca mắc bệnh đã xuất hiện tại 24/24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

 Trẻ bị bệnh sốt xuất huyết đang được khám tại Khoa Nhiễm bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Ảnh: N.HIẾU

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần thứ 7 (từ ngày 11 – 17.2) thành phố ghi nhận thêm 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu.

Tại TP.HCM số ca sởi nhập viện trong những tuần sau Tết Nguyên đán năm 2019 là 83 ca. Hiện tại dịch sởi đã lan rộng ra khắp 24/24 quận, huyện của thành phố, trong đó những quận có nhiều ca bệnh nhất là quận Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 7, 8. Ngoài ra dịch sởi năm nay tại TP.HCM diễn biến hết sức bất ngờ, bởi đến thời điểm hiện tại đã có 926 ca mắc bệnh, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh.

Còn theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay đã có gần 500 ca mắc sởi, phải nhập viện điều trị, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều ở các huyện như: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom... Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em. Ngoài ra đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Hiện nay, cả nước đã ghi nhận 44 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây cũng là dự báo liên quan đến phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân của Bộ Y tế vào đầu năm 2019, do thời tiết thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển, cũng như mật độ đi lại, di chuyển của người dân trong dịp Tết gia tăng khiến cho vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, có tới 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Ngoài ra, năm 2018, dịch sởi cũng có diễn biến phức tạp, bệnh xuất hiện ở cả người lớn và trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin sởi mũi đầu tiên), do đó, cộng dồn số người chưa được tiêm phòng sởi của các năm trước tăng lên, khiến tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp. Năm 2019 cũng là năm nằm trong chu kỳ dịch là nguy cơ để bùng phát dịch bệnh.

 Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

(Ông TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng)

 


Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, đặc biệt là các địa phương ở phía Nam, Bộ Y tế lo ngại các bệnh viện sẽ quá tải bệnh nhân sởi và điều này dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị, nếu không có các giải pháp kiểm soát như phân luồng khám, chữa bệnh cũng như bố trí các khu cách ly. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn chưa được phát hiện bệnh là dễ lây bệnh nhất. Vì vậy bệnh nhân cần được cách ly, phòng ngừa và quản lý phơi nhiễm thật tốt, phải giám sát, kiểm soát trẻ trong 14-18 ngày đủ để đảm bảo chắc chắn trẻ không lây nhiễm. “Trẻ mắc sởi phải được điều trị ở khu vực riêng, thông khoáng khí. Không nên đưa trẻ đi chụp chiếu, xét nghiệm ở khu vực khác hoặc ngoài khu vực cách ly, vì như thế là đem virus sởi phát tán ra bên ngoài”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, lây lan dễ dàng và rất nhanh qua đường hô hấp. Những trường hợp chưa có miễn dịch với sởi (chưa được tiêm ngừa phòng bệnh sởi hoặc chưa từng mắc bệnh sởi) khi tiếp xúc với mầm bệnh, người bệnh sởi thì hầu hết đều có thể mắc bệnh sởi.

Bệnh sởi hầu hết có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể gây ra một số biến chứng. Khi trẻ mắc sởi, trẻ có thể suy giảm hệ miễn dịch nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não tủy cấp. Đặc biệt các trường hợp nhập viện cũng có thể gây ra biến chứng, hay gặp nhất là viêm phế quản, viêm phế quản – phổi bội nhiễm. Bệnh sởi có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp biến chứng nặng, nhất là với các trường hợp bệnh nhi có sẵn bệnh lý nền mãn tính khác như tim bẩm sinh hay suy giảm miễn dịch…

Để phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ chủ động đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hằng tuần tại xã phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1 và đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2. Tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi, người lớn chưa bị mắc bệnh sởi hoặc phụ nữ mang thai cần được tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella càng sớm càng tốt. Ngoài ra, để tránh bị nhiễm lây bệnh sởi, phụ huynh không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo vệ sinh nhà ở, thân thể trẻ và tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

 Một bệnh nhân 28 tuổi bị viêm não do biến chứng của sởi

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho một bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi.

Trước đó, ngày 8.2, Đ.H.V sốt cao, sau ba ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc, Hà Nội với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai ngày 17.2. “Viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. VIỆT THANH

 

 QUỲNH HOA - NGUYỄN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top