Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ hội đền Trần năm 2019: Đang dần trở về đúng với ý nghĩa của một lễ hội dân gian

Thứ Tư 20/02/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Sau lễ khai ấn diễn ra khá bình yên trong đêm 14 tháng Giêng (tức ngày 18.2.2019), từ sớm ngày Rằm (19.2), hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã có mặt tại ngôi đền thiêng ở thành Nam để chờ đến giờ phát ấn. Cả ngàn lá ấn lộc đã được phát trong buổi sáng đầu tiên và sau đó, không gian sân đền nhanh chóng được trả lại quang cảnh thoáng đãng, trật tự.

Chờ giờ phát ấn

Năm nay, lễ khai ấn đền Trần được ghi nhận chuyển biến tích cực về đảm bảo an ninh trật tự, các hiện tượng phản cảm như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc và ném tiền lên kiệu ấn cơ bản đã không còn phổ biến như nhiều năm trước. 
Nhiều kênh giám sát văn minh lễ hội 
Vẫn còn hình ảnh số ít người dân cố tung tiền lên kiệu Ngọc Lộ trong quá trình rước. Vẫn còn cảnh chen lấn vì quá tải ở thời điểm BTC bắt đầu mở cửa đền và khi bắt đầu phát ấn. Đâu đó trong không gian lễ hội vẫn xuất hiện những cánh tay giơ cao những cành lộc vừa lấy trên các ban thờ... Nhưng không phổ biến. “Lễ hội là của dân mà, không tránh được. Nhưng về cơ bản công tác tổ chức đã được chuẩn bị và triển khai rất chặt chẽ. Các hiện tượng phản cảm nói trên về cơ bản đã không còn nhiều so với nhiều năm trước ở đền Trần”, ông Nguyễn Đức Bình (Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Đền Trần- Chùa Tháp) chia sẻ. 
Trắng đêm sau lễ khai ấn đền Trần, năm nào cũng vậy, lực lượng đảm bảo an ninh cho lễ hội chỉ có thể tạm yên tâm sau khi hoạt động phát ấn chính thức diễn ra và nhu cầu của hàng ngàn người dân tập trung tại sân đền trong đêm đã được đáp ứng. Ông Bình cũng cho biết, thời điểm bắt đầu phát ấn, sân đền tập trung đến cả ngàn người. Nhưng chỉ sau khoảng một giờ đồng hồ, lượng khách lưu trú qua đêm tại đền đều đã nhận được ấn lộc đầu năm. 
“Tuy là ngày làm việc nhưng lượng khách về đền xin ấn lộc vào sáng ngày Rằm tháng Giêng vẫn tương đương như năm trước. Nhà đền cũng đã chuẩn bị vài vạn cánh ấn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xin ấn lộc đầu năm trong ngày đầu tiên phát ấn. Hoạt động này cũng sẽ kéo dài trong cả tháng Giêng, cho đến khi đáp ứng hết nhu cầu của du khách...”, theo ông Nguyễn Đức Bình. 
Năm nay, lễ khai ấn đền Trần có lượng người tham dự vắng hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên sau thời khắc khai ấn, khi BTC mở cửa đền để người dân vào làm lễ đầu năm thì khuôn viên di tích Đền Trần lại trở nên đông đúc, nhiều du khách trong đêm đã đổ về đền từ nhiều hướng. 
Bà Phạm Thị Oanh (Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng BTC lễ hội) cho biết, triển khai nội dung Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, năm nay, công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được đẩy mạnh, những hiện tượng phản cảm phổ biến trong lễ hội các năm trước như chen lấn, xô đẩy, cướp lộc trên ban thờ, ném tiền lên kiệu ấn… cơ bản đã được khắc phục. 
Cũng theo BTC, hoạt động tuyên truyền, xây dựng văn minh lễ hội tại lễ khai ấn đền Trần 2019 được giám sát bằng nhiều kênh. Trong đó, đáng chú ý là việc lắp hệ thống 16 camera để giám sát an ninh, góp phần phát hiện những hành vi phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa như chen lấn, cướp lộc, tung tiền lên kiệu ấn… “Năm 2018, sau lễ khai ấn, chúng tôi thường xuyên trích xuất camera để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm nếu có. Nhờ vậy, nhiều hình ảnh, hiện tượng phản cảm trong lễ hội cũng đã được chấn chỉnh kịp thời”, bà Oanh cho biết. 
Năm nay, BTC lễ hội thành lập 4 tiểu ban: Nghi lễ, Tuyên truyền, An ninh trật tự, Hậu cần. Lực lượng được huy động nhằm đảm bảo an ninh cho lễ hội năm nay lên đến con số 2.300 người. 

 

 Người dân và du khách xếp hàng trật tự chờ giờ phát ấn tại Lễ hội đền Trần Nam Định 2019 (đêm 14, sáng 15 tháng Giêng - ảnh lớn) và hình ảnh những thanh niên quá khích tràn vào cửa đền tại Hội Phết Hiền Quan 2019 (Phú Thọ) sau khi bị dừng đánh phết (chiều 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) 
Ảnh: TRẦN HUẤN

Sẽ không còn là “điểm nóng” 
Thực tế được ghi nhận tại lễ khai ấn năm nay là một không khí bình yên hiếm có, những bước chân hành hương nhờ thế cũng thanh thản hơn. Sân đền Thiên Trường và toàn bộ khuôn viên khu di tích chỉ trở nên đông đúc sau khi các phần nghi lễ kết thúc, BTC mở cửa đền cho du khách thập phương. Nhiều năm sau khi triển khai đề án tổ chức lễ hội do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo thực hiện, việc phát ấn vào sớm ngày Rằm tháng Giêng đã đi vào nề nếp. Không còn cảnh tượng người người giẫm đạp, chen lấn, xô đẩy đầy bạo lực để có được lá ấn như những năm trước khi triển khai đề án. 
Một chuyển biến đáng ghi nhận là công tác tuyên truyền về những giá trị truyền thống và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội đã được triển khai bài bản và hiệu quả. Bên cạnh các biện pháp giám sát an ninh, những thông điệp nhắc nhở người đi lễ không chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc trên các ban thờ, ném tiền vào kiệu ấn… được phát liên tục trên loa, góp phần giảm thiểu đáng kể hình ảnh, hiện tượng phản cảm đã từng phổ biến một vài năm trước. 
“Tất nhiên, một lễ hội thu hút đông du khách như thế này thì không thể sạch sẽ tuyệt đối được. Nhưng phải ghi nhận những cố gắng trong công tác tổ chức đã giúp cho lễ khai ấn đền Trần diễn ra trong không khí trật tự, bình yên như bây giờ”, ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) nói. 
Lâu năm gắn bó với đền Trần, ông Nguyễn Văn Thư cũng cho rằng, dần dần lễ hội này sẽ không còn là “điểm nóng” nữa. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy chỉ thông qua những hình ảnh được đối chiếu qua từng năm trên truyền thông, báo chí. “Bây giờ, nhắc đến đền Trần người ta quan tâm nhiều đến công tác tổ chức, an ninh, sao cho lễ hội đẹp đẽ và không xảy ra những hình ảnh hỗn loạn, phản cảm. Với sự tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước cũng như việc tuyên truyền đúng đắn, chuẩn mực về giá trị của lá ấn đền Trần, lễ hội này đang dần trở về đúng với ý nghĩa của một lễ hội dân gian. Nhiều nghi lễ, hoạt động truyền thống đã và đang tiếp tục được phục dựng...”, ông Thư cho biết. 
Nhấn mạnh ý thức người dân khi tham gia lễ hội, ông Thư cũng cho rằng, đây là yếu tố quan trọng để lễ hội đền Trần dần rũ bỏ những màu sắc bị ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường để trở về gần gụi với các tín ngưỡng dân gian. “Cái tả tơi khi đi lễ hội thủa trước là tả tơi đầy cảm xúc, là sự vui vẻ trong những khởi đầu năm mới chứ không phải sự tả tơi bởi tâm thế chiếm đoạt đầy trần tục như một bộ phận người đi lễ bây giờ. Với tư tưởng thương mại hóa, họ dâng những mâm lễ cao đầy rồi xô đẩy, chen lấn nhau để cướp lộc, đó là điều hoàn toàn khác với truyền thống. Khi người đi lễ hiểu được vấn đề cội rễ này thì lễ hội đền Trần sẽ lại trở về là một lễ hội dân gian, là lễ hội của người dân...”, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Thư nhấn mạnh.
 

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top