Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Gia Lai: Nông dân oằn mình "vắt nước" cứu cây cà phê

Thứ Ba 19/02/2019 | 08:02 GMT+7

VHO - Theo dự báo, trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên này sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El nino và nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sự biến đổi khí hậu hết sức khắc nghiệt này. Và dù mới bước vào mùa khô, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới cho các cây trồng chủ lực đã diễn ra gay gắt…

                                           

                                                 Nhiều diện tích cà phê khô hạn, nông dân Gia Lai oằn mình “vắt nước” tưới cây

Oằn mình chống hạn

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nhì trong cả nước với trên 94.000 ha. Nhiều ngày qua, cả ngàn hộ dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh “vắt chân lên cổ” tìm nguồn nước chống hạn cho những hy vọng còn lại; khi mà cây hồ tiêu – cây trồng vốn được mệnh danh là “vàng đen” đang bị xóa xổ bởi dịch bệnh.

Tại huyện Ia Grai, nơi có hơn 17.000 ha diện tích cà phê, nhiều hộ nông dân quên ăn, phơi mình trong nắng nóng và thức trắng đêm để canh nước tưới cho cây trồng. Ngay trong những ngày Tết vừa qua, các gia đình đã phải thay nhau chống hạn cho cây no nước để cây đủ sức bung hoa theo lịch tưới lần 2.

Dọc theo tuyến đường tránh nối liền giữa 2 huyện Ia Grai và Chư Pah, công việc khiến bà con tất bật mà chúng tôi ghi nhận được trên cung đường này là chuyện bơm tưới, nhưng nhiều nơi nước đã không thể đáp ứng nhu cầu tưới cho cây, dù mùa khô chỉ mới bắt đầu.

Tranh thủ ngày cuối tuần, gia đình anh Jiếp - làng Tốt, xã Ia Sao (huyện Ia Grai) đang tất bật cho công việc tưới, chăm sóc cho rẫy cà phê gần 2 ha. Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô, tất cả anh em đều có mặt tại đây từ sáng sớm để bơm tưới hết lượng nước ít ỏi còn sót lại trong giếng để chuẩn bị cho việc khoan lấy thêm mạch nước.

                                            

                                                                                    Tận dụng lượng nước ít ỏi còn lại để cứu cây cà phê

Anh Jiếp chậm rãi nói: Từ đầu năm, anh em mình đã bơm tưới nhiều lần cho toàn bộ 2ha cà phê nhưng nước thì có hạn nên mỗi người chia nhau canh nước giếng, nước suối lên là bắt đầu bơm tưới cho đủ lượng nước cần thiết cho đợt tưới lần đầu. Nay vườn cây cần phải tưới lần 2 nhưng nước các nơi đều cạn rồi. Nhà mình thuê người đến khảo sát giếng và thống nhất sẽ khoan tiếp tại khu vực giếng đào, kỹ thuật khoan là khoan ngang, kinh phí tầm 5-6 triệu đồng.

Trực tiếp ghi nhận công việc khoan giếng tại rẫy anh Jiếp, thay vì chọn cách khoan đứng vì sợ ảnh hưởng đến mạch nước chính, chủ rẫy đã yêu cầu khoan ngang, với 5 mũi khoan tỏa ra 5 hướng khác nhau ở đáy giếng, mỗi mũi dự kiến khoan sâu vào lòng đất khoảng 70-80 mét. Anh Trọng - thợ khoan giếng cho biết: Nước tưới ngày một khan hiếm, cây cà phê lại cần lượng nước rất lớn, nên nhiều người tại đây thuê khoan giếng. Với cách khoan ngang cộng với mở rộng ở đáy thì nước tưới sẽ không sợ thiếu ít nhất trong thời gian tới. Nhiều nơi khác hẹn khoan nhưng tôi chưa dám nhận thêm vì lịch đã khá dày.

Không riêng gì hộ anh Jiếp, nhiều bà con tại khu vực này ngày đêm tranh thủ để lấy nước tưới cho cây, cũng tại xã Ia Sao, vợ chồng ông bà Hiệp – Ngọc cũng vất vả  với vườn cà phê của mình. Dù đã quá trưa, nhưng ông bà vẫn cố gắng bơm cho xong lượng nước đọng còn lại mà mình thức canh đưa nước vào hố suốt cả ngày qua. Xong việc tưới, ông bà phải dọn toàn bộ ống, dây kéo vào nhà rẫy để cất tránh việc bị mất cắp ống, dây điện và thiết bị bơm tưới như đã xảy ra liên tiếp trong những ngày qua.

Bà Ngọc nói: Khổ lắm, cả 2 vợ chồng cùng thức từ đêm, canh tới sáng sớm, rồi suốt từ sáng tới giờ mà vẫn không đủ nước để bơm tưới cho rẫy cà phê đang héo dần. Khổ mấy cũng được nhưng để cây chết, mất sản lượng thì chúng tôi coi như mất trắng vụ mùa. Giá đã thấp, nay còn chống chọi với tình trạng khô hạn còn khổ hơn, vụ mùa này vậy, không biết mùa sau có còn nước tưới nữa không? - bà Ngọc buồn nói.

                                            

                                                                              Đồng ruộng khô khát tại Gia Lai vào đầu mùa khô 2019

Giảm sút mạch nước ngầm

Ngoài các hộ dân tại huyện Ia Grai đang ngày đêm thức trắng canh tưới cho cây cà phê no nước, bung hoa, thì các địa phương khác trong tỉnh có nhiều diện tích cây cà phê Chư Pah có trên 8.300 ha cà phê, huyện Chư Prông hiện có 13.500 ha cà phê... bà con nơi đây cũng vất vả không kém. Bên cạnh cây cà phê, nhiều hộ nông tại khu vực biên giới huyện Chư Prông đang từng ngày vật lộn để cứu ruộng lúa và tìm cách chuyển đổi cây trồng phù hợp với sự biến đổi thời tiết đang diễn ra bất thường tại khu vực.

Bên cạnh việc bơm tưới tại giếng với nguồn điện lưới ổn định, thì có nhiều hộ dân sử dụng cả các loại máy nổ công suất lớn cùng với việc cải tạo hồ, đường dẫn nước từ các mạch nước còn sót lại để đủ nước bơm tưới. Theo tìm hiểu, để máy nổ hoạt động liên tục, người dùng phải chuẩn bị lượng dầu từ 30-40 lít/ngày.

Trước diễn biến thời tiết thất thường, nông dân Tây Nguyên đang chủ động về nguồn nước nhằm chống hạn và cứu lấy cây trồng chủ lực của địa phương; vớt vát lại nguồn thu nhập ngày một ít dần của bà con nông dân. Tuy nhiên, với cách mở rộng lòng ở đáy giếng, đến chuyện khoan ngang với chiều sâu lên đến gần cả trăm mét như cách mà nhiều người dân tại huyện Ia Grai đang làm đã và đang tác động lớn đến mực nước ngầm; làm cho mạch nước ngầm giảm dần qua các năm mà các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang được cảnh báo.

                                            

                                                                      Nhiều diện tích cà phê đang đứng trước nguy cơ mất mùa vì thiếu nước

Chi phí, công sức bỏ ra là vậy nhưng nỗi lo lớn nhất của dân về nguồn nước vẫn không hề vơi và chuyện vườn cây “hóa củi” sẽ không phải là việc nói suông nếu không có các giải pháp lâu dài, hiệu quả từ sự kiểm soát, phối hợp của chính quyền và nông dân.

Ông Đào Lân Hưng -Trưởng phòng NN& PTNT huyện Ia Grai cho biết: Hiện tại mới là đầu mùa khô, người trồng cà phê trên địa bàn đang tưới nước đợt 2 nhưng nguồn nước đã giảm sụt nghiêm trọng; đến tháng 3, tháng 4 mới là đỉnh điểm của đợt khô hạn, và nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của bà con là không thể tránh khỏi. Và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và năng xuất của các loại cây trồng trên địa bàn.

 

NGUYỄN GIÁC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top