Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên: Cần lời giải cho 5 câu hỏi

Thứ Hai 18/02/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- Hàng loạt những vấn đề “nóng”, những tồn tại, bất cập trong phát triển du lịch của miền Trung - Tây Nguyên đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức vừa qua tại Thừa Thiên Huế.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng chứng kiến lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp

 

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng hơn 500 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

 Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lí lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành 5 câu hỏi đồng thời gợi ý “Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”.

Thiếu sự liên kết

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 12 sân bay, trong đó 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông Tây; có dải bờ biển dài gần 2.000 km với nhiều đảo, bán đảo; đa dạng hệ sinh thái núi rừng… Đây cũng là nơi có 14 di sản thế giới, 40 di tích quốc gia đặc biệt; và nền văn hóa đặc sắc của 47 dân tộc anh em đang sinh sống… Điều này là một lợi thế lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa- di sản, du lịch khám phá…

TS Trần Du lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung cho rằng cần thay đổi tư duy phát triển từ điểm du lịch sang vùng du lịch, nhất quyết không phát triển du lịch theo đơn vị hành chính. "Trên cơ sở đó, tôi thấy có thể chia thành 2 vùng trọng tâm về du lịch, gồm: Vùng từ Quảng Bình cho tới Quảng Ngãi là vùng tương đối hoàn chỉnh ở tất cả các yếu tố; và vùng thứ 2 là từ Bình Định vào đến Bình Thuận và gắn với toàn bộ khu vực Tây Nguyên theo nguyên tắc "đường xương cá". Các đường xương cá này nối từ biển lên Tây Nguyên là yếu tố quyết định để kích thích về du lịch», TS Trần Du lịch phân tích.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thừa nhận rằng: Tính liên kết trong phát triển du lịch ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và liên kết trong hoạt động xúc tiến, quảng bá… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thếso sánh của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, cũng như nâng cao tính cạnh tranh so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã lưu ý các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên về 9 nội dung cần thực hiện để phát triển ngành du lịch của vùng. Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố liên kết trong phát triển du lịch. "Về hình thức hợp tác, cần phát huy các liên kết đang hiệu quả từng vùng như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh… để làm điển hình và nhân rộng, chủ động liên kết vùng cho khu vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế qua hành lang kinh tế Đông Tây; Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Về nội dung, cần tập trung liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế, quan trọng là xác định yếu tố đặc thù của từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Phải lấy cụm ngành làm trung tâm để phát triển du lịch

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tính chất giàu tài nguyên và di sản khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy sự hội tụ của linh khí trời và đất, là vùng đất thiêng liêng, nơi giao hòa giữa tự nhiên và con người. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng”. Bên cạnh đó, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi, khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn.

Nhiều tài nguyên cũng có thể khiến chúng ta chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên mà thiếu chú trọng đầu tư những yếu tố khác, do vậy cần quan tâm cả đến những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị của tài nguyên. Thủ tướng lấy ví dụ, biển rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại, rác thải nhựa và chất thải rắn khác có thể làm mất đi tài nguyên vô giá là biển của miền Trung. “Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tổng thể, du lịch miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung còn mất cân đối, thiếu sâu sắc, nhạt bản sắc hoặc sắc thái chưa ấn tượng, nói chung là thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp. Lâu nay, chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất, thay vì phát triển theo cụm ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch để làm hài lòng du khách vẫn là câu hỏi lớn...

“Những câu trả lời chưa thực sự xuất sắc”

Để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành 5 câu hỏi: Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. “Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Thủ tướng cho rằng, nhìn cách tổng thể, những năm qua, ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi trên, như tỷ lệ khách đến Việt Nam đông hơn, thời gian lưu trú có cải thiện hơn, du khách chi tiêu nhiều hơn, những câu chuyện hay về Việt Nam bắt đầu được kể đến… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm...

Cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh

Thủ tướng khẳng định, thành quả đạt được của ngành du lịch cả nước cũng như miền Trung - Tây Nguyên có vai trò, sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn như Sungroup, FLC, Mường Thanh, Vingroup, Savico… đặc biệt là sự đóng góp của 4 hãng hàng không Việt Nam. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch miền Trung - Tây Nguyên. “Thiếu doanh nghiệp, thiếu các tập đoàn lớn, không có hãng lữ hành, không có khu du lịch, khu vui chơi, giải trí thì khó thành công, phát triển du lịch”...

Thủ tướng cũng nêu rõ, không có cách nào quảng bá hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch.

Đối với các công ty du lịch Việt Nam, theo Thủ tướng, cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh bằng bất cứ giá nào. Phải làm sâu sắc hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du khách, không thể hời hợt và bán rẻ giá trị văn hóa du lịch Việt Nam với thế giới.

Các địa phương cần “bứt phá” trong việc giải quyết các điểm nghẽn về đất đai và phân bổ tài nguyên du lịch cho nhà đầu tư có năng lực. Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để mọi người dân, du khách yên tâm.

 Nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái.

(Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC)

 

 SƠN THÙY - TẠ DŨNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top