Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Chúc mừng ngành Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có sự chuyển biến này

Thứ Bảy 16/02/2019 | 20:06 GMT+7

VHO- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các địa phương ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý: lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên làm trọng tâm. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” diễn ra ngày 16.2 tại TP. Huế.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên hội tụ nhiều tài nguyên du lịch: biển đảo, văn hóa- lịch sử, tài nguyên sinh thái –núi rừng, đặc biệt có nhiều di sản văn hóa thế giới và có gần 2.000 km bờ biển. Đây cũng là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, nên đã tạo ra kho tàng văn hóa vô cũng đặc sắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: Chỉ có khu vực miền Trung- Tây Nguyên mới đủ điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm ngành du lịch như cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch khám phá… Và thực tế, thời gian vừa qua khu vực này cũng đã có sự phát triển mạnh về du lịch: đón 8,4 triệu lượt khách quốc tế (so với 15,5 triệu lượt khách quốc tế của cả nước); nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp được xây dựng, hệ thống khách sạn 3-5 sao tăng mạnh; hình thành một số trung tâm vui chơi giải trí, có cả casino… “Tôi chúc mừng các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; chúc mừng ngành Du lịch Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có sự chuyển biến này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: S.T

Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập và hạn chế trong phát triển du lịch ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tài nguyên du lịch nơi đây chỉ được khai thác “thô”, chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được “người thợ” dũa xứng đáng. Việc hội tụ nhiều tài nguyên đôi khi cũng tạo ra bất lợi, như khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu du lịch… Hoặc sự quan tâm chưa đúng mức trong quản lý, tu bổ, khai thác khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả. “Dẫu có thế mạnh về tài nguyên nhưng nếu không biết khai thác cũng bị cạn kiệt hay bị suy thoái trong khi ý tưởng, sáng tạo là vô tận. Nhiều tài nguyên cũng khiến cho chúng ta chú tâm đến việc khai thác mà thiếu chú trọng đến các yếu tố khác. Đó là những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất, tốt nhất giá trị của tài nguyên. Ví dụ: Biển rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải sẽ làm mất đi tài nguyên vô giá của biển miền Trung”, Thủ tướng dẫn chứng.

Các đại biểu dự hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên". Ảnh: S.T

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng ép giá, “chặt chém” du khách ở một số địa phương trong thời gian qua. Mà gần đây nhất là vụ việc một nhà hàng đã lấy 500.000 đồng cho một dĩa trứng ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa); hay tình trạng xích lô báo giá 20.000 đồng nhưng chở khách lòng vòng rồi lấy 200.000 đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh, thành cần xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém” du khách, đừng để nạn “chặt chém” trở thành “thương hiệu” của địa phương. Đây chỉ là các vụ việc mang tính cá biệt nhưng nó rất tai hại cho một đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương và ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế và ngoại ngữ; đa dạng hóa, không ngừng đổi mới mới các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết du lịch ở các địa phương…

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch miền Trung – Tây Nguyên. “Thiếu doanh nghiệp, thiếu các tập đoàn lớn, không có hãng lữ hành, không có khu du lịch, khu vui chơi, giải trí thì khó thành công, phát triển du lịch. Đối với các công ty du lịch Việt Nam, theo Thủ tướng, cũng cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh bằng bất cứ giá nào. Phải làm sâu sắc hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du khách, không thể hời hợt và bán rẻ giá trị văn hóa du lịch Việt Nam với thế giới.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu những kiến nghị của các tỉnh thành gửi đến Thủ tướng và các Bộ, ngành. Ảnh: S.T

Cũng tại hội nghị, các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có nhiều kiến nghị, đề xuất gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực.

Xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch miền Trung và Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Trong đó, về hạ tầng du lịch, trước mắt cho phép đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương và Plei-ku; cho phép xây dựng chính sách xã hội hóa cụ thể cho khu vực nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 3 cảng du lịch biển Chân Mây, Nha Trang và Tiên Sa; xây dựng tuyến đường ven biển Miền Trung (trong đó ưu tiên tuyến từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Bình Định); tiếp tục hoàn thiện tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng... Về phát triển sản phẩm du lịch, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút đầu tư phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 3 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: tại Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam miền Trung với vùng du lịch Bắc Miền Trung), Cù Lào Chàm (gắn với Di sản VHTG Phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt); xây dựng 2-3 tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí dành cho khách du lịch. Về xúc tiến quảng bá, cho phép thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch. Dự kiến thu (thí điểm) 1 USD/khách du lịch quốc tế lưu trú tại các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết) và Đà Lạt (Lâm Đồng) với mục đích là sử dụng quỹ này cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.  Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách du lịch, vùng cũng kiến nghị cần khuyến khích các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay trực tiếp đi/đến Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh với các thị trường du lịch trọng điểm, đặc biệt là Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc; cho phép lấy visa tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài; và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo (Quảng Trị)...Về nguồn nhân lực, cần ưu tiên đầu tư từ ngân sách và hợp tác quốc tế trong đào tạo để xây dựng 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Huế, Đà Nẵng và Nha Trang trên cơ sở nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có và được áp dụng chính sách ưu đãi nhất để thu hút các chuyên gia, nhà giáo uy tín trong nước và quốc tế. Về bảo vệ môi trường, các tỉnh trong vùng đề xuất cho phép thực hiện cơ chế sử dụng ít nhất 10% nguồn thu ngân sách để lại từ du lịch để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các địa bàn trọng điểm du lịch; cho phép sử dụng tối đa 50% lệ phí tham quan di tích lịch sử văn hóa cho mục đích bảo tồn các giá trị văn hoá và tự nhiên, đa dạng sinh học đang được khai thác cho phát triển du lịch...

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top