Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ninh Thuận: Một huyện có gần 600 học sinh bỏ học sau Tết

Thứ Sáu 15/02/2019 | 15:55 GMT+7

VHO - Tính đến ngày 14.2, tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã có 594 học sinh vẫn chưa trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều lớp học thưa vắng học sinh. Đâu là lý do học sinh bỏ học?

         

 Thầy, cô Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi đến từng nhà để vận động các em trở lại lớp 

Trường học vắng học sinh

Nếu như những năm trước, việc vắng học sau Tết thường rơi vào những em có học lực yếu, một số em khác theo cha mẹ lên rẫy nhưng năm nay, đa số học sinh chưa đến lớp, trong số đó có nhiều em có học lực khá - giỏi, nghỉ học theo bạn bè đi làm thuê ở các tỉnh khác.

Trước Tết, con gái chị Katơr Thị Đâm là em Katơr Thị Giang, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Ngô Quyền xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) đã theo bạn bè lên Đà Lạt làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi đi làm xong, mặc dù đã về quê và được các thầy cô trong trường đến nhà vận động 2 lần để đến trường, nhưng em vẫn không chịu đi học. “Cháu học rất giỏi nhưng thấy gia đình khó khăn quá nên cháu xin đi làm để phụ giúp bố mẹ và để có tiền chi tiêu cho bản thân”, chị Đâm nghẹn ngào nói.

Em Katơr Bảo, học sinh lớp 7A, PTDTBT THCS Ngô Quyền cho biết: “Lớp em có sĩ số là 23, nhưng trong buổi học ngày thứ Năm đã có 6 bạn vắng học. Các bạn nghỉ học do bị các anh chị trong xóm đi làm ở TP.HCM về, lôi kéo rủ rê cùng đi làm để kiếm tiền tiêu xài”.

Theo thống kê, riêng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền sĩ số đầu năm học 2018-2019 có 217 học sinh, nhưng sau Tết đã có 117 học sinh chưa đến trường. Tính đến ngày 14.2 con số này đã giảm chỉ còn 47 em học sinh chưa đến trường. Nhiều em có nguy cơ bỏ học. Nhiều giáo viên chia sẻ, việc học sinh nghỉ học quá nhiều sau kỳ nghỉ Tết thì dù có quay trở lại lớp học, các em vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp thu bài. Mặt khác, nếu các em nghỉ lâu dễ gây nên tâm lí chán nản, không muốn học nữa từ đó sẽ dẫn đến tình trạng bỏ học luôn.

Ông Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng Phòng Phụ trách - Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 600 học sinh chưa ra lớp, chủ yếu là học sinh ở các lớp 8 và lớp 9, thuộc khối THCS.

“Thời gian nghỉ Tết quá sớm và học lại sau Tết cũng sớm. Những năm trước là đến mùng 10 Tết, các em mới đi học lại, tuy nhiên năm nay chỉ mùng 7 Tết là đi học. Tranh thủ nghỉ Tết, các em đi làm thuê và trong số đó có  em chưa quay lại trường để học. Việc bỏ học này còn do sự rủ rê giữa các em với nhau, hoặc do người thân trong họ hàng về đưa các em đi làm ăn xa hoặc lên núi để làm rẫy. Nhiều gia đình cho rằng, con họ học xong cũng không có việc làm, nên để các em đi làm sớm vẫn hơn”, ông Đặng Ngọc Hải cho biết.

   

  Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền - một trong những trường có số học sinh bỏ học cao 

Nỗ lực của các thầy, cô

Trước việc học sinh bỏ học chưa đến lớp nhiều, các giáo viên tại huyện Bác Ái đã nỗ lực ngày đêm, với nhiều cách để vận động các em quay trở lại trường. 

Đến Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Phước Trung, những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết không còn là tiếng trường rộn rã, lớp học sôi nổi phát biểu trong giờ học, thay vào đó là sự khẩn trương của giáo viên cho một buổi đi đến từng gia đình có học sinh bỏ học để vận động đến lớp. Cô Huỳnh Lê Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cứ sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền dân tộc, thì ngôi trường nơi đây lại đối diện tình trạng học sinh bỏ học. Lúc ít thì mười mấy, lúc nhiều có khi lên đến hai - ba chục em”.

“Trong buổi sáng thứ Hai đầu tuần (ngày 11.2) đã có 38 học sinh bỏ học. Những ngày tiếp theo từ thứ Ba và thứ Tư thì con số này giảm xuống chỉ còn 10 học sinh. Chưa kịp mừng thì trong ngày thứ Năm (ngày 14.2) số lượng học sinh nghỉ học lại tăng lên 18. Bị bạn bè và người thân rủ rê đi các tỉnh phía Nam làm thuê để kiếm tiền nên hầu như số học sinh bỏ học rơi vào các em đang học lớp 9”, cô Thoa chia sẻ.

Để gặp được phụ huynh trao đổi, tác động thêm cho các em thấy được tầm quan trọng của việc đến trường, các giáo viên phải tranh thủ vào giờ nghỉ trưa hoặc chiều tối sau khi kết thúc giờ dạy trên trường đến nhà vận động học sinh. Khoảng 16h30 phút, lúc đã kết thúc môn cuối của ngày thứ Năm, cô Kim Thoa dẫn chúng tôi đến thăm nhà em Katơr Thị Liến (học sinh lớp 9 có học lực khá, ngụ thôn Rã Trên, xã Phước Trung, huyện Bác Ái), đang có tư tưởng nghỉ học để lên Đà Lạt làm thuê kiếm tiền.

“Sau khi nghe thông tin em Liến có tư tưởng nghỉ học, cô chủ nhiệm rồi đến Ban Giám hiệu nhà trường đã đến nhà vận động em đến lớp. Tuy nhiên, em Liến vẫn không chịu nghe và nhất định đòi đi làm thuê”, cô Kim Thoa bộc bạch.

Bà Katơr Thị Dách (bà nội của em Liến) tâm sự: "Gia đình tôi cũng có động viên cháu đến trường, cố gắng học thành đạt, nhưng cũng không ăn thua. Cháu thấy các bạn trong xóm đi làm có tiền mua điện thoại, quần áo mới…cháu cũng ham. Cháu mà nghỉ học gia đình cũng buồn lắm, vì Liến là con gái đầu nên cần làm gương cho các em sau này”.

Sau 30 phút nói chuyện với gia đình em Liến, cô Thoa tiếp tục dẫn chúng tôi đến thăm nhà em Chăm Thị Bé (học sinh lớp 9, ngụ thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái). “Bé cũng là một học sinh có học lực khá. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên Đán, em Bé cũng bắt đầu nghỉ học ở nhà đi chăn cừu, bò với cha mẹ”, cô Kim Thoa vừa đi, vừa kể.

Khi thầy cô trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi vừa tới cổng nhà để vận động em đến trường, nhìn thấy từ đằng xa, em Chăm Thị Bé đã vượt hàng rào chạy vào rừng trốn. Bà Chăm Thị Sơ (mẹ em Chăm Thị Bé) chia sẻ: "Nhiều lần có nói Bé đi học, nhưng Bé nó không chịu, nó chỉ muốn ở nhà đi chăn bò, chăn cừu phụ ba, mẹ thôi. Gia đình cũng không biết làm sao".

Bác Ái là huyện nghèo  thuộc chương trình 30A. Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, với nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm tiền học phí, hỗ gạo và tiền ăn bán trú… nhưng tại sao học sinh ở miền núi huyện “30a” Bác Ái bỏ học và đang trở thành vấn nạn lớn cho địa phương? 

Giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng học sinh huyện “30a” bỏ học không chỉ dựa vào sự nỗ lực của các thầy cô giáo mà cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và cơ quan chức năng.

PHAN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top