Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những con số giật mình từ rượu, bia

Thứ Sáu 15/02/2019 | 10:20 GMT+7

VHO- Trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày có 2–3 ca ngộ độc rượu. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến hơn 6.000 ca cấp cứu vì đánh nhau trên cả nước, trong đó 52% phải nhập viện điều trị, hơn 700 ca chuyển tuyến, 17 ca tử vong.

Một bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) dịp Tết Kỷ Hợi

Chưa kể đến các ca cấp cứu do tai nạn giao thông mà người nhập viện vẫn còn hơi men. Con số này chắc chưa dừng lại vì mùa lễ hội vẫn đang tiếp diễn.

Những “điểm nhấn” từ rượu bia

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trước và sau Tết số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao. Trung bình hằng ngày Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu nhập viện trong các tình trạng khác nhau.

Bệnh nhân T.M.Đ (28 tuổi ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn. Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mới 28 tuổi nhưng anh đã có “thâm niên” 8 năm uống rượu, mỗi lần tụ tập cùng bạn bè hoặc gia đình là anh uống khoảng nửa lít rượu hoặc 10 cốc bia.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Đ.V.L (27 tuổi, ở Bắc Ninh), trong bữa tiệc liên hoan cuối năm, L cùng 12 người bạn uống khoảng 8- 9 chai rượu 500ml. Ngay sau đó anh L thấy mệt, nôn nhiều và không biết gì nữa. Anh được các bạn đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ cho biết, xét nghiệm cho thấy kali/máu, đường/ máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim. Rất may bệnh nhân được đưa vào cấp cứu kịp thời, nếu muộn sẽ có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng.

Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. BS Nguyên nhấn mạnh, sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu, bia.

Luật cần phải mạnh mới có tác dụng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, rượu, bia là nguyên nhân khiến 611 người đánh nhau vào viện cấp cứu trong dịp Tết; loại thức uống được không ít đàn ông Việt coi là “đầu câu chuyện” ngày Tết này cũng khiến gần 900 ca ngộ độc, say trong 9 ngày nghỉ Tết. Ngoài ra, có hơn 45.000 ca khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông khiến gần 17.000 trường hợp phải vào viện điều trị và gần 200 trường hợp tử vong tại bệnh viện hoặc trên đường đi cấp cứu. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, rất nhiều ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, bị đa chấn thương, chấn thương sọ não nhập viện khi trong người vẫn còn nồng nặc hơi men, kích thích, lảm nhảm…

Như vậy, chưa nói đến hậu quả lâu dài về sức khỏe, chưa cần nói đến lạm dụng mà uống rượu, bia vào là đã thấy tác hại không chỉ cho bản thân người uống, gia đình và xã hội. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được Bộ Y tế tiếp tục trình Quốc hội. Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11.2018, Dự thảo này đã gặp phản ứng gay gắt từ phía các doanh nghiệp, một số đại biểu quốc hội. Không ít ý kiến, trong đó có các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp lại “vin” vào cớ rượu là một nét “văn hóa”, “truyền thống” lâu đời của ông cha, thậm chí còn cho rằng rượu có tác dụng đối với sức khỏe để phản đối một số điều luật cũng như tên gọi của Luật. Luồng quan điểm này khăng khăng, rượu bia không có tác hại mà phải uống đến mức “lạm dụng” thì mới có tác hại, do đó nên lấy tên gọi là Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định cần phải có “ứng xử” kiên quyết đối với Dự thảo Luật, tức là phải có những điều luật với chế tài mạnh thì mới có tác dụng răn đe về mặt xã hội và chúng ta mới phòng ngừa được các tai nạn trong tương lai có thể xảy ra. “Cụm từ “lạm dụng rượu bia” có thể khiến nhiều người dân hiểu sai là chỉ phòng chống việc lạm dụng, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng rượu bia. Nếu uống thường xuyên, tích lũy nồng độ cồn thì sẽ gây ra nghiện, nhiều biểu hiện tay chân run rẩy, sảng rượu... Lúc này thì phòng ngừa không còn tác dụng nữa. Uống rượu bia chỉ cần quá chén mà chưa cần lạm dụng thì đã có thể gây tai nạn cho mình và người khác, hoặc gây rối trật tự, bạo hành…”, ông Quang nhấn mạnh.

Không chỉ rượu, mà kiểm soát việc tài trợ, quảng cáo sử dụng bia cũng đang là một vấn đề lo ngại của các nhà làm luật. Theo Dự thảo Luật, đồ uống dưới 5 độ hầu như không bị kiểm soát, trong thực tế có tới 80% - 90% bia có nồng độ cồn ở ngưỡng này. Đây chính là kẽ hở cho các lễ hội bia, các chương trình do hãng bia tài trợ, các chương trình quảng cáo nhắm vào đối tượng là giới trẻ. Mới nhìn qua thì có vẻ không ảnh hưởng gì tới người uống hiện tại, mà tác động lớn nhất chính là thế hệ trẻ.

Việc quảng cáo bia tràn lan gắn với những thông điệp thu hút thanh niên như sức mạnh, trí tuệ, tràn đầy sinh lực… sẽ khiến giới trẻ hiểu nhầm rằng, việc uống bia là bình thường, từ đó sẽ là nguy hại khi chuyển sang uống rượu. “Việc chia nồng độ cồn trong rượu bia để quản lý, kiểm soát quảng cáo, tài trợ thì dù Luật ra đời sẽ ít tác động, hầu như không tạo được sự thay đổi”, bà Phạm Hoàng Anh, nguyên Giám đốc Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam chia sẻ.

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top