Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ hội năm 2019: Nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt

Thứ Tư 13/02/2019 | 09:38 GMT+7

VHO-  Nhiều lễ hội lớn trong cả nước đã đồng loạt khai màn trong những ngày đầu xuân như chùa Hương (Mỹ Đức), đền Gióng (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), làng Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội Tịch điền (Hà Nam)... Dồn dập những hình ảnh khắc họa bức tranh đông đúc trên mọi nẻo đường đổ về lễ hội đầu năm.

Khai hội chùa Hương năm 2019

Được đánh giá đông nhưng an toàn, những mặt trái tiêu cực tại các lễ hội lớn ngay từ đầu mùa đã được quyết liệt chấn chỉnh nhằm bảo đảm mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, giàu ý nghĩa.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương, mặc dù lượng khách đổ về các lễ hội lớn, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc rất đông, nhiều nơi quá tải, song với công tác chuẩn bị và tổ chức tốt nên cơ bản không xảy ra sự cố về an ninh trật tự hay những hình ảnh chen lấn, bạo lực phản cảm.

“Phải ghi nhận sự vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp. Việc phân công trách nhiệm rõ ràng, huy động lực lượng đa ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những giá trị của lễ hội... là những yếu tố đã mang đến chuyển biến tích cực trong hoạt động lễ hội”, bà Hương nhận định.

Ngay từ sớm, nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức, đặc biệt là những giải pháp phân luồng giao thông, tổ chức bãi gửi xe, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… phục vụ du khách. Các hoạt động bán ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, ăn xin, cờ bạc trá hình, chèo kéo, ép giá, ăn mặc phản cảm, hầu đồng không đúng quy định… đều có giải pháp hạn chế.

Tại chùa Hương, bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, những chuyển biến còn thể hiện ở các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt tươi sống để quảng cáo, gây phản cảm. Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của BTC.

Đêm cầu may ở chợ Viềng Nam Định (đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8 tháng Giêng) cũng ghi nhận lượng khách quá đông đúc cùng lúc đổ về. Dự kiến trước tình trạng này, năm nay có 60 CSGT và cảnh sát cơ động được phân công điều tiết, đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường dẫn về chợ Viềng. BTC cũng liên tục phát loa cảnh báo người dân đề phòng nạn trộm cắp, móc túi, lừa đảo có thể xảy ra.

Một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... cũng đã tổ chức gặp mặt cộng đồng có lễ hội lớn, lễ hội dễ nảy sinh tiêu cực… bàn giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp. Những lễ hội trọng điểm như Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc), Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội)..., Sở VHTT, Sở VHTTDL đều đã tham mưu kịp thời với UBND tỉnh, thành phố về các giải pháp tổ chức, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh, cơ quan quản lý kiên quyết “nói không” với hành vi bạo lực, phản cảm, biến tướng trong lễ hội. Những hiện tượng chèo kéo, ép giá, làm phiền du khách… cũng sẽ được xử lý nghiêm.

Chuyển biến trong ý thức của người đi dự lễ hội cũng là nguyên nhân đưa đến nhiều thay đổi trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Nếu vài năm trước, hình ảnh người đi lễ đổi tiền lẻ rải rắc tràn lan khắp di tích hay xô đẩy, tranh cướp lộc trên các ban thờ khá phổ biến thì đến nay, những hình ảnh phản cảm này đã khắc phục được phần nhiều. “Chính sự thay đổi trong nhận thức của người dân đã giúp cho công tác quản lý lễ hội đạt được hiệu quả và sự chuyển biến từ gốc rễ. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đã khiến cho nhiều người đi lễ tự nâng cao ý thức và văn minh ứng xử khi tham gia lễ hội.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều nét mới đã ngay lập tức thiết lập một hành lang pháp lý hiệu quả, được hầu hết các địa phương triển khai đồng bộ. Nhiều địa phương UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các cấp nghiêm túc thực hiện Nghị định...”, bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.

Ngoài những chuyển biến, một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục là tình trạng ùn tắc giao thông, đổi tiền lẻ, mất vệ sinh môi trường vẫn còn tồn tại ở nhiều lễ hội đông người.

Không gọi là cướp chiếu như trước

 Giành chiếu cầu đinh

 Ngày 12.2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại đình làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã diễn ra lễ hội Đúc Bụt với sự tham gia của hàng ngàn người là nhân dân địa phương và du khách thập phương. Sau những nghi lễ truyền thống, nội dung khiến người dân và du khách hào hứng nhất là giành chiếu cầu đinh. Khi ba chiếc chiếu được tung ra giữa sân đình, người dân tìm mọi cách giành lấy với mong muốn sẽ sinh được quý tử trong năm. Theo BTC lễ hội, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, năm nay, lễ hội có điểm mới là chiếc chiếu lộc được rút hết phần giữa chỉ chiếu. Sau khi đúc bụt, BTC sẽ tung chiếu và người dân chỉ cần dùng một lực nhẹ là có thể lấy được những sợi cói chiếu. “Chúng tôi gọi đây là tản chiếu phát lộc, chứ không gọi là cướp chiếu như trước”, đại diện BTC lễ hội cho biết.

Tuy nhiên, do lượng người lao vào chiếu quá đông nên khi chiếc chiếu được ném về giữa sân vẫn diễn ra cảnh tượng nhiều người dân lao vào giành giật. Nhiều người tin rằng ai cướp được chiếu, nhất là chiếc có bó mạ xanh trên đầu (chiếu giữa) thì chắc chắn năm đó vợ chồng sẽ sinh con trai. Chính vì vậy cảnh tượng giành giật manh chiếu càng trở nên quyết liệt.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết thêm, ngay sau khi diễn ra lễ hội, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo về Cục công tác quản lý và tổ chức đối với hội Đúc Bụt 2019. “Nhìn chung, lễ hội diễn ra an toàn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục có những định hướng điều chỉnh với những gì còn bất cập, sao cho lễ hội truyền thống này giữ được vẹn nguyên các giá trị và không bị biến tướng…”, lãnh đạo Cục nhấn mạnh. 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top