Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hình như còn sót lại là...

Chủ Nhật 03/02/2019 | 11:40 GMT+7

VHO- Nếu đình và chùa là trung tâm quyền lực chính trị và tâm linh của làng thì chợ chính là trung tâm kinh tế và văn hóa. Có ai đó đã nói khi đến một miền đất nào tức là phải ngủ ở đó một đêm, ăn một món đặc sản của vùng và đi một phiên chợ…

Người dân đi mua hoa chơi Tết Ảnh: TTXVN

Làng tôi tên tục là làng Giắng, tên chữ là Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) nên chợ làng tôi mang tên chợ Giắng. Làng hình thành cách đây khoảng trên 700 năm nên có lẽ chợ Giắng làng tôi cũng có tuổi đời xấp xỉ thời gian đó.

Chợ Giắng họp tất cả các ngày nhưng phiên chính là vào ngày 4 và ngày 9 âm lịch, tức là mồng 4, mồng 9, 14 và 19, 24 và 29 Âm lịch hằng tháng. Đây là những ngày người dân cả vùng đổ về mua bán sản vật nên chợ rất đông. Đặc biệt là vào ngày Tết, từ khoảng 19 tháng Chạp đến chiều 30 Tết thì chợ luôn tấp nập.

Người quê tôi đi chợ không đơn thuần là mua sắm bởi thật ra ngày xưa làng cũng thuộc dạng thuần nông, nghèo. Mà người nghèo thì lấy tiền đâu mà mua sắm nhiều. Chợ làng tôi đông bởi người dân đi chơi chợ. Chợ là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người dân trong khắp vùng. Những đôi trai gái tìm đến chợ Tết để gặp gỡ, giao duyên. Người già đến chợ tết để tìm lại cố nhân, có khi là cô hàng xén răng đen thủa nào nay đã lên bà, lên cụ và cũng có thể là bà con họ hàng lấy vợ, lấy chồng nơi khác.

Người làng tôi đi chợ còn để thỏa mãn cái sự khao khát được giao lưu, mở mang hiểu biết khi mà thời đó thì đài hay tivi là điều không có trong cổ tích. Họ gặp nhau để bàn đủ mọi thứ trên đời, từ chuyện làng xã, họ mạc, gia đình đến chuyện thời tiết và phổ biến cho nhau những kinh nghiệm cấy trồng, gieo gặt.

Lũ trẻ con chúng tôi cũng rất mê chợ, nhất là chợ phiên những ngày giáp Tết. Ngồi trong phòng học, mắt luôn dõi ra con đường làng với tấp nập người đi mà lòng dạ xốn xang, rạo rực nên chỉ khoảng 24 - 25 tháng Chạp là các thầy, cô giáo cho bọn tôi nghỉ học. Cái buổi sáng đầu tiên không phải đến trường, chúng tôi ùa ra chợ. Nơi đây đang diễn ra hàng loạt các trò chơi như đánh khăng, đánh đáo, xem nặn tò he và đặc biệt là xúm quanh mấy bà hàng xén bán pháo tép.

Như mọi người đàn bà của làng Giắng, mỗi khi Tết đến, xuân về, mẹ tôi luôn rạo rực cùng những phiên chợ tết. Bà đi đi, lại lại như con thoi, khi thì mua mấy củ hành, vài bó rau cần, lúc thì lại thảng thốt kêu lên: “Chết tôi rồi, quên chưa mua mộc nhĩ…”.

Điều mẹ tôi lo lắng nhất dịp này, đó là bữa cơm tất niên. Thường thì vào đầu vụ gặt tháng Mười, bà thường chọn một đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ đúng đến sáng Ba mươi tết mới được đem xay giã. Mẹ tôi bảo làm thế thóc hãy còn “tươi” nên đượm mùi thơm lúa mới. Để nấu nồi cơm này, mẹ còn chuẩn bị kỹ cả củi đun. Đó phải là rơm của những ruộng lúa nếp không rạp đổ, phơi thật khô dưới cái nắng hanh hao vàng như mật của ngày cuối thu.

Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi bà ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái.

Mẹ tôi chọn đồ cúng rất kỹ, nhất là con gà để cúng đêm Trừ tịch. Đó phải là chú gà trống chớm tuổi trưởng thành. Nó không còn là gà nhiếp nhưng cũng chưa đến tuổi te tái đuổi theo ả gà mái tơ nhà hàng xóm.

Giờ đây, chợ Giắng làng tôi không còn ở nơi tuổi thơ của tôi. Nó đã di chuyển lên trung tâm của xã. Đời sống kinh tế làng tôi cũng không còn khó khăn như thủa nào. Cái nhu cầu mua sắm cũng không còn chỉ phụ thuộc vào những ngày giáp Tết. Chợ làng tôi giờ như một siêu thị mà ở đó, người ta có thể mua được cả cá hồi Na Uy, thịt bò Mỹ, nước hoa Pháp, rượu vang Italia… Và cũng không còn hình ảnh cô hàng xén răng đen “Cười như mùa thu tỏa nắng” trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Cũng không còn người nặn tò he, lũ trẻ con cũng không còn chơi trò đánh khăng, đánh đáo. Hình như còn sót lại, đó là những người con gái làng tôi vẫn đẹp như từ xưa đã đẹp, mãi mãi sau này vẫn đẹp.

Nhà thơ BÙI HOÀNG TÁM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top