Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cái Tết hòa bình đầu tiên đã đến

Thứ Ba 05/02/2019 | 11:46 GMT+7

VHO- Với tôi, cái Tết hòa bình đó là một cột mốc quan trọng của đời người để tôi bươn chải, vươn lên. Đã mấy chục năm nhưng Tết tôi gọi là “độc thân” ấy vẫn ấn tượng, vẹn nguyên cảm xúc. Chẳng thể nào quên.

Các chú bộ đội cùng người dân đi sắm Tết Ảnh: TTXVN

Tuổi tác dày lên, người ta hay miên man nhớ về những ngày xa xưa của ký ức nhất là Tết. Với tôi có lẽ ấn tượng nhất là cái Tết ở tuổi 20 khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh trở về Hà Nội. Khi ấy dù đã có mấy năm quân ngũ và có hai cái Tết xa nhà thì tôi vẫn còn rất trẻ và vẫn độc thân đúng nghĩa chưa hề có người yêu. Đây thật sự là cái Tết mới nguyên với tôi ở tuổi trưởng thành. Tôi gọi Tết Bính Thìn 1976 là Tết độc thân.

Cuối năm 1975 tôi được ra quân đợt đầu tiên, chỉ ít tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Từ Hà Tiên trở ra Sài Gòn, tôi được biên chế vào một đơn vị hành quân ra Bắc. Một đơn vị hỗn hợp gồm lính tráng nhiều đơn vị được giải quyết chính sách. Đích đơn vị tôi chuyển đến là Đoàn an dưỡng 869 ở Đông Anh, Hà Nội. Đơn vị di chuyển bằng ô tô và tàu hỏa theo từng trạm. Phải ròng rã mất hơn nửa tháng trời mới đến Hà Nội. Sau khi được phép tranh thủ thăm nhà tôi được biên chế vào một đơn vị của đoàn an dưỡng.

Lúc ổn định đơn vị thì đã áp Tết. Đây là cái Tết đầu tiên của hòa bình khi đất nước thống nhất. Không khí đặc biệt khác với những Tết trước đó. Sau nhiều năm chiến tranh, những người lính lục tục được giải ngũ trở về quê hương. Ai còn, ai mất cơ bản đều đã có thông tin. Làng quê nơi tôi đóng quân cũng trong nhịp không khí ấy. Mọi người hân hoan chuẩn bị cho một cái Tết hòa bình thực sự. Vì là quân số an dưỡng trước khi cho phục viên, xuất ngũ nên cánh lính chúng tôi tương đối được tự do thoải mái. Chẳng mấy cán bộ chỉ huy muốn gò những người lính ở chiến trường ra và sắp được ra quân. Thế nên còn mươi ngày nữa là Tết chúng tôi đã chuẩn bị được nghỉ phép về nhà ăn Tết.

Tầm quãng 23 Tết, sau khi lĩnh tiêu chuẩn thuốc lá, chè, bánh kẹo Tết và báo cắt cơm thanh toán tem gạo, thực phẩm chúng tôi được trở về nhà ăn Tết. Khỏi nói tôi sung sướng đến nhường nào. Khác với Tết 1973 khi chưa vào chiến trường B, được về phép tôi luôn vận quân phục mới cóng ra vẻ một anh lính thực thụ thì lần này tôi mặc đồ dân sự. Bấy giờ mốt quần loe, áo “xanh tê” đã du nhập từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi có kiếm được vài bộ đồ dân sự thêm chiếc áo len cổ quả tim và đôi sapo cao gót cũng là mốt thời bấy giờ. Bộ quần áo tốt nhất tôi là kỹ cất vào tủ để đi chơi Giao thừa đón Tết...

Lúc tôi về phép thì chợ hoa Hàng Lược đã mở. Chợ chưa đông và hoa đào mới chỉ lác đác dọc phố. Bấy giờ chưa có kinh tế tư nhân, đa số mọi người làm ở cơ quan, nhà máy, công trường, chỉ có một số ít người làm gia công các nghề đơn giản ở hộ gia đình và hợp tác xã. Vì thế mọi người vẫn phải làm việc. Nhưng không vì vậy mà Hà Nội vắng vẻ. Các chợ đã tấp nập dồn hàng hóa về bán Tết. Những chợ lớn như Đồng Xuân, Bắc Qua, Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Mơ... tràn ngập hàng hóa và đông người sắm sửa.

Tháng áp Tết có lẽ gia đình nào cũng có ý dồn thực phẩm dành cho Tết nên họ trữ lại tem phiếu tiêu chuẩn. Ở các cửa hàng thực phẩm ngoài những hàng hóa thông thường như thịt, cá, đậu phụ, nước mắm, xì dầu, rau quả... đã thấy bày riêng một góc những bó lá dong xanh ngăn ngắt xếp thành đống. Cửa hàng chất đốt cũng đông người xếp hàng mua dầu hỏa, than, củi. Đặc biệt là củi xếp những chồng cao ngất. Củi dành cho nấu bánh chưng nên nhu cầu tiêu thụ cao.

Ở tất cả các quầy bán hàng Tết đều treo băng rôn đề rõ bán hàng Tết nên phố phường dù chưa đến thời điểm cắm cờ ở các nhà nhưng màu đỏ của băng rôn hàng Tết đã tạo nên khí thế. Mạn Bờ Hồ và các phố trục chính, thợ điện đã đi mắc đèn trang trí cho Tết. Pano, khẩu hiệu Tết cũng được căng khắp những công sở và nơi quan trọng.

Tôi vì là độc thân nên rảnh rỗi nhận nhiệm vụ mua hàng Tết một cách mẫn cán. Đến chiều 29 Tết thì tôi lượn xe đạp cả ngày lên cả vườn đào Nhật Tân lẫn chợ hoa để tìm một cành đào tuân thủ triết lý vừa túi tiền. Đào chợ hoa Hàng Lược rất nhiều và đẹp nhưng tôi thích lượn lên vườn là để kết hợp vãn cảnh hoa đào Tết. Rồi cũng kiếm được cành đào ưng ý. Mọi việc chuẩn bị hầu như xong xuôi. Thịt cá tiêu chuẩn được chế biến dành cho Tết. Từ hôm trước tôi đã mang bột mỳ, đường, trứng, bơ đi thuê làm bánh quy gai xốp. Những lò làm bánh này rất đắt khách dịp Tết có ở hầu hết các phố. Mấy nhà hàng xóm liền kề chung nhau nồi bánh chưng cũng đã nổi lửa bày hết ra vỉa hè. Đỡ cách rách hơn là luộc bánh chưng bằng nồi áp suất của Nga. Cứ cặp bánh luộc một mẻ nhanh và tiện đáo để nhưng thật thì bánh chưng luộc củi vẫn ngon và thú hơn. Dịch vụ luộc bánh chưng thuê ở các lò bán nước sôi ngày thường rất đông khách. Hầu như mọi người đều dồn sức vào guồng quay Tết một cách hối hả và tận lực. Nhưng không phải vì thế mà mỏi mệt. Tất cả mọi khuôn mặt Tết đều hân hoan rạng rỡ.

Tối 30 Tết, lác đác phố phường có tiếng pháo nổ. Tôi đáo ra chợ hoa một lần nữa để thửa lọ hoa bàn. Là lọ hoa hỗn hợp gồm violet, đồng tiền, hoa bướm, thược dược và mấy nhánh lay ơn. Bày biện xong, tôi diện bộ đồ tốt nhất, trời lạnh nhưng cũng chỉ có cái áo len cổ trái tim mặc ngoài. Diện cỡ như tôi là oách rồi. Nhiều anh chị Tết đến vẫn mặc áo bông xanh xí lâm, lấy đâu ra áo len, áo khoác diện. Hẹn đám bạn ở một điểm tập kết, chúng tôi bắt đầu lượn vòng trên phố. Nghĩ cũng hay, chỉ Tết năm ngoái còn ở rừng đánh nhau ựa cơm năm nay đã bảnh chọe lượn phố. Đời thật khó đoán định.

Bờ Hồ tối 30 Tết đặc người, xe đạp không vào được. Khoảng 21 giờ đêm thì bắn pháo hoa. Tết hòa bình nên pháo hoa giã thoải mái. Khói pháo mù mịt, dù rơi khiến mọi người xô đẩy tranh cướp. Ai vớ được miếng dù pháo hoa coi như là vớ được lộc xuân. Sau màn bắn pháo hoa, người dồn về Nhà thờ Lớn, về trung tâm Bờ Hồ đông nghịt. Lúc này không gian như nghẹt lại vì nhiều thứ nhưng có lẽ tâm trạng là chủ yếu.

Giao thừa. Pháo từ các gia đình bắt đầu đồng loạt đốt. Những nhà khá giả thửa riêng băng pháo cối từ làng pháo Bình Đà. Hôm trước tôi cũng đạp xe vào đó nhưng nói thật pháo bầy, pháo đàn, pháo lẻ chiến tranh nếm trải đủ, ba thứ pháo tép tì tẹt này không hấp dẫn được đám lính. Pháo các loại nổ rền, đinh tai. Giao thừa đã điểm. Một năm mới bắt đầu. Cái Tết hòa bình đầu tiên đã đến như thế.

Mấy ngày Tết tôi ở nhà tiếp khách hoặc đến nhà bạn bè chơi. Thực phẩm Tết cũng chỉ trụ được đến mồng 3 là làm lễ hóa vàng hết Tết. Tôi trở về đơn vị nhận quyết định ra quân kết thúc đời lính để bắt đầu cuộc mưu sinh mới. Với tôi, cái Tết hòa bình đó là một cột mốc quan trọng của đời người để tôi bươn chải, vươn lên. Đã mấy chục năm nhưng Tết tôi gọi là “độc thân” ấy vẫn ấn tượng, vẹn nguyên cảm xúc. Chẳng thể nào quên.

Hà Nội đầu tháng 10.2018

Nhà văn PHẠM NGỌC TIẾN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top