Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

4 lời khuyên đắt giá cho tân sinh viên

Thứ Năm 31/01/2019 | 10:51 GMT+7

VHO-Tôi từng là một sinh viên, thời gian tôi ngồi trên ghế giảng đường rất dài lên đến 11 năm, và tôi cũng là một giảng viên, từng dạy những sinh viên “vô tư thái quá với tương lai của chính mình”. Cho nên có thể nói rằng, những gì tôi trải qua nhuốm đầy “xương máu”. Đây là những kinh nghiệm tôi muốn truyền lại cho các bạn.

HÃY GIỮ THÓI QUEN “CÓ BÀI NÀO XÀO BÀI ĐÓ” CỦA THỜI PHỔ THÔNG

Ở môi trường đại học, các giảng viên không dò bài hằng ngày, cũng không có bài kiểm tra hằng tuần, cuối kỳ mới có một bài thi, còn giữa kỳ thì thường có một bài tiểu luận làm ở nhà và điểm của bài tiểu luận này sẽ lấy làm điểm giữa kỳ. Cho nên nói thẳng ra cả học kỳ chỉ có một bài thi cuối kỳ… Chính điều này đã tạo ra tính chây lười và ỷ lại của sinh viên, họ không còn có khái niệm xem lại bài khi về nhà như thời phổ thông. Trước khi kỳ thi cuối kỳ diễn ra một tháng, nhiều sinh viên mới bắt đầu lao vào học bài thi,… chong đèn nguyên đêm, ăn ngủ thất thường, áp lực đè nặng lên tinh thần vì phải học hàng chục môn cùng một lúc. Trên thực tế một bộ não bình thường không thể nào chịu được sự quá tải này, dù ở vị trí là một Kỷ lục gia trí nhớ Thế giới, tôi cũng không dám khẳng định rằng mình có thể hoàn thành tốt bài thi khi đặt bản thân ở một môi trường áp lực như thế. Để tránh áp lực, tôi khuyên các bạn tân sinh viên nên sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình học, mỗi buổi học tôi thường tóm tắt toàn bộ kiến thức lại trên một tờ giấy theo phong cách Mindmap, cuối kỳ tôi chỉ cần mang tập giấy đó ra xem và tổng kết lại là xong.

ĐỪNG BAO GIỜ CÓ SUY NGHĨ “HỌC CHO QUA” ĐỐI VỚI CÁC “MÔN ĐẠI CƯƠNG”

Tôi đồng ý với bạn, các môn đại cương không quan trọng bằng các môn chuyên ngành!? Nhưng các bạn phải luôn nhớ, đại cương là môn cơ sở của chuyên ngành. Cho dù theo bạn nó không quan trọng thì bạn cũng không thể từ chối học, và điểm của nó vẫn quyết định gần 50% kết quả học tập trong suốt 4 năm đại học. Ngày xưa tôi mới “chân ướt chân ráo” vào đại học, mấy “ông anh” khóa trên đã nói với tôi thế này: “Chú em thoải mái đi, 2 năm đầu chỉ học đại cương thôi, mà mấy môn đại cương học cho qua là được, vì nó chẳng quan trọng đâu…”. Ôi thần linh ơi! Tôi hỏi các bạn điều này nhé, nếu 2 năm đầu bạn học chơi chơi, các môn đại cương chỉ 5, 6 điểm cho qua… thì 2 năm cuối bạn làm cách nào để kéo điểm lên? Tôi vẫn chưa nói đến việc trong suốt 2 năm bạn có quan điểm học “nhàn rỗi”, nó sẽ tạo ra thói quen hời hợt trong việc học. Trên thực tế chỉ cần 23 ngày là đủ tạo ra một thói quen rồi chứ không cần đến 2 năm. Đây chính là lý do mà rất nhiều sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng trung bình khá, cho dù rất nỗ lực ở 2 năm cuối. Tôi thề với bạn rằng, chỉ cần nhìn vô bảng điểm thì chẳng ai muốn tuyển dụng một đứa có suy nghĩ hời hợt vô làm việc cho mình đâu. Lời khuyên: Những kinh nghiệm của các anh chị khóa trên rất tốt, nhưng hãy tỉnh táo để biết rằng mình nên tin vào điều gì. Nếu bạn đang lung lay và chuẩn bị bỏ cuộc thì hãy nghĩ đến bố mẹ mình đang đổ mồ hôi ngoài đồng ruộng, hãy nghĩ đến tương lai phía trước của mình.

4 NĂM ĐẠI HỌC LÀ CƠ HỘI CUỐI CÙNG ĐỂ BẠN TẬP TRUNG VÀO HỌC TIẾNG ANH

Những năm ngồi trên ghế giảng đường chính là cơ hội cuối cùng bạn có thể sử dụng toàn thời gian để học ngoại ngữ, vì sau khi kết thúc 4 năm này, bạn phải lao vào “cơm áo gạo tiền”, bạn sẽ không còn nhiều thời gian để học cho dù lúc đó bạn rất muốn và có dồi dào tài chính để đóng học phí.

ĐỪNG BAO GIỜ “THẤY ĐỦ” VỚI KIẾN THỨC TRONG GIÁO TRÌNH

Đại học là một môi trường học tập mở, nó không khép kín như thời phổ thông, nếu bạn vẫn giữ thói quen “cảm thấy đủ” với kiến thức trong giáo trình bạn có thể là một sinh viên thành công trong 4 năm đại học, nhưng bạn sẽ gánh chịu sự thất bại trong 40 năm tiếp theo. Tính ứng dụng trong giáo trình không cao, đó là thực tế không thể phủ nhận. Ngoài ra kiến thức trong giáo trình còn là kiến thức cũ. Bạn phải mở rộng kiến thức của bản thân bằng việc đi thư viện, tìm đọc các cuốn sách hay, kết giao với những người tài năng hơn mình để học tập và đặc biệt là tìm những công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành để học hỏi thêm kinh nghiệm.

DƯƠNG ANH VŨ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top