Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khắc tạc lời Bác trong tim

Thứ Năm 31/01/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ký ức trong lần được gặp Bác và lắng nghe lời căn dặn ân tình của Người cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng và trái tim của người phụ nữ, người mẹ, nữ Anh hùng Lao động Trương Thị Diên. Sắp bước sang tuổi 80, mái tóc đã bạc, đôi mắt đã mờ và đôi chân đã chậm, nhưng mỗi khi nhắc đến kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ, bà Diên lại nghẹn ngào nhớ lại những khoảnh khắc khó quên.

AHLĐ Trương Thị Diên (người quàng khăn) vinh dự được gặp và nói chuyện với Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4

Ghi lời Bác dạy trong tim...

“Sở dĩ có anh hùng là vì có đất nước anh hùng, có dân tộc anh hùng là vì có Mẹ Việt Nam Anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn”, hơn năm mươi năm trôi qua, lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được nữ Anh hùng Lao động Trương Thị Diên ghi nhớ trong tim. Lời dạy của Người cũng chính là động lực giúp bà luôn cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Bà Diên sinh năm 1940 tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nhớ lại cơ duyên được gặp Bác Hồ, bà kể lại: “Năm 19 tuổi tôi được cử đi tập huấn lớp nghiệp vụ dạy vỡ lòng ngắn ngày. Sau đó tôi trở về dạy vỡ lòng ngày 2 lớp. Thời gian này tôi cũng kiêm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe, cứu chữa nhân dân trong thời gian đế quốc Mỹ ném bom bắn phá Quảng Bình ác liệt.

Năm 1965, khi đang dạy vỡ lòng ở HTX Ngư nghiệp Quang Thịnh, Thanh Khê, máy bay Mỹ đánh bom vào lớp học. Tôi đã kéo 25 cháu vào hầm trú ẩn an toàn và nằm che cho các cháu trên miệng hầm. Phòng học bị sập còn tôi đã bị thương...”. Bà Diên đã được Sở Giáo dục tỉnh Quảng Bình báo cáo lên Trung ương sau thành tích đặc biệt đó. Chỉ ít ngày sau, bà được Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch thông báo đến nhận Huy hiệu của Bác Hồ gửi tặng.

Cuối tháng 12.1966, bà được cấp trên cử ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước. Đoàn đi của tỉnh Quảng Bình do ông Đặng Gia Tất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. “Đoàn chúng tôi được Sở Y tế đưa ra Hà Nội bằng xe ô tô. Trong thời chiến, đoàn vừa đi vừa phải tránh bom nên chúng tôi di chuyển gần một tuần mới ra đến Hà Nội. Đoàn được nghỉ ở nhà khách 37 Hùng Vương. Đó là chuyến đi mà tôi nhớ mãi trong cuộc đời mình…”, bà Diên xúc động kể.

Là chuyến đi “để đời” bởi trong đoàn hôm đó, bà Diên là một trong hai đại biểu nữ có đem theo con nhỏ. Bà nhớ lại: “Tôi cùng với chị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ Quảng Bình đều mang theo con nhỏ. Cô con gái thứ hai của tôi là Nguyễn Thị Tố Uyên, lúc đó mới được 6 tháng tuổi. Trong thời gian họp Đại hội, Ban tổ chức cũng bố trí người trông con giúp để chúng tôi yên tâm. Được sự chăm sóc chu đáo và chế độ ăn uống tốt nên chỉ trong ít ngày con tôi bụ bẫm lên trông thấy. Còn tôi, vinh dự không thể lớn hơn là tại Đại hội này tôi đã hai lần được gặp Bác Hồ”.

Lần đầu bà Diên được gặp Bác là vào ngày 30.12.1966. Người đến dự khai mạc Đại hội, phát biểu và biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập của các đại biểu, nhất là các đại biểu nhỏ tuổi, khuyết tật. Với bà Diên, lời nhắc nhở, căn dặn của Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Đại hội như một hành trang vô giá mang theo suốt cuộc đời. Bác nói: “Sở dĩ có anh hùng là vì có đất nước anh hùng, có dân tộc anh hùng là vì có Mẹ Việt Nam anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn”.

Mặt trước, mặt sau tấm ảnh và Huy hiệu của Người

“Giờ nghỉ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện với đại biểu về dự Đại hội, có bà Nguyễn Thị Suốt, Lê Thị Phấn, Đặng Gia Tất, tôi cùng một số các đại biểu khác. Bác hỏi tôi: Cô này làm chi? Đang lúng túng, tôi chưa kịp trả lời thì ông Đặng Gia Tất trả lời luôn: “Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ!”. Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với một số đại biểu về dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước được chụp trong khoảnh khắc đó. Mấy ngày sau, tôi được phóng viên mang đến tặng cho bức ảnh này...”, bà Diên vừa nói, vừa nhìn đắm đuối vào bức ảnh kỷ vật. Rưng rưng xúc động, bởi mỗi lần nhìn vào tấm ảnh ấy, mọi ký ức thiêng liêng về vị Cha già dân tộc lại ùa về, mồn một trong ký ức của bà.

Sau Đại hội, đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về Quảng Bình phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

... và trao tặng kỷ vật vô giá cho Bảo tàng

Tôi gặp Anh hùng lao động Trương Thị Diên trong buổi bà cùng con gái Nguyễn Thị Tố Uyên, cô bé 6 tháng tuổi năm xưa ra Bảo tàng Hồ Chí Minh trao tặng kỷ vật vô giá là bức ảnh năm xưa chụp cùng Bác Hồ và tấm Huy hiệu của Người. Đây là những tài sản lớn lao mà bà và các thành viên trong gia đình luôn luôn trân quý. Tiếp chuyện chúng tôi, bà Diên say sưa nói về bức ảnh.

“Trong ảnh, tôi là người mặc chiếc áo bông và quàng khăn trắng. Thời tiết Hà Nội khi đó lạnh lắm, chị em chúng tôi được phát chiếc áo bông đó, nhưng thật tiếc tôi đã không còn giữ được đến hôm nay. Còn bức ảnh thì đã được lưu giữ cẩn thận, cho đến năm 1983, trước khi con gái Tố Uyên sang học tập tại Hungary, tôi quyết định tặng cho con đem theo trong hành trang của mình. Tôi đã ghi một dòng chữ ở mặt sau bức ảnh: “Mạ cho con tấm ảnh kỷ niệm khi bế con ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tháng 10 năm 1966”…”, bà Diên chia sẻ.

Bà Trương Thị Diên và con gái xem lại bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ hơn 50 năm về trước

Trong tâm niệm của người mẹ, bà Diên gửi gắm cho con gái bức ảnh mà bà quý hơn hết thảy mọi thứ, kèm theo lời nhắn nhủ mộc mạc, yêu thương với mong muốn tạo nguồn động lực để con cố gắng trong học tập. “Mỗi lần nhìn bức ảnh tôi lại nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng đó. Và tôi luôn nói với con gái mình rằng, bởi trong bức hình mẹ được chụp với Bác Hồ năm xưa có gắn với tuổi thơ của con những ngày ở Hà Nội, dù khó khăn con nhất định vượt qua”, bà Trương Thị Diên cho hay.

Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1.1.1967, bà Diên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Bà tâm sự, qua những lần được gặp Bác, hình ảnh và những lời căn dặn của vị Cha già luôn được lưu giữ ở trong tim. “Thực hiện lời căn dặn đó, suốt đời tôi đã phấn đấu, từ việc lớn đến việc nhỏ, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm gương cho con cháu học tập. Bốn người con của tôi đều trưởng thành, trở thành những bác sĩ, kỹ sư. Riêng cô con gái Tố Uyên ngày nào tôi bế ra Hà Nội để gặp Bác nay đã 52 tuổi, công tác tại Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm thuộc Sở Y tế Quảng Bình. Đến nay đã gần 80 tuổi đời và 53 năm tuổi Đảng, tôi nghĩ mình đã làm tròn nhiệm vụ và thực hiện tốt lời căn dặn của Người…”, bà Diên bộc bạch.

Ít ai biết được, những hành động dũng cảm của Anh hùng Lao động Trương Thị Diên đã được nhạc sĩ Quách Mộng Lân đưa vào ca khúc Đẹp sao năm gái quê ta. Lời ca mộc mạc: “Chắc tay súng tì vai trong trận đánh oai hùng. Sông núi còn ghi Trương Thị Diên nữ anh hùng y tế”. Cùng với các nữ anh hùng: “Nhật Lệ sông sâu in bóng mái chèo Mẹ Suốt”, “Trên dòng sông Lũy tấm gương chị Lý kiên cường”, “Khắp nẻo đường quê hương sáng soi tấm gương chị Huế” “Chị Khíu năm con, tung lưới dẫn thuyền vượt sóng”, Anh hùng Lao động Trương Thị Diên trong ca khúc được khắc họa với hình ảnh giản dị nhưng đẹp kiên cường.

Và với tấm ảnh 6 tháng tuổi trong chuyến đi hơn 50 năm về trước, chị Nguyễn Thị Tố Uyên mang theo một tâm thế vô cùng đặc biệt trong chuyến đi lần này cùng với mẹ đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi mảnh đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm bị địch ném bom, bắn phá, bức ảnh và chiếc huy hiệu của Bác Hồ luôn được mẹ chị gìn giữ như báu vật. “Mẹ tặng tôi bức ảnh và lời nhắn nhủ để tạo nguồn động lực giúp tôi cố gắng trong học tập, vượt qua mọi khó khăn. Nhờ đó, tôi cũng đã cố gắng thật nhiều để không phụ tấm lòng của mẹ. Năm 1986, tôi về nước và trao lại bức ảnh cho mẹ. Từ đó đến nay, bức ảnh được bảo quản trong cuốn album của gia đình”.

Ở tuổi gần 80, bà Diên cùng gia đình quyết định trao tặng lại những kỷ vật thiêng liêng đó cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn các hiện vật sẽ được bảo quản và phát huy giá trị. Bức ảnh đã nhòe mờ dấu vết thời gian nhưng vẫn còn ở đó vẹn nguyên nguồn động lực thôi thúc tiến lên phía trước từ những lời dạy của Bác. Hơn ai hết, Anh hùng Lao động Trương Thị Diên cùng những thành viên trong gia đình bà đều thấu hiểu giá trị vô cùng lớn lao ẩn chứa bên tấm ảnh đen trắng năm xưa, nơi lưu dấu khoảnh khắc và những tháng năm ý nghĩa nhất của cuộc đời.

Sở dĩ có anh hùng là vì có đất nước anh hùng, có dân tộc anh hùng là vì có Mẹ Việt Nam anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn. (Bác Hồ)

 

TÂM AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top