Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tất niên ở Trường Sa: Vương mùi vị nhớ thương và màu của tin yêu

Thứ Tư 30/01/2019 | 09:43 GMT+7

VHO- Những ngày cuối năm này, khi ở đất liền, người người còn tất bật với công việc cuối năm, lo thưởng tết, nhà nhà còn đang nhộn nhịp mua sắm tết thì ở trên quần đảo Trường Sa, nơi nắng ấm ngập tràn, gió lộng quanh năm, xuân đã về bên.

 

 Hàng Tết trên đường chuyển vào đảo Sơn Ca

Với chúng tôi, 44 nhà báo, nhà văn trong trong đoàn công tác số 1, tuyến đảo phía Bắc năm 2019 trên tàu Trường Sa 571, mỗi người một tâm trạng, một cảm nhận nhưng chắc chắn là những kỷ niệm không bao giờ quên trên hành trình tác nghiệp khi được ăn những bữa cơm tất niên chiều cuối năm đầm ấm với các cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Đá Thị (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà).

Không gì hạnh phúc hơn, khi chúng tôi được ngồi đây quây quần bên các anh, kể với nhau những câu chuyện của một năm qua và những ngày đang tới. Để ít nhất là trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới này, các anh bớt trống vắng, bớt nhớ nhà hơn. Với hy vọng cùng nhau khép lại một năm với thăng trầm hoặc yên lành và chuẩn bị đón một năm mới an khang, may mắn.

Đất liền có gì, ngoài Trường Sa có thứ ấy, Tết của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo vì thế đủ đầy hơn. Ngoài hàng hóa và quà từ đất liền gửi ra, để có được điều đó, các cán bộ, chiến sĩ phải chuẩn bị từ rất sớm. Cả mấy tháng trước, cả đảo đã tăng gia, trồng rất nhiều rau xanh, nuôi lợn, gà, vịt nhiều hơn để dự trữ cho Tết.

 Trung tá Phạm Văn Điển tặng thành viên nữ đoàn công tác món quà của đảo

Cơm tất niên ở đảo có bánh chưng gói lá bàng vuông, có đủ giò chả, nem rán, thịt đông, dưa chua, thịt lợn luộc cuốn lá tra (một loài cây chịu được sóng gió, trồng nhiều ở Trường Sa) và cả ốc nhảy... Những món ăn gợi nhớ hương vị quê nhà và những món ăn chỉ ở đảo mới có khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn không khí Tết đã về trên những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc. Tôi gọi đó là những món ăn mang mùi vị nhớ thương và màu của tin yêu.

Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông nói với tôi rằng: “Cả đảo Sinh Tồn Đông đã cảm nhận được hơi ấm ở quê nhà khi đoàn công tác ra thăm và tặng quà Tết của các tổ chức, cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Chúng tôi sẽ tổ chức một cái Tết ở đảo như ở mái ấm gia đình cho anh em cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các chiến sĩ mới ra nhận công tác, đồng thời sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương”. Ngừng một lát, anh Trung nói tiếp: “Tôi muốn nhắn đến những người mẹ, người vợ, người yêu nơi quê nhà, hãy yên tâm về chúng tôi, vì họ, vì đất nước, chúng tôi có thể làm tất cả. Xin gửi lại những yêu thương nồng ấm nhất về đất liền”.

Mâm cỗ ngày tết ở đảo Nam Yết

Thượng tá Vũ Duy Khánh, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) chia sẻ: “Bao nhiêu năm đón Tết ngoài đảo, trong điều kiện khó khăn, đầu sóng ngọn gió nhưng chúng tôi vẫn giữ truyền thống dân tộc, tổ chức bữa cơm tất niên cho anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nhớ về cuộc sum họp, đoàn tụ của gia đình, bạn bè, người thân. Bộ đội Hải quân coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương” nên bữa cơm tất niên ở đảo cũng chính là buổi đoàn tụ của mái nhà chung này, cảm nhận hương vị quê nhà, hương vị tình thân, giống như đang được ở đất liền ăn Tết với người ruột thịt vậy”.

Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1994, anh Khánh được điều về công tác tại Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) 83 Công binh Hải quân. Suốt từ đó đến năm 2014 anh gắn bó với các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, tham gia xây dựng các công trình ở đảo Sinh Tồn, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, âu tàu; tôn tạo chùa ở đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết và các công trình quan trọng khác ở quần đảo Trường Sa.

Thi gói bánh chưng trên đảo Sơn Ca

Hôm đoàn công tác lên đảo Sơn Ca, anh Khánh dẫn chúng tôi đi từng ngõ ngách, giới thiệu từng công trình, từng gốc cây trên đảo, nói chuyện với các anh em chiến sĩ. Trước khi về Lữ đoàn 146 nhận nhiệm vụ hiện nay, anh có 2 năm làm Chính trị viên đảo Sơn Ca nên đảo nhỏ thân yêu này với anh chỗ nào cũng đầy kỷ niệm.

Sáng sớm trên đảo, tiếng lợn kêu eng éc làm tôi nhớ đến những ngày giáp tết, khắp làng trên xóm dưới ở các vùng quê mổ lợn đụng chung, cùng gói bánh chưng, cùng bó giò tai, giò lụa. Ở đây, bình minh lên rất nhanh, chẳng mấy mà nắng đã lấp lánh vàng trên mặt biển, gió lại vi vu hơn.

Trên sân chủ quyền, trên sân nhà ăn, bóng người đi lại chộn rộn, tiếng dao thớt va nhau lách cách, bát đĩa lanh canh, tiếng nói cười hòa chung tiếng sóng. Trên hội trường, các chiến sĩ trẻ đang bày nhau cách trang trí mâm ngũ quả, cũng 5 loại quả tượng trưng ngũ hành, cũng mứt, cũng bánh chưng và cả cây quất quả vàng ươm đất liền mới mang ra. Có nơi nào bình yên như thế này không?

 Bữa cơm Tất niên với cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm Đá Thị Ảnh: THÚY HÀ 

Vì đã được chứng kiến tình huống báo động tác chiến phòng không cấp 1 trên đảo Nam Yết ngay khi đoàn công tác vừa lên đảo; thấy cảnh tàu cá nước ngoài tới gần 90 chiếc san sát trên biển, quanh đảo nước ngoài chiếm đóng trái phép để thị uy, mới hiểu các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa đã thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí là xương máu để có được những giây phút quý giá này, có bình yên cho đất liền và để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trên chuyến tàu Trường Sa 571 đi thay, thu quân và chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa lần này, tôi gặp trung tá Phạm Văn Điển. Anh Điển đi nhận nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca. Suốt hải trình từ quân cảng Cam Ranh ra tới đảo Trường Sa, anh chăm sóc chúng tôi, ngày nào cũng hỏi han, kể những câu chuyện về biển đảo, về những ngày là chiến sĩ trẻ để chúng tôi quên đi những cơn say sóng.

Trong ánh mắt hồn nhiên và nụ cười như còn thơ trẻ của anh Điển, tôi vẫn đọc được nỗi nhớ nhà, nhớ tiếng gà gáy sớm, tiếng xôn xao ở chợ cá ở Quảng Ninh quê anh. Đưa chúng tôi ra bến cảng để hành quân về tàu, cô bạn Hoàng Thanh Hương (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai) của tôi được anh Điển tặng một cây tra đầy những chồi non, em Ánh Nguyệt (Đài PTTH Hà Nội) mắt ngấn lệ, tôi và người bạn thân của anh đi sau, im lặng không nói gì. Ôm từng đứa, anh nói: “Đừng khóc, các cô gái của tôi. Chúng ta đã có một buổi chiều tất niên không thể quên ở Sơn Ca, có một đêm hát ca hào sảng. Với anh, tết này quá vui rồi. Hải lộ bình an nhé”.

 LẠI THUÝ HÀ; ẢNH: ÁNH NGUYỆT

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top