Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kon Tum:  “Chợ tình” - nét đẹp vùng đất Đắk Hà

Thứ Tư 30/01/2019 | 09:04 GMT+7

VHO- Cứ vào dịp cuối năm, khu vực ngã ba Hà Mòn, huyện Đắk Hà (Kon Tum) lại tấp nập người họp chợ. Đã hàng chục năm trôi qua, khu vực này không chỉ là nơi sinh hoạt buôn bán, tuyển dụng lao động, tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ), mà nơi đây còn là điểm hẹn để trai gái tìm hiểu, kết duyên vợ chồng.

 Cảnh mua bán ở chợ tình từ rất sớm

 Người dân địa phương thường gọi nơi đây với cái tên thân thương “chợ công lao động” hay “chợ tình”. Được gọi như vậy là vì khu vực ngã ba Hà Mòn đã có rất nhiều thanh niên nam nữ gặp nhau và nên duyên. Ngoài ra, cái tên “chợ tình” cũng nhằm biểu đạt nơi kết nối mọi mối quan hệ, tình cảm, tình người luôn gắn bó thắt chặt.

Nơi tìm kiếm việc làm của NLĐ

Cứ tầm 4 giờ sáng khi trời còn lãng vãng hơi sương, khu vực ngã ba Hà Mòn - “chợ tình” có rất đông người tụ tập, buôn bán, tìm việc làm. Người đến chợ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, họ đi theo đoàn theo tốp hoặc nhóm. Tốp đông nhất là chừng 10 người. Tốp ít thì thường 2 đến ba người.

Mùa “chợ tình” đông đúc nhất là dịp cuối năm (khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch). Những người đến chợ để buôn bán, mua sắm và tìm kiếm việc làm. Mùa “chợ tình” tấp nập cũng là lúc người dân Đắk Hà vào vụ thu hái cà phê, lúc này nhân công lao động được thu nhận rất nhiều, ngày công lao động cũng được trả rất cao.

Anh Nguyễn Văn Tý, một người lao động tại chợ cho biết, vào dịp cuối năm, hàng nghìn người từ nhiều tỉnh thành kéo đến chợ. Tại đây, từ sáng sớm, các chủ lô (chủ vườn cà phê) sẽ đến chợ thuê công lao động. Giá công lao động được tính theo hai hình thức: Tính theo sản lượng còn gọi là khoán (hái được bao nhiêu thì cân lên rồi tính tiền công) và tính theo công nhật (là tính theo ngày). Mùa cà phê chín rộ mỗi công lao động được trả cao nhất là từ 300.000đ đến 400.000 đồng. Theo anh Tý, các chủ lô thích thuê lao động hái theo công nhật vì như vậy sẽ đảm bảo quy trình hái, không làm tổn hại đến cây. Nhưng NLĐ thì lại thích nhận việc theo hình thức khoán vì như thế thu nhập sẽ cao hơn công nhật.

Ngoài giao dịch tuyển dụng LĐ thì chợ cũng là nơi người dân tụ tập buôn bán. Người buôn bán tại chợ cũng có mức thu nhập khá cao. Những mặt hàng phổ biến nhất tại chợ là: bao tay, thức ăn, mũ, tất, bao bì...

Bà Sinh, một người dân buôn bán ở chợ nhiều năm cho biết: “Buôn bán tại khu chợ này khá đắt hàng, ngày ít nhất cũng kiếm lời 200.000 đồng, ngày nhiều có thể kiếm được 500.000 - 700.000 đồng; dù chợ chỉ tấp nập từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, sau đó thì chợ tan, mọi người đi làm việc”.

Nơi gặp gỡ của những mối tình

“Chợ tình”, đã trở nên thân quen với người dân địa phương và người lao động tứ phương không biết từ lúc nào. Không chỉ là nơi sinh hoạt, tìm kiếm việc làm, chợ còn trở thành điểm hẹn hò, trao duyên, hẹn ước của biết bao chàng trai cô gái vùng sơn cước. Như trường hợp của anh Nguyễn Hiếu và vợ là chị Thu quê ở Nghĩa Trung, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Cách đây 15 năm, anh Hiếu và chị Thu đến chợ tìm kiếm việc làm. Trong một lần đi hái cà thuê, tình cờ họ gặp nhau, rồi bén duyên, hẹn hò rồi tình yêu nảy nở và họ đã nên duyên vợ chồng. Hay vợ chồng ông Bình ở thôn 5, Hà Mòn cũng quen nhau từ phiên chợ việc làm cách đây hơn 10 năm và cũng đã thành chồng vợ.

Không nổi tiếng như chợ tình Sa Pa nhưng chợ tình ở Đắk Hà (Kon Tum) đã là địa điểm để lại những dấu ấn với người tham gia họp chợ và có tầm ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế huyện Đắk Hà.

Nhiều người con của Đắk Hà, khi xa quê, ngoài hình ảnh dòng sông, ngọn núi, vẫn nhớ như in những buổi chợ tình của phố huyện trong sương mờ mỗi sớm. Phải chăng, từ những đóng góp âm thầm của những người lao động ở phiên chợ này, từ những giọt mồ hôi của của bao con người đã thấm đậm, từ những giọt nước mắt phút chia xa lưu luyến mà trong tâm khảm của bao người, “chợ tình” luôn là điểm khởi đầu và không bao giờ quên được.

Đêm về khuya, dòng sông Pa Kô chảy qua huyện Đắk Hà như một nàng thiếu nữ với mái tóc dài yêu kiều, mơ mộng. Nhìn từ xa phủ trong sương dày, đoàn người kéo đến ngã ba Hà Mòn – “chợ tình” mỗi lúc một đông, rộn rã nói cười, ngày mới cũng bắt đầu với biết bao yêu thương, chất chứa hy vọng...

 ÁI THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top