Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phủ Dầy (Nam Định): Sao vẫn chưa trả lại tên cho... di tích?

Thứ Hai 28/01/2019 | 23:56 GMT+7

VHO-  Theo thông tin từ một số người dân phản ánh việc Phủ Vân Cát (Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) treo những tấm biển, bảng không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng, gây hiểu lầm trong dư luận, ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL) cho biết, Thanh tra Bộ đã có công văn yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định làm rõ những thông tin này. Sở VHTTDL tỉnh Nam Định sau khi xác minh đã yêu cầu địa phương trả lại tên cho di tích. Nhưng cho đến nay, những tấm biển vẫn chưa được tháo dỡ.

Những tấm biển sai tên gọi di tích

Sở yêu cầu nhưng ... “không dỡ”

Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Thanh tra Bộ đã nhận được đơn của đại diện dòng họ Trần Lê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái phản ánh việc Phủ Vân Cát (quần thể di tích Phủ Dầy) đặt các biển, bảng, băng zôn có ghi: “Phủ Dầy- Phủ Chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh”. Nội dung này được phản ánh là không đúng với tên trong xếp hạng di tích. “Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ đã chuyển đơn đến Sở VHTTDL tỉnh Nam Định  để xem xét, giải quyết”, theo ông Phạm Xuân Phúc.

Đơn cũng phản ánh việc Phủ Vân Cát cho làm 18 đạo sắc phong  mới không đúng với lịch sử và thần phả của các triều đại ban tặng cho Mẫu được lưu tại dòng họ Trần Lê.

Theo nội dung thư, chúng tôi tìm hiểu và được biết, từ tên gốc Phủ Vân Cát, thủ nhang phủ này đã đổi thành "Phủ chính Vân Cát" và treo những băng rôn khẳng định đó là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh.

Đơn kiến nghị của dòng họ Trần Lê cũng cho hay, hiện nay dòng họ đang lưu giữ nhiều cuốn gia phả, tư liệu Hán Nôm cổ và 7 đạo sắc phong từ đời vua Lê Chính Hòa (năm 1683) đến đời vua Khải Định (năm 1924); phủ chính Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong cho Mẫu và hai cụ thân sinh ra Mẫu (từ năm 1730 đời vua Lê Vĩnh Khánh đến năm 1924 đời vua Khải Định). Tại Phủ Chính còn lưu giữ đạo sắc phong năm 1763 vua Lê Cảnh Hưng sắc phong cho Mẫu “được thờ phụng ở nơi Chính Phủ” và nhiều đồ thờ,  hiện vật như bát nhang, chuông cổ, 4 bia đá cổ từ năm Thành Thái thứ 2 còn ghi  là “Phủ Chính Linh Từ”. Ở Phủ Chính  cũng còn lưu giữ một số tài liệu và biên bản ghi là  “khu vực bất khả xâm phạm của Phủ Chính thuộc thôn Tiên Hương”, “Phủ Chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa”.

Sau khi xác minh, những tấm biển được Sở VHTTDL Nam Định yêu càu tháo dỡ

Đơn cho biết thêm, hiện nay các phần mộ chí của dòng họ Trần Lê đều đặt tại thôn Tiên Hương. Ngày 22.7.2009, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác, đại diện là Bảo tàng Nam Định khảo sát những tư liệu Hán Nôm tại nhà thờ dòng họ Trần Lê thuộc thôn Tiên Hương. Đoàn công tác nhận xét: “Toàn bộ tư liệu Hán Nôm đang lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Trần Lê gồm 16 tư liệu đều là những tư liệu cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Nội dung của những tư liệu này không chỉ đề cập đến các đời của dòng họ Trần Lê mà còn phản ánh về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Mẫu trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam”.

Trước đó, tháng 6.2018, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã có công văn 460/SVHTTDL- TTr gửi UBND huyện Vụ Bản cho biết, Sở đã nhận được đơn phản ánh của ông Trần Lê Phước và dòng họ Trần Lê với cùng nội dung phản ánh trên. Sở đã cử đoàn kiểm tra, xác minh gồm Thanh tra Sở, BQL Di tích- Danh thắng tỉnh Nam Định và Phòng VH-TT huyện Vụ Bản làm việc với thủ nhang Phủ Vân Cát về nội dung đơn phản ánh.

Qua xác minh, Đoàn nhận thấy tại khu vực di tích phủ Vân Cát có treo một số băng rôn và biển chỉ dẫn vào khu di tích phủ Vân Cát với nội dung "Phủ Dầy-Phủ chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh". Căn cứ Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21.2.1975 của Bộ Văn hóa xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan tại xã Kim Thái, Sở VHTTDL Nam Định yêu cầu Phủ Vân Cát tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng rôn và các ấn phẩm quảng cáo chưa đúng theo Quyết định 09.

Sở cũng  đề nghị UBND huyện Vụ Bản chỉ đạo Phòng VH-TT huyện, UBND xã Kim Thái kiểm tra các di tích thuộc Khu Di tích Phủ Dầy và yêu cầu các di tích  ghi biển tên theo Quyết định công nhận xếp hạng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện theo Kế hoạch số  400/KH- SVHTTDL  ngày 23.5.2018 của Sở về khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Dầy để có báo cáo thống nhất tên gọi cho di tích.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Bộ đã có các công văn chuyển đơn kiến nghị đến Sở VHTTDL cũng như yêu cầu Sở làm rõ nội dung đơn, xử lý theo thẩm quyền. Nhưng cho đến nay, được biết tại Phủ Vân Cát những tấm biển không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng vẫn chưa được tháo dỡ theo yêu cầu từ Sở Nam Định.

Tìm gặp thủ nhang Phủ Vân Cát, ông Trần Văn Cường trả lời: “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông hạ biển ghi Phủ Vân Cát là Phủ Chính nhưng ông chưa thực hiện...”.

Đã phân cấp trách nhiệm cho huyện

Ông Trần Lê Hưng, đại diện dòng họ Trần Lê cho biết, việc treo sai tên gọi di tích sẽ khiến cho du khách thập phương hiểu nhầm, dẫn đến những hệ lụy, nhất là khi mùa lễ hội đang đến gần. “Chúng tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn, trả lại đúng tên gọi cho di tích”, theo ông Trần Lê Hưng.

Ông Hưng cũng bức xúc, vì sao khi đã có văn bản trả lời và yêu cầu từ Sở nhưng huyện, xã lại không thực thi?

Sở yêu cầu, di tích chưa thực hiện

Mới đây, ngày 25.1, đoàn kiểm tra của Sở VHTTDL tỉnh Nam Định tiếp tục làm việc với thủ nhang phủ Vân Cát  và các cơ quan liên quan. Ý kiến của ông Nguyễn Tài Sinh, (Trưởng Phòng VH-TT huyện Vụ Bản) tại buổi làm việc cho biết: các đền, phủ tự phát dựng biển tên, biển chỉ dẫn mà không xin phép các cơ quan chức năng. Việc tự ý dựng biển là chưa đúng với quyết định xếp hạng di tích. Trưởng Phòng VHTT huyện đề nghị cơ quan chuyên môn sớm công bố kết quả khảo sát tên gọi các di tích và yêu cầu các di tích thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về di sản văn hóa và tuân thủ, tôn trọng quyết định của các nhà khoa học khi có kết quả khảo sát.

Ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cho biết, Sở đã giao cho Thanh tra chủ trì xác minh, làm rõ theo nội dung đơn kiến nghị của dân và chỉ đạo từ Thanh tra Bộ VHTTDL.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL cũng cho hay, Thanh tra Sở đã chủ trì tiến hành xác minh.  Cũng theo Chánh Thanh tra Sở, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn tỉnh. Điều 5, điều 7 của Quyết định  nêu rõ trách nhiệm này thuộc về UBND cấp huyện, cụ thể ở đây là UBND huyện Vụ Bản.

UBND huyện Vụ Bản chưa thực hiện riết ráo  theo đúng trách nhiệm được phân cấp

“Như vậy khi Sở yêu cầu di tích tháo dỡ hệ thống biển, bảng sai nội dung thì UBND huyện phải có trách nhiệm thực thi, đôn đốc, thậm chí là cưỡng chế và tháo dỡ. Tuy nhiên cho đến bây giờ huyện Vụ Bản vẫn chưa triển khai rốt ráo theo yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như quyết định phân cấp của tỉnh...”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Phạm Xuân Phúc cũng cho rằng, việc trước hết là sớm phải trả lại tên cho di tích. Sau đó, các di tích nếu có lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu lịch sử để chứng minh cho tên gọi chính xác của mình so với hồ sơ công nhận di tích có thể đề xuất kiến nghị lên cơ quan chức năng xem xét.

Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết sẽ sớm có văn bản thể hiện quan điểm và chỉ đạo chính thức sau buổi làm việc ngày 25.1. Báo Văn Hóa sẽ tiếp tục thông tin.

HOÀNG NGÂN

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top