Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lực lưỡng giữ gìn hoà bình Việt Nam tại châu Phi: Những chuyện bây giờ mới kể

Thứ Hai 28/01/2019 | 10:02 GMT+7

VHO-  Đó là chương trình giao lưu, gặp gỡ báo chí trong và ngoài quân đội mang tên “Những cánh chim hòa bình” nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 nhằm thông báo những kết quả lực lượng GGHB Việt Nam tại Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi đạt được trong năm 2018 mới diễn ra trong tuần qua.

Bà Nguyễn Thị Luyến thắp hương bàn thờ Tết cổ truyền tại căn cứ của sĩ quan Việt Nam ở Trung Phi Ảnh: Văn Thành

Gặp bà mẹ Việt Nam nơi xứ người

Thượng tá Nguyễn Xuân Thành làm nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi từ tháng 4.2015 - 4.2016. Kỷ niệm sâu sắc nhất mà anh kể là được gặp người đồng hương trên đất bạn, trong khi không ai nghĩ sang Châu Phi lại gặp người Việt ở đó. Thượng tá Thành bất ngờ khi sang bên đó hai tuần được giới thiệu gặp một bà cụ có tên Nguyễn Thị Luyến ở thủ đô Bangui. Bà sang đây lâu rồi nên tiếng Việt không rõ nữa và khi nói chuyện, bà thường chêm vào nhiều câu tiếng Pháp. Bà nói sinh ra ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, theo chồng là lính lê dương sang Trung Phi từ những năm 1950.

Từ đó tới khi gặp phái bộ quân sự Việt Nam, bà chưa về Việt Nam lần nào, phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì chẳng biết còn ai thân thích hay không. Lúc đầu sang cuộc sống rất khổ nhưng với bản chất chịu khó, tần tảo của người phụ nữ Việt Nam, bà trồng rau nuôi gà và gia súc để có lương thực nuôi con, trong khi phần đông người châu Phi ở các nước kém phát triển thường ít tăng gia sản xuất mà chủ yếu sống nhờ viện trợ của LHQ và các tổ chức nhân đạo. Bà Luyến có bốn người con, giờ đã trưởng thành và có công ăn việc làm tử tế, có người làm luật sư, người là bác sĩ, người làm việc tại sân bay quốc tế...

Khi gặp thượng tá Thành, bà lấy ra khoe một cái áo lụa Việt Nam và gói bánh bao đã hết hạn. Bà bảo rất trân trọng những kỷ vật này, nhờ cháu sang tận Pháp mua về và chưa bao giờ dám mặc và dám ăn, để lưu giữ kỷ niệm của người Việt Nam.

Sau cuộc gặp đầu tiên, thượng tá Thành cùng đồng đội đến thăm bà Luyến thường xuyên hơn, thi thoảng có món quà cho bà như chai nước mắm, vài gói mì tôm hay vài thứ đồ Việt Nam đều được bà rất trân trọng. Vào những dịp Quốc khánh 2.9, ngày thành lập Quân đội 22.12 hay dịp Tết, bà Luyến và con cháu được mời đến khu vực doanh trại phái bộ Việt Nam. Được cùng gói bánh chưng, cùng làm các món ăn Việt Nam, được thắp nén hương trên bàn thờ Bác Hồ, bà rất cảm động và biết ơn các sĩ quan trong phái bộ. Thượng tá Thành kể, lúc đầu gặp anh bà xưng là cháu và gọi anh là ông theo thói quen từ xa xưa. Giải thích và nói mãi nay bà mới gọi anh Thành là cháu. Nhiều lúc phái bộ hết lương thực, thực phẩm chưa được cấp kịp, bà bảo cháu mang trứng sang, có lúc hết thịt thì bà mang cho hẳn một cái đùi dê. Khi an ninh căng thẳng, các sĩ quan không ra chợ được, bà mang dầu sang biếu... Cho đến tận bây giờ khi đã kết thúc nhiệm vụ quốc tế hơn 2 năm, thượng tá Thành vẫn mãi nhớ tới bà, một bà mẹ Việt Nam tần tảo cả đời ở nơi xứ người.

 Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cùng một đồng đội quốc tế tại Nam Sudan

Nhường cơm sẻ thuốc cho trẻ em bản xứ

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, một trong những nữ sĩ quan hiếm hoi được phái đoàn LHQ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Nam Sudan. Thiếu tá Nga là sĩ quan tham mưu tại phái bộ quân sự Việt Nam, vừa hoàn thành nhiệm vụ về nước đầu tháng 1.2019. Thiếu tá Nga nhớ lại quãng thời gian một năm rất ý nghĩa khi làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình ở nước bạn. Thường vào thời gian rảnh cuối tuần hoặc ngoài giờ làm nhiệm vụ, nữ sĩ quan ra tiếp xúc với người dân địa phương.

Một lần đến ngôi trường cách căn cứ khoảng 3 km, thiếu tá Nga rất xúc động khi thấy tinh thần học tập của các em. Ngôi trường vô cùng thiếu thốn, hầu như không có gì phục vụ học tập do bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cuộc nội chiến. Một hộp màu, vài tập giấy viết là những món quà tặng vô cùng quý giá đối với các em học sinh nơi đây. Vì thế, các em rất xúc động vì lâu lắm rồi mới nhận được quà tặng, lại là những tập giấy vẽ mà các em hằng mơ ước.

Là sĩ quan tham mưu, làm việc tại căn cứ nhưng thiếu tá Nga cũng là một người mẹ, người vợ nên chị dành khá nhiều thời gian nghỉ để tiếp xúc, gần gũi với người dân địa phương. Chị tâm sự, lúc đầu tiếp xúc, một phần vơi đi nỗi nhớ nhà, chơi với trẻ con như chơi với con mình ở nhà, hướng dẫn các bé, các bà mẹ giữ vệ sinh. Chị rất đau lòng khi thấy các em nhỏ bị sốt cao, nhưng người mẹ thậm chí không có kiến thức tối thiểu chăm sóc trẻ ốm, vẫn để các em nằm ngoài nắng. Có em bị vết thương khá nặng ở chân để lâu không chăm sóc bị nhiễm trùng nhìn tận xương.

 Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trong lớp học của trẻ em Nam Sudan Ảnh: HẰNG NGA

Hôm sau thiếu tá Nga đã mang cho em nhỏ ít lương khô và thuốc kháng sinh dự phòng của chính mình ra để chữa cho em. Và rất may vết thương của em nhỏ được chữa bằng kháng sinh mạnh đã thuyên giảm. Gia đình em coi người nữ sĩ quan Việt Nam như một vị cứu tinh và tình cảm càng thân thiết hơn, gắn bó hơn như một gia đình vậy. Từ tình cảm gắn bó ban đầu bằng những hành động cụ thể như vậy, qua thiếu tá Nga, người dân bản xứ đã biết đến Việt Nam, biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biết đến một nữ quân nhân bằng xương bằng thịt đến giúp đỡ họ lúc khó khăn...

Với những thành tích trong thời gian làm nhiệm vụ, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cùng một sĩ quan Việt Nam khác được LHQ đưa vào danh sách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tôn vinh các sĩ quan làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế, đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, việc cử lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia các hoạt động Giữ gìn hòa bình của LHQ là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, góp phần hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người đến bạn bè quốc tế.

Đến nay, những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đều được LHQ và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao về trách nhiệm, năng lực, khả năng hội nhập, kết quả thực hiện nhiệm vụ. 

 Việc cử lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia các hoạt động Giữ gìn hòa bình của LHQ là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, góp phần hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người đến bạn bè quốc tế.

(Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam)

 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top