Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Đã tự nguyện thì sao phải đưa vào luật?

Thứ Sáu 18/01/2019 | 09:44 GMT+7

VHO-Các nội dung về cơ chế bảo đảm dân chủ ở các cơ sở giáo dục, quy định về quản lý nhà nước, bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh (trước đây gọi là hội phụ huynh học sinh)… đã được các chuyên gia giáo dục, luật sư, luật gia và phụ huynh học sinh bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức.

 Buổi họp phụ huynh tại một trường THCS trên địa bàn TP.HCM Ảnh mang tính minh họa

 Đề xuất sửa đổi liên quan đến nội dung quản lý nhà nước về giáo dục, tại Điều 102 của dự thảo, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính, Khoa Luật hành chính nhà nước (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, cần bỏ quy định điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vai trò của ban này là gì?

“Tôi ủng hộ quan điểm không cần thiết phải tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì hiện nay các cơ sở giáo dục tư thục không có ban đại diện cha mẹ học sinh, và các trường này vẫn hoạt động bình thường. Việc có ban đại diện này là tự nguyện, không nên thuộc đối tượng quản lý của Bộ GD&ĐT. Do đó, nếu cần ban này thì tất cả các cơ sở giáo dục đều bắt buộc phải có chứ không chỉ quy định đối với trường công lập nhưng lại không quy định trường ngoài công lập”, bà Dung nói.

Theo TS Dung, trong bối cảnh phát triển về công nghệ như hiện nay, sự liên lạc giữa nhà trường và gia đình rất thuận lợi, do đó “hội cha mẹ học sinh” chỉ nên là tổ chức tự nguyện. “Vai trò của ban này là gì khi những tin nhắn thông báo nên tình hình học tập rất nhanh. Thông thường, ban này có những hỗ trợ tài chính và hoạt động khác rất lớn cho trường, đặc biệt là trường công. Nhưng có bất cập xảy ra khi ban này lợi dụng tạo ra các đặc quyền dẫn đến lạm thu. Ví dụ lớp 30 học sinh nhưng chỉ 15 phụ huynh đồng ý đóng góp thì số phụ huynh còn lại phải làm theo thế thì sao gọi là tự nguyện?”, bà Dung bức xúc.

Không đồng tình quan điểm này, PGS. TS Phan Nhật Thanh, Phó trưởng khoa Luật hành chính nhà nước (Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: “Tôi là người nằm trong ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều năm và thấy không có việc ban đại diện lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm thu. Chúng tôi khi đi họp với trường đã có những đề xuất về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để nhà trường thực hiện tốt hơn. Đúng là trong các cuộc họp này có bàn về các khoản thu, nhưng nếu không có ban đứng ra làm việc này thì ai sẽ là người tham gia hỗ trợ các hoạt động xã hội hóa giáo dục”.

Một đại biểu khác nói thêm rằng, không phải ban đại diện cha mẹ học sinh nào cũng hiểu vấn đề và tế nhị trong cách ứng xử. “Trong một cuộc họp phụ huynh gần đây, có vị đại diện phụ huynh nói thẳng với các phụ huynh khác, anh chị nào muốn về sớm thì lên đây đóng tiền ký tên luôn. Thậm chí ban đại diện này còn bố trí chặn hai chốt cửa để không ai ra về được nếu như chưa đóng tiền. Mặc dù số tiền đóng vào quỹ phụ huynh không nhiều nhưng cách hành xử của những vị phụ huynh này không thể chấp nhận được”, đại biểu này kể.

Những biến tướng

PGS.TS Nguyễn Văn Vân, nguyên trưởng khoa Luật thương mại (Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: “Ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất là hội, đã là hội thì phải tự nguyện. Khi tự nguyện thì cớ sao lại đưa vào luật?”. Theo bà Trịnh Anh Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn Trường ĐH Luật TP.HCM, ban đại diện cha mẹ học sinh cần được huấn luyện về kỹ năng trong ứng xử, giải quyết các tình huống. Sự có mặt của ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, đặc biệt với hệ thống trường công. Nhưng nếu có thì nên là quy định bắt buộc vì nếu trường này có mà trường kia không thì tạo ra sự ganh đua. Có hay không không quan trọng mà quan trọng làm như thế nào, phụ huynh chung tay tạo môi trường học tập tốt nhất cho con chứ đừng để mỗi lần nghe “đi họp phụ huynh” thì người ta chỉ nghĩ đến chuyện đi họp để nộp tiền đóng góp chứ ban đại diện cha mẹ học sinh không thể hiện được vai trò gì trong việc học tập của con em.

TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã nêu ra nhiều bất cập hiện nay mà theo bà rất cần thiết đưa vào Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học trong lần sửa đổi này. Bà Ly cho rằng, thực tế hiện nay “xã hội hóa giáo dục” hầu như biến tướng thành tự do kinh doanh trong giáo dục và đổ hết chi phí giáo dục lên vai người dân, nhất là dân nghèo thành thị. Hiện tượng lạm thu, dạy thêm trong nhà trường xảy ra trong khu vực công đang vượt quá khả năng chi trả của dân nghèo, thậm chí là trung lưu thành thị.

“Ở khu vực công, có hai biến tướng. Một là những dự tính tạo ra đặc quyền cho một nhóm nhỏ, ví dụ trường công chất lượng cao và các khoản lạm thu. Hai là nạn dạy thêm học thêm vừa tạo gánh nặng tài chính cho phụ huynh, vừa tạo áp lực học hành vô ích cho trẻ nhỏ. Ở khu vực tư, rất ít trường coi trọng vai trò hợp tác của phụ huynh và tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia vào việc giáo dục…”, bà Ly nói. 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top