Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chuyện về giải Nobel Hòa Bình

Thứ Sáu 14/12/2018 | 09:31 GMT+7

VHO- Giải Nobel Hòa Bình thường được coi là giải thưởng gây chú ý nhất trong số các giải Nobel. Đây là giải Nobel duy nhất được lựa chọn và trao giải bởi một Ủy ban ở Na Uy thay vì Thụy Điển như các hạng mục giải thưởng khác. 

  Nhà hoạt động xã hội Nadia Murad và Tiến sĩ Denis Mukwege nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 2018 Ảnh: TOBIAS SCHWARZ /AFP/GETTY

Lên án bạo lực tình dục
Năm nay, giải Nobel Hòa Bình đã được trao cho bác sĩ Denis Mukwege người Congo và nhà hoạt động Nadia Murad, một trong những nạn nhân của IS vì nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang. Theo Ủy ban Nobel, cuộc đấu tranh chung của bác sĩ Mukwege và nhà hoạt động Nadia Murad có thể tóm tắt trong những thông điệp như bạo lực tình dục chính là vũ khí không thể chấp nhận trong bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Tiến sĩ Denis Mukwege là một bác sĩ phụ khoa, cũng là người thành lập một bệnh viện tại Congo đã chữa trị cho hàng ngàn nạn nhân của các vụ hãm hiếp trong chiến tranh. Trong khi đó, Nadia Murad là một nhà hoạt động vì nhân quyền ở Iraq sống sót sau khi bị bắt làm nô lệ của IS. Trong những chiến dịch của mình, cả hai nhà vận động này không ngừng gửi đến thế giới những thông điệp cho thấy, bạo lực tình dục vẫn đang là một vấn đề nhức nhối tồn tại trong lòng xã hội hiện đại, dù có được giới truyền thông nhắc tới hay không.
Trong bài phát biểu nhận giải của mình, nhà hoạt động xã hội Nadia Murad nêu rõ: “Trong vòng 4 năm qua, chưa một thành viên nào của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS được đưa ra trước tòa án quốc tế. Việc thiếu công lý và thiếu trách nhiệm của tội phạm sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố, gây nên nhiều tổn hại hơn so với thời điểm hiện tại. Cuộc đàn áp đối với người thiểu số cần phải chấm dứt. Bạo lực tình dục đối với phụ nữ là điều không bao giờ được dung thứ”. Chủ nhân trẻ tuổi của giải thưởng Nobel Hòa Bình 2018 cũng cho rằng, im lặng và thờ ơ không còn là một lựa chọn. Thay vào đó, xã hội cần giang tay giúp đỡ những người sống sót mà không trốn tránh trách nhiệm. 
Theo CNN, nhà hoạt động xã hội Nadia Murad đã “sống sót qua một thứ địa ngục” mà ngay cả những người từng nghe, kể, hay đọc về chúng cũng không hiểu được. Cô từng chịu đựng sự tra tấn, từng trở thành nô lệ và bị hãm hiếp dưới bàn tay của nhiều binh lính IS. Sau khi trốn thoát, cô từ chối im lặng, thay vào đó là chia sẻ câu chuyện của mình tới thế giới và nhắn gửi những thông điệp về vấn nạn này. 
Trong bài phát biểu của mình, nhà hoạt động Nadia Murad cũng lên án sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng mà Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng gây ra. Cô cho biết, đến nay những thủ phạm của tội ác này vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Hơn 6.500 phụ nữ và trẻ em gái Yazidi đã bị bắt cóc, cưỡng hiếp và trở thành nạn nhân của các hoạt động mua bán man rợ. Nobel Hòa Bình chính là giải thưởng nhắc nhở công dân toàn cầu về một thế giới vẫn còn những bất công và chia rẽ cần sự can thiệp và đồng lòng. 
Cũng chính vì cuộc đấu tranh chống lại vấn nạn bạo lực tình dục mà Tiến sĩ Denis Mukwege, chủ nhân thứ hai của giải thưởng Nobel 2018 đã mạo hiểm cả cuộc sống của mình để cứu trợ những người phụ nữ sống sót sau bạo hành tình dục, bất chấp các mối đe dọa và các vụ ám sát. Trong bài phát biểu nhận giải, Tiến sĩ Mukwege cho biết: “Gải thưởng Nobel Hòa Bình 2018 phản ánh sự đau khổ của các nạn nhân, đồng thời nó cũng cho thấy sự cần thiết trong công tác bồi thường đối với các nạn nhân của các vụ hãm hiếp và bạo lực tình dục tại các châu lục trên thế giới. Tôi xin dành giải thưởng Nobel này cho phụ nữ của tất cả các quốc gia trên thế giới, những người từng bị tổn hại bởi các vụ bạo lực tình dục và đối mặt với chúng hằng ngày”. 
Toàn cảnh về xã hội toàn cầu
Thực tế, trong cơ cấu giải thưởng Nobel, giải Nobel Hòa Bình luôn nhận được nhiều sự chú ý hơn cả bởi ý nghĩa mà nó mang lại. Kể từ năm 1901 đến nay, đã có hàng trăm nhân vật được tôn vinh, nhắc nhở thế giới một cách toàn cảnh về xã hội toàn cầu thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 với rất nhiều bất ổn và xung đột, nhưng đâu đó vấn còn những nỗ lực hàn gắn, những nhà hoạt động hết mình vì hòa bình. Không khó để tìm thấy rất nhiều cái tên quen thuộc, chủ nhân của các giải thưởng Nobel như cựu Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Kofi Annan hay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, không phải năm nào Ủy ban Nobel cũng tìm được người để trao giải, và không phải giải Nobel Hòa Bình năm nào cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng. 
Vào năm 1973, Ủy ban Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa Bình về Nỗ lực ngừng bắn tại Việt Nam cho cả người gây chiến tranh và cả người đấu tranh vì hòa bình. Bức ảnh năm 1973 chỉ có hình của cựu Cố vấn Mỹ Henry Kissinger, vì người phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán Hiệp định Paris 1973 Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải cùng câu nói nổi tiếng: “Không thể nhận giải khi thỏa thuận ngừng bắn chưa đem lại hòa bình thực sự cho Việt Nam”. 

Thục Linh
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26272829123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top