Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Di sản kết nối cộng đồng

Thứ Hai 26/11/2018 | 09:37 GMT+7

VHO- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại Hà Nội với nhiều sắc thái khác nhau, đa dạng về nội dung và hình thức. Đáng chú ý, di sản văn hóa đã và đang trở thành nhịp cầu tăng cường sự hiểu biết và kết nối cộng đồng.

Chung một ước mong

Nghi lễ và Trò chơi kéo co của Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines đã được UNESCO chính thức ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2015. Tồn tại từ rất lâu đời cho đến ngày nay, Nghi lễ và Trò chơi kéo co là một hoạt động mang tính đặc trưng của các nước có canh tác nông nghiệp ở châu Á. Thông thường Nghi lễ và Trò chơi kéo co diễn ra vào mùa xuân với mong muốn khởi đầu cho một mùa màng bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa… Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Kéo co truyền thống Hàn Quốc tổ chức chuỗi hoạt động: giao lưu kéo co, trưng bày và tọa đàm về giá trị kéo co ở đền Trấn Vũ, quận Long Biên và ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội.

Nghi lễ và Trò chơi kéo co ở mỗi nước có tên gọi, quy cách và cách tổ chức kéo co khác nhau như ở Hàn Quốc gọi là Juldarigi, người Campuchia gọi là LbaengTeanhProt, Philippines gọi là Punnk và Việt Nam gọi là Kéo co, Kéo mỏ hay Kéo song. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi này luôn mang ý nghĩa gắn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị chung của cộng đồng. Những buổi giao lưu kéo co trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam ở Hà Nội lần này không chỉ thu hút đông đảo nghệ nhân, cộng đồng di sản mà còn hấp dẫn các du khách trong nước và quốc tế ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham gia. Sau những buổi giao lưu kéo co, Hiệp hội Kéo co truyền thống Hàn Quốc còn trao tặng những bức ảnh quý về kéo co ở bốn nước và bộ dây kéo co cho Bảo tàng Hà Nội để trưng bày. Những hoạt động thiết thực này không chỉ mang tính quảng bá cho di sản mà qua diễn xướng di sản còn đem đến sự hiểu biết và ý thức cộng đồng đối với việc gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của nhân loại

Triển lãm về 13 di tích Quốc gia đặc biệt

Tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu giữa những người làm công tác di sản trên địa bàn Thủ đô nhằm kết nối, tôn vinh, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân... Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Thủ đô cũng đã được trình diễn tại Bảo tàng Hà Nội dịp này như: hát dô, ca trù... Đặc biệt, lần đầu tiên Sở VHTT Hà Nội tổ chức Triển lãm “Di tích Quốc gia đặc biệt ở Hà Nội” tại Bảo tàng Hà Nội, đây là triển lãm đầu tiên trên cả nước tập trung vào chủ đề giới thiệu, trưng bày về Di tích Quốc gia đặc biệt. Triển lãm Di tích Quốc gia đặc biệt ở Hà Nội giới thiệu, trưng bày hơn 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về 13 di tích Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, đền Phù Đổng, đền Sóc Sơn, đền Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Chèm, đình Tây Đằng, đền Hát Môn, đền Hai Bà Trưng, danh thắng Hương Sơn.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh – Hà Đông tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm di sản cho học sinh trên địa bàn Thủ đô. Sau khi được các hướng dẫn viên thuyết minh về các trưng bày chuyên đề, các em học sinh được tham dự trò chơi “Rung chuông vàng”, với sự tham gia của 50 em học sinh khối 7 trường Trần Đăng Ninh. Mục đích của cuộc thi là nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, đồng thời tạo cho các em có cơ hội thể hiện tài năng, trí tuệ của mình, các câu hỏi mà bảo tàng đưa ra xoay quanh các vấn đề về lịch sử, văn hóa và nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Cuộc thi thật sự đã mang lại cho các em học sinh nhiều trải nghiệm thú vị. Thầy Lê Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng trường Trần Đăng Ninh – Hà Đông cho biết: “Hiện nay, vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. Đối với trường Trần Đăng Ninh, chúng tôi coi Bảo tàng Hà Nội là một điểm đến quen thuộc, bởi Bảo tàng có vị trí rất gần trường, ngoài ra Bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm giúp cho các em học sinh rất thích thú khi đến tham quan tại đây”.

“Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành”

Mở màn cho chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11 với chủ đề “Nét xưa”, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức thành công hoạt động giới thiệu, trình diễn trang phục áo dài và giao lưu âm nhạc truyền thống giữa hai miền Bắc - Trung với chủ đề “Hương sắc cố đô”. Không chỉ là trang phục quen thuộc của những người phụ nữ, áo dài Việt Nam đã trở thành một di sản sống chứa đựng nhiều sáng tạo, có giá trị lịch sử được truyền trao qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Bên cạnh trưng bày hiện vật giới thiệu về mỹ thuật Huế; giới thiệu, trình diễn, giao lưu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc - Trung; một chương trình đặc biệt chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành” cũng đã thu hút sự tham gia đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các hoạt động được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, nhiều chương trình do Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân được tổ chức tại một số địa điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội như: Đình Kim Ngân (phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm); Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm); Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội; Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm)…. Đáng chú ý có thể kể đến buổi tọa đàm “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu” và triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các đình Tổ nghề trong khu phố cổ Hà Nội tại đình Kim Ngân (số 42, 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm); các hoạt động giới thiệu văn hóa trà Việt, thú chơi cây cảnh và chim của người Hà Nội; giới thiệu trưng bày một số công đoạn làm tranh dân gian Kim Hoàng...

Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam

“Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất” do Liên hiệp UNESCO Việt Nam - Trung tâm UNESCO Phát triển văn hóa và thể thao phối hợp cùng Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Hemera Media tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Ngày hội gồm các hoạt động diễn xướng nhiều loại hình di sản độc đáo của Việt Nam như: Hát then, hát văn, bài chòi, quan họ Bắc Ninh, chèo, ví giặm, ca trù, hát xẩm, trống hội… Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn có khu vực giới thiệu các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như kéo co, đẩy gậy, vượt cầu khỉ, nặn tò he cũng như khu vực triển lãm thư pháp.

 PHÚC NGHỆ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top