Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Những ai kém hiểu biết, lười học sẽ bị gạt...

Thứ Sáu 02/11/2018 | 08:18 GMT+7

VHO- “Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, lười học tập sang một bên, dành chỗ cho những người đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc thì việc học để trau dồi tri thức lại càng trở nên cấp thiết”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn” do Bộ GD&ĐT phối hợp Hội Khuyến học vừa tổ chức mới đây tại TP.HCM. 

Các đại biểu cho rằng, mục đích chính của người lớn khi đi học là phục vụ chất lượng công việc tốt hơn chứ không phải văn bằng đơn thuần. Trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học, cần tính tới việc không hạn chế đầu vào và không định hướng văn bằng.

 Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ tự học

Lao động VN đang “chới với” 

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, lực lượng lao động bao gồm hàng chục triệu người đang làm việc với tư cách là cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, nhà giáo, thầy thuốc và các lao động trong các doanh nghiệp, trên đồng ruộng, ngoài hải đảo... với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hiện có đang chới với trong nắm bắt nhiều thành quả của khoa học và công nghệ mới. Nguy cơ tụt hậu ngày càng tăng. Giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi sự bế tắc này là, tất cả mọi người đều phải học tập, học tập suốt đời để khỏi bị đứng ngoài dòng chảy của thời đại. GS.TS Phạm Tất Dong nêu, các trường ĐH cần phát triển theo hướng tăng tính mở, nhất là mở về đối tượng phục vụ, mở về các hình thức học tập, công nghệ học tập, các ý tưởng học tập. Việc đào tạo phải theo một cơ chế mềm dẻo, không hạn chế đầu vào, không định hướng văn bằng, hướng việc học vào yêu cầu đáp ứng chất lượng công việc, không tạo ra những rào cản trước việc học hành của người lớn.

Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhận định rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, lười học tập sang một bên, dành chỗ cho những người đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc thì việc học để trau dồi tri thức lại càng trở nên cấp thiết”. Nhìn vào sự phát triển của nước ta và nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp”. Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các trường ĐH phải có chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu, phải thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.

Trường ĐH có trách nhiệm tìm kiếm và “tạo ra” người học

Đi vào cụ thể việc giảng dạy cho đối tượng người lớn, khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Cần Thơ cho biết, hiện nay kỹ năng giảng dạy cho đối tượng người lớn của đội ngũ giảng viên còn hạn chế. Đối tượng người lớn, không giống với độ tuổi sinh viên, phần lớn đều có gia đình, đang đi làm còn phải đi học nên mức độ tập trung vào bài học có hạn chế. Giảng viên tuy có chuyên môn vững vàng, giảng dạy sinh viên tốt nhưng cũng gặp khó khăn về phương pháp dạy học cho đối tượng này. Hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cạnh tranh để mở lớp, để thu hút học viên dẫn đến một số đơn vị giảm học phí bằng cách cắt giảm thời lượng giảng dạy hoặc một giảng viên dạy nhiều môn để giảm chi phí, vì thế giảng dạy không đảm bảo chất lượng, tổ chức thi lại dễ dàng. Trong khi nhiều học viên thì chỉ cần bằng cấp nên họ không quan tâm chất lượng, miễn sao có chứng chỉ, có bằng cấp. Từ đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không đảm bảo”, một giảng viên nêu thực tế.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, trong vòng 3 năm gần đây, tỉ lệ sinh viên đăng kí tham gia giáo dục ĐH giảm mạnh, chỉ còn hơn 50% so với giai đoạn trước. Việc các trường ĐH nếu chỉ trông chờ vào tuyển sinh định kì sẽ thất bại. Vấn đề đặt ra là cần chủ động “tạo ra” người học. Do vậy, phải thay đổi cách tuyển sinh chính quy từ mô hình theo đợt, chỉ cho một đối tượng là người tốt nghiệp trung học, sang nhiều phương án khác như bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo từ xa, liên thông, vừa làm vừa học với yêu cầu thật sự chất lượng. Nếu trước đây các trường khá khép kín với chức năng cơ bản thì hiện nay chức năng phục vụ cộng đồng càng được coi trọng hơn. Ví dụ, trường sư phạm đào tạo giáo viên đã đưa sinh viên đến phổ thông thực hành, thực tập sớm hơn; giáo viên phổ thông đến trợ giảng ở trường sư phạm; giảng viên sư phạm xuống phổ thông nghiên cứu và giảng dạy; học sinh phổ thông đến trường sư phạm nghiên cứu khoa học…

Nhiều năm qua, thái độ của các giảng viên ĐH chưa hẳn đã để tâm nhiều đến giáo dục người lớn hoặc có thái độ xem nhẹ các hoạt động phục vụ cộng đồng. Do vậy cùng với chức năng “phục vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội”, thì các trường cần chủ động tìm đến cộng đồng, mở rộng cửa đón người học nhiều đối tượng khác nhau chứ không chỉ là học sinh và sinh viên; chủ động tạo ra nhu cầu học tập cho mọi người, kích thích việc học kĩ năng nghề, tạo ra tiêu chuẩn ngày càng cao cho doanh nghiệp… 

“Vai trò dẫn đường của trường ĐH phải được xem trọng hơn cùng với vai trò đáp ứng thị trường lao động. Điều quan trọng là trong xã hội học tập, việc học hỏi lẫn nhau, giảng viên trường ĐH phải là người sẵn sàng làm thầy người khác và sẵn sàng làm trò người khác nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay”, GS.TS Phạm Hồng Quang nói. 

 Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hiện có đang chới với trong nắm bắt nhiều thành quả của khoa học và công nghệ mới. Nguy cơ tụt hậu ngày càng tăng. Giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi sự bế tắc này là, tất cả mọi người đều phải học tập, học tập suốt đời để khỏi bị đứng ngoài dòng chảy của thời đại. (GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN) 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top