Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đã tìm đủ cách nhưng sân khấu tuồng vẫn... vắng khách!

Thứ Sáu 19/10/2018 | 10:16 GMT+7

VHO-  Sau khi Tuồng xứ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng liên tục tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ miễn phí… thế nhưng khán giả cứ ngày một vắng bóng dần.

Theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, do đã nhìn thấy trước những khó khăn nên đơn vị nỗ lực xây dựng nhiều chương trình tạp kỹ biểu diễn phục vụ khán giả, trong đó có cả khách du lịch nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống của địa phương, tuy nhiên lượng khách đến nhà hát vẫn cứ sụt giảm theo thời gian.

Sân khấu tuồng xuống phố

Gian nan tìm khán giả

Thực hiện chủ trương tập trung thu hút khách du lịch đến thành phố, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cho Nhà hát Tuồng xây dựng các chương trình nghệ thuật để biểu diễn phục vụ du khách. Thời gian đầu, từ những năm 2014 - 2016, nghệ thuật tuồng được khán giả hoan nghênh và đến xem rất đông. Nhà hát cũng duy trì diễn một tuần 2 buổi vào tối thứ Tư và tối thứ Bảy. Bắt đầu sang năm 2017 đến nay xuất hiện nhiều đơn vị tư nhân, họ xây dựng và đầu tư lớn cho chương trình nghệ thuật, những chương trình này được bán theo tour của đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khi đó Nhà hát Tuồng là đơn vị sự nghiệp nên chỉ được bán 50.000/vé. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lượng khách đến với Nhà hát Tuồng.

Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, lượng khách đến với sân khấu Nhà hát Tuồng giảm 30 - 40%, thậm chí nhiều đêm diễn chỉ bán được 20 vé cũng phải sáng đèn. Riêng những chương trình diễn tuồng trọn vở thì đã dừng hẳn hoặc chỉ biểu diễn vào những tháng mùa mưa (tháng 11 và 12) và đa phần là mời khán giả đến xem miễn phí nhưng cũng không “đắt hàng”. Nghệ sĩ Đoàn Thanh Quảng bộc bạch, “tôi thật sự rất lo lắng cho nghệ thuật tuồng hiện nay, bởi sân khấu vắng khán giả khiến cho những nghệ sĩ ít nhiều cũng cảm thấy chạnh lòng”.

Nói về sự vắng bóng khán giả trên sân khấu Tuồng, NSƯT Cao Đình Liên cho rằng, sức diễn của lớp diễn viên trẻ vẫn “yếu” nên chưa đủ sức hấp dẫn khán giả. Hiện nay nghệ thuật tuồng đang “báo động” về công tác đào tạo, trong khi lớp NSND, NSƯT còn nhưng không nhiều. Đào tạo diễn viên tuồng không phải dễ, vì muốn thành công thì diễn viên phải theo kịp “tầm cỡ” của nghệ thuật hát, múa tuồng.

Cần phải xem lại mình…

Tuy sân khấu tuồng vắng bóng khán giả, nhưng không phải do niềm đam mê dành cho tuồng đã mất đi. Vậy làm cách nào để lại “kéo” khán giả về với sân khấu tuồng? NSƯT Trần Ngọc Tuấn nói rằng, dù năm nay lượng khách đến với Nhà hát sút giảm nhưng các chương trình nghệ thuật vẫn được đánh giá cao, những đơn vị lâu năm như Saigon Tourist vẫn đưa khách đến mỗi dịp. Ngoài biểu diễn ở rạp, Nhà hát mở rộng biểu diễn ở nhiều nơi khác như trường học, khách sạn, resort và vẫn có lượng khách đón nhận. Nhưng cái chính là phát huy làm sao cho rạp hoạt động thường xuyên, để sân khấu tuồng còn có cơ hội “sống”, trong khi mỗi năm Nhà hát chỉ xây dựng một vở ở mức độ quy mô khá và phục dựng thêm một vở truyền thống.

 Vở “Hoạn lộ” trên sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

“Một nghịch lý là khi có dịp hội hè thì hợp đồng diễn tuồng rất nhiều, nhưng khi sân khấu tuồng thắp đèn lại không hề có khán giả, dù là miễn phí. Chứng tỏ dân chúng họ thích nghệ thuật tuồng dân dã chứ không cần tuồng phải là đẳng cấp nào hết? Nhưng làm thế nào để sân khấu ngoài trời vẫn đông người xem, mà sân khấu trong Nhà hát thì khi sáng đèn vẫn phải có khán giả. Đầu tư dựng vở mới để thu hút khán giả nhưng vẫn giữ được bản sắc của nghệ thuật tuồng?”, NSƯT Cao Đình Liên trăn trở.

NSND Trần Đình Sanh tâm sự, tuồng xuống phố là một cách làm, một cách tiếp cận với khán giả, nhưng không thể dựa vào đó mà kéo lại được khán giả đến sân khấu tuồng. Chỉ có cách xây dựng tiết mục cho thật tốt, vì sân khấu không có người xem thì không còn là sân khấu. Việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng là mục tiêu cấp bách, nhất thiết phải hình thành trung tâm bảo trợ nghệ thuật tuồng tại miền Trung; đồng thời tiếp tục bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu như đạo diễn, kịch bản sân khấu...”.

Cũng theo ông Sanh song song với đó, cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gầy dựng lớp khán giả cho tuồng, vì rõ ràng khán giả không quan tâm đến nghệ thuật truyền thống vì họ không tìm thấy những gì họ muốn. Họ ít quan tâm vì ít được tiếp cận, ít tiếp cận thì ít hiểu, ít hiểu thì không yêu, đó là lẽ đương nhiên.

“Phải tăng cường công tác quảng bá và giải quyết vấn đề địa điểm của Nhà hát Tuồng. Nhà hát nằm trên đường một chiều, lại không có bãi đỗ xe, gây ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ khách du lịch. Vừa rồi Nhà hát Tuồng cũng đề xuất với lãnh đạo, Sở GD&ĐT TP chỉ đạo các trường mời Nhà hát về để biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

Tuồng xuống phố là một cách làm, một cách tiếp cận với khán giả, nhưng không thể dựa vào đó mà kéo lại được khán giả đến sân khấu tuồng. Chỉ có cách xây dựng tiết mục cho thật tốt, vì sân khấu không có người xem thì không còn là sân khấu. Việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng là mục tiêu cấp bách, nhất thiết phải hình thành trung tâm bảo trợ nghệ thuật tuồng tại miền Trung. (NSND Trần Đình Sanh)

 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top