Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Trước cờ Đảng, nguyện gìn giữ vốn di sản quan họ quý báu của làng!

Thứ Năm 04/10/2018 | 15:58 GMT+7

VH- Có thể đoan chắc một điều là, mỗi khi đã đặt chân vào địa phận của xã Hoà Long thuộc thành phố Bắc Ninh, gặp bất kỳ người dân nào để hỏi thăm đường đi đến nhà nghệ nhân hát quan họ Nguyễn Thị Bàn, người làng Diềm, là ai cũng biết và chỉ dẫn tường tận.

 

    Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn cùng học trò ra đền Vua bà làng Diềm

Đã hơn một lần thử nghiệm điều này, ở những lớp người theo cữ tuổi khác nhau, chúng tôi đều được không chỉ biết hướng đến nhà cụ Bàn, mà, đôi khi cao hứng, người chỉ đường còn gợi thêm chuyện, muốn biết khách lạ hành hương từ đâu và sao đến giờ mới về tìm gặp cụ Bàn để nghe quan họ. Thiên hạ vốn đã có biết bao nhiêu người tìm đến trước rồi. Thậm chí, có cả cái cô người Mỹ còn “ăn dầm, nằm dề” ngay tại nhà cụ nhiều tháng giời để được ngày đêm sinh sống bên cụ, ghi chép, quay hình và nghiên cứu những bài quan họ cổ, thu thập tư liệu cho luận án tiến sĩ nghệ thuật, nghe đâu đã bảo vệ thành công ngay tại cường quốc khoa học thế giới ấy chứ !

Hôm ấy, chúng tôi tìm về nhà cụ Bàn vào một ngày đầu xuân, do một người dân làng Quả Cảm dẫn đường. Xuất phát từ đền thờ Bà Chúa Kho, còn gọi là bà Chúa Sành, ngay giữa làng, trên trục đường chừng năm,sáu trăm mét hướng về giếng cá thần, cô gái đất Quả Cảm đã miên man bao chuyện về làng Diềm, về các nghệ nhân cao niên của đất gốc quan họ này. Và, đương nhiên là cả chuyện về những đêm được ngồi nghe cụ Bàn hát quan họ. Hay lắm, nghe mãi không dứt ra được. Mà sao các cụ tuổi tác đều đã ngoài bảy, tám chục rồi nhưng vẫn còn nhớ được hàng trăm câu ca, trong đó có những câu quá cổ và khó hát, để ngân nga, luyến láy “nằm lòng” đến vậy. Có nhiều bài, mới nghe tưởng dễ, nhưng khi được cụ dạy để học thử một câu, thì sao mà khó thế. Nó không xuôi xuôi như những bài quan họ hàng ngày nghe trên đài đâu !...

Đứng trước căn nhà ngói 3 gian xây cất từ thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nép cạnh ngôi nhà 4 tầng hiện đại, một phụ nữ trạc ngoài năm mươi xưng danh là con dâu cụ Bàn, ra mở cửa, đón khách vào nhà. Cô con dâu cụ Bàn như ngượng ngập với khách: Đây là nơi các cụ nhà em ngụ cư đã nhiều đời. Các cụ sống “tuềnh toàng“ lắm ! Mẹ em suốt ngày chỉ say mê với quan họ, không còn tâm trí nào dành cho chăm bẵm nhà cửa. Vả lại, con cháu đến nay đều đã trưởng thành, nhà cao cửa rộng. Cụ bảo, như thế là viên mãn rồi. Giờ chỉ còn chung vui với bạn quan họ mà thôi ! Mà căn nhà “tuềnh toàng” thật. Ngoài chiếc giường kê góc nhà, là bộ tràng kỷ chạm khắc theo lối cổ xưa kia án ngữ gian giữa, phía trên là ban thờ gia tiên cùng mấy bức chân dung người quá cố. Chỉ có điều khác lạ ở khắp diện tích tường nhà. Ngập tràn những bằng khen, giấy khen của cụ Bàn quây quanh bức Huân chương kháng chiến hạng Ba của cụ ông và bức Huy chương kháng chiến hạng Nhì của chính cụ Bàn. Cô con dâu ý chừng muốn phụ họa thêm cho ngạc nhiên của khách: Các cụ nhà em trước đây tham gia kháng chiến hăng lắm. Cụ bà nhà em thời trẻ rất khỏe, lại năng nổ, tháo vát. Bao chuyến cùng chị em trong làng quên đói quên rét tải quân lương phục vụ chiến dịch giải phóng Điện Biên. Rồi động viên anh em họ mạc tiết kiệm gạo tiền ủng hộ kháng chiến. Cụ kể, ngày ấy, không hiểu sao lại khỏe thế ! Suốt ngày lo chuyện tải lương cho bộ đội, đêm về lại cùng nhau học ca quan họ đến tận khuya, chẳng thấy mệt nhọc là gì. Hàng chục bài ca học từ các cụ trong làng truyền dạy cứ thế ngấm vào tâm trí mình, bây giờ vẫn nhớ !...Biết ý định của khách, cô con dâu quả quyết: Giờ này bà nhà em mà vắng nhà, chắc chắn chỉ có ra đền là gặp. Thế nào cụ chẳng đang dạy quan họ cho mấy liền anh, liền chị trẻ ở đó !

 Ngược ra dăm chục mét, rẽ ngang vào phía cổng gạch pha màu rêu phong, ngôi đền thờ phụng Vua Bà, Thuỷ tổ Quan họ đã hiện trước mắt chúng tôi. Ngay trên chiếc chiếu giữa đền, quây quần quanh cơi trầu cánh phượng, cụ Bàn đang say sưa luyện từng câu quan họ cho dăm liền anh, liền chị cỡ tuổi trung niên của làng.

Vận chiếc áo nâu sồng, yếm đỏ và chít khăn mỏ quạ,cụ Bàn nền nã như biết bao các liền chị quan họ cao niên khác mà chúng tôi đã từng hầu chuyện và nghe hát ở Lũng Giang, Hoài Thị những dịp vừa qua. Nở nụ cười giòn trên gương mặt phúc hậu, lộ hàng răng đen “nhưng nhức hạt na”, cụ Bàn vẫy chúng tôi vào chiếu ngồi, cùng làm quen với các liền chị làng Diềm. Giọng cụ vang và ấm: Nghe quan họ đã. Bây giờ coi như giải lao, tôi hát vài câu cổ cho các chú nghe. Những câu này, bọn trẻ ngán lắm. Chúng nó bảo khó, chưa chịu học theo. Mà nói dại, không có ai để truyền lại những câu quan họ này, tôi tiếc lắm. Chẳng nhẽ lại mang nó về với ông bà, tổ tiên. Thế thì mắc tội lớn quá các con ạ ! Trông ánh mắt cụ thoáng gợn chút buồn. Rồi như nén tiếng thở dài, tay gạt miếng quết trầu, cụ cất giọng cười vang, như muốn cho con cháu và bọn khách chúng tôi vui lên để thưởng thức đôi ba bài quan họ cổ…

Giữa không gian cổ kính, trang nghiêm của ngôi đền cổ thờ Đức Vua Bà, mọi người như cuốn theo nhịp khoan nhặt của giai điệu và ca từ quan họ. Đã từng quen nghe những Thuý Cải, Thuý Hường,.. với đàn sáo cùng những câu quan họ giao duyên luyến láy sôi nổi, tình tứ trên đài, trên truyền hình, giờ ngồi lặng đi giữa mộc mạc những câu theo điệu Hừ la (Vui vẻ thế này), La rằng (Mong người như cá mong mưa),Gạo ngang (Chơi cho cây chuối có ngành), Gạo dọc (Trèo lên cây gạo cao cao), Tình tang (Đường đi những suối cùng khe), Đàn đúm (Ai ra Kẻ Chợ),… cổ xưa, được ngân lên qua giọng cụ Bàn, chúng tôi mới thấm hiểu thêm ngữ nghĩa của các từ “vang, rền, nền, nảy” được nhà nghiên cứu lão thành Trần Linh Quý khái quát đầu những năm bảy mươi, thế kỷ trước. Như đoán được ý nghĩ của bọn khách chúng tôi, cũng như muốn khai minh thêm cho cánh hát trẻ ngồi bên, cứ sau mỗi câu, cụ Bàn lại ngừng để giảng giải thêm về cách nhấn nhá, lấy hơi và ý tứ ẩn chứa qua từng lời trong câu hát. Cụ bảo: những lời lẽ này không phải do cụ nghĩ ra đâu. Nó là lời dạy của bà ngoại cụ, và của nghệ nhân Nguyễn Văn Bánh (gọi bà ngoại cụ là cô ruột) và nhiều bậc cao niên khác trong làng, mà thời trẻ cụ từng học lỏm hoặc nghe được. Rồi cụ khoát tay ra hiệu cho “bọn trẻ” tạm nghỉ, quay lại mời nhóm khách chúng tôi vào bàn uống nước, chuyện trò…

Vẫn cái chất giọng vang ấm và hồn nhiên, cụ  Bàn thân mật: Chẳng dấu gì các anh, tôi năm nay đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời’. Thôi thì, còn được ngày nào, mình cứ vui hát với con cháu là thỏa lắm rồi. Các anh theo cháu vào nhà tôi rồi đấy à. Ngượng quá ! Nhà của nghệ nhân nghèo quá. Gia tài chỉ còn lại những tấm Huân, Huy chương cùng hàng chục Bằng khen, Giấy khen ấy thôi. Mà nói thế thôi, đấy là minh chứng cho cả một đời người thực hiện tâm nguyện của Chi bộ Đảng làng Diềm này đấy, các anh ạ. Như thấy khách ngạc nhiên, ý chừng chưa hiểu, cụ phân bua: Ấy là ăn cơm mới, nói cái chuyện xưa ! Các anh còn nhớ những năm 60, 70 của thế kỷ trước chứ ? Cánh quan họ làng tôi (mà chắc cũng như nhiều làng quan họ khác) những năm tháng ấy “tâm tư” lắm. Lễ hội làng tôi bị cấm. Các cuộc tụ tập giao lưu quan họ cũng cấm theo. Đêm tối, cả làng chìm trong bóng đêm đen kịt. Cấm đốt lửa, cấm tụ tập hò hát đông người. Chiến tranh phá hoại của máy bay giặc Mỹ mà. Khổ lắm. Muốn hát mà không có nơi giao lưu hò hẹn các bạn quan họ. Nhớ nhau lắm ! Ngứa nghề lắm ! Đành chịu vậy. Những ngày ấy, chi bộ Đảng làng tôi họp hành liên miên. Dễ có đến hàng chục cuộc họp, các đảng viên loay hoay bàn kế sách giữ gìn vốn quan họ quý báu của cha ông truyền lại. Rồi các anh ấy ra Nghị quyết, lại triệu tập các đoàn viên ưu tú biết ca quan họ như bọn tôi lại để…quán triệt và giao nhiệm vụ. Đồng chí Bí thư chi bộ ra lệnh: Việc gìn giữ vốn di sản của làng ta bây giờ thuộc về nhiệm vụ của các đoàn viên, thanh niên. Các đồng chí là lực lượng nòng cột, trực tiếp triển khai cùng các đảng viên trong Chi bộ thực hiện Nghị quyết của Chi bộ làng Diềm. Các cặp hát lựa thời gian mùa vụ mà cùng nhau luyện giọng, dạy thêm cho bạn hát. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc như Bác Hồ tiên đoán. Ngày ấy chúng ta sẽ ca quan họ tự do, sinh hoạt hội đoàn thoải mái. Quan họ còn thì tiếng thơm của làng mình còn… Mệnh lệnh đấy nhé ! Không phải nói đùa cho vui đâu !

Ngày ấy, chúng tôi trong sáng và nhiệt huyết lắm. Lời của Bí thư chi bộ mà chúng tôi lĩnh hội cứ như mệnh lệnh của chính trái tim mình. Nói ra bây giờ, nghe qua các anh  lại tưởng khách sáo, lên gân. Nhưng, ngày ấy nó là thật đấy. Tôi cùng mấy chị em từng đứng trước các anh trong chi bộ làng để hứa rồi mà. Và chúng tôi đã thực hiện vẹn tròn lời hứa xa xưa đó. Cái hôm nghe tin quan họ được thế giới tôn vinh là di sản đại diện của nhân loại, chị em chúng tôi mừng ứa nước mắt, không ai bảo ai, tự nhiên tụ tập đông đủ tại đền thờ Vua Bà này, cùng nhau thắp nhang, dâng lễ mọn để cúng Thánh. Thú thật, trong lúc khấn Thánh, tâm trí tôi lại cứ chập chờn loáng qua cái buổi mình cùng mấy chị em đứng hứa trước cuộc họp chi bộ làng năm ấy. Không có cái Nghi quyết của chi bộ làng năm ấy, thực lòng mà nghĩ, không biết cái vốn di sản quý báu của làng Diềm này sẽ đi đến đâu ! Trộm vía, cho đến hôm nay, tâm nguyện của chúng tôi đã gần như viên mãn. Ngót nghét chín chục cả rồi, nhiều bạn hát đã vĩnh viễn ra đi, với mình, thế là trọn mối nhân duyên với quan họ làng Diềm này lắm rồi !...

Như cuốn theo cái duyên quan họ, đầu xuân Mậu Tuất này,chúng tôi lại lần tìm về thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn để trực tiếp ghi âm, ghi hình và nghe cụ hồi cố những năm tháng say mê chơi quan họ của mình. Vẫn dáng người phúc hậu và đon đả mời khách vào nhà cùng nhịp cười tươi của thói quen người quan họ gốc, cụ Bàn thoăn thoắt tay đặt ấm lên bếp, tay nhóm lửa từ cái bếp củi từng gắn bó với gia đình cụ hàng chục năm qua. Rồi quay vào ban thờ, cụ thắp nén nhang thành kính lên bát hương phụng thờ tiên tổ, lầm rầm khấn vái cầu xin Đức Vua Bà và Tổ tiên phù hộ cho con cháu làng Diềm giữ được gia tài quan họ quý báu của ông cha, cầu mong cho Thế giới truyền bá di sản quan họ thành tài sản chung của mọi người. Quay sang chúng tôi, cụ cười: Không hiểu sao, trước khi hát quan họ, cứ thắp nhang khấn Đức Vua Bà, cầu khấn tổ tiên là giọng ca lại trở nên ngọt lừ, nghe thấm lắm(!). Nghiệm lời dạy của các bậc tiền nhân, cánh liền chị, liền anh quan họ chúng tôi đứng trước tâm linh thành thói quen rồi…

 Thắp hương dâng lễ trước khi bắt đầu cuộc hát

Chợt cụ lặng đi giây lát: Tôi năm nay đã tám lăm tuổi rồi, có hai cô và một cậu, tất cả đều phương trưởng, con cái ngoan ngoãn, làm ăn thuận buồm xuôi gió. Nhưng tôi vẫn buồn. Bởi chẳng có đứa con nào của mình theo học quan họ. Chúng nó bảo, quan họ là thứ giành cho người già, nghe à ê mất thời gian lắm. Cuộc sống công nghiệp không có thời gian mà nhấn nhá câu chữ, nhả hơi uốn giọng. Nghe mà tái tê…Cũng may, trong số con cháu của tôi, còn đứa con dâu là cái Thềm hôm đón các anh vào nhà ấy là theo cái nghiệp ca quan họ. Nó cũng thành danh và được công nhận là nghệ nhân Ưu tú rồi mà. Đấy, công lao của tôi giờ chỉ còn vui với con dâu và bạn quan họ gần xa, với các cháu trong làng. Nhìn theo tay cụ chỉ: Tấm Huy chương kháng chiến hạng Nhì treo trang trọng giữa hàng chục những bằng khen, giấy khen và các danh hiệu về thành tích gắn bó với nghiệp hát quan họ của cụ nhiều chục năm qua như những minh chứng sinh động cho quãng đường dằng dặc tháng năm, ngót thế kỷ say mê quan họ của nghệ nhân lão làng đáng kính này .

Thấy chúng tôi bật máy ghi âm và sẵn sàng giấy bút, cụ đùa vui: Thế thì kể nhé ! Ngày ấy làng Diềm còn nghèo lắm. Cái anh thuần nông, làm ăn có thời vụ, những ngày rỗi rãi, ông bà chúng tôi lại nghĩ thêm nhiều loại nghề phụ. Người thì rủ nhau trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải. Người thì tìm bạn trồng mía kéo mật, làm bánh kẹo đi bán khắp nơi. Người thì quay sang nghề mộc, đóng sập gụ tủ chè, …Làng này thành ra làng trăm nghề, bươn trải tránh cái đói nghèo của hạt lúa củ khoai. Cũng bởi làm nghề thành ra có thời gian giao du kết bạn làm ăn, giao du hát quan họ khắp cả làng trên xóm dưới. Tôi sinh năm Thân 1932, cái tuổi thân có phần vất vả ngay từ khi còn non nớt. Năm lên Bảy, bố mất,em trai mới có năm tuổi. Lên chín tuổi, mẹ mất. Mồ côi cả cha lẫn mẹ quá sớm, chị em tôi như những kẻ bơ vơ. Đưa em đến ở với ông nội, tôi về sống cùng bà ngoại và dì ruột tận làng Bịu mạn Tiên Sơn. Bà tôi là Nguyễn Thị Đang, ngày ấy đã là một liền chị có tiếng của làng quan họ gốc này. Đêm nào cũng vậy, cứ cơm nước xong là các bà, các cô trong xóm lại kéo sang tụ tập tại sân nhà bà tôi, quây quần quanh manh chiếu rách, say mê học hát quan họ. Khi thì bà ngoại tôi dạy. Khi thì các bà cao niên khác trong làng đến luyện giọng và truyền thêm câu quan họ cổ cho lớp các chị, các dì. Tôi mon men ngồi học lỏm, i a hát theo. Ban ngày thơ thẩn một mình, tôi lại lên võng đu đưa ngâm nga những lời đã thuộc. Thấm thoắt chỉ một hai năm, tôi đã hát được hàng chục câu, được bà ngoại và mọi người khen là sáng dạ, có giọng hát hay. Đến năm 14 tuổi, tôi về sống với ông nội và em trai. Khi đó tôi chính thức nhập bọn học hát với trang lứa trong Diềm, trong đó có cụ Chạch,liền chị hát cặp, hơn tôi một tuổi. Cũng do đã biết nhiều câu và có giọng hát nhuyễn, cả bọn đều tôn tôi là chị cả, đi đâu cũng rủ rê như muốn tranh tài với các nhóm hát khác.

Chiêu ngụm nước lá vối cho ngọt giọng, cụ lại hồ hởi: Cái máu hát quan họ nó lạ lắm. Nhớ cái ngày tôi đã đi lấy chồng vốn là người làng này, mới sinh con được mấy tháng, như người ta thì kiêng cữ, nhưng tôi thì không. Có hôm, nhớ bạn quan họ quá, chồng đi công tác tận Hà Nội, tôi cho con bú no rồi đặt ngủ trên manh chiếu giữa nhà, trốn ra đình nghe hát. Đến trưa quay về, không thấy con đâu, tôi hoảng hồn líu lưỡi gọi em trai cùng đi tìm. Thì ra con tôi lúc thức giấc đã bò vào gầm giường, hình như khóc mệt quá lại ngủ thiếp đi. Bế con lên mà ứa nước mắt. Lại giật mình: khắp đùi vế của con, muỗi đốt bầm tím cứ như người lên sởi. Chồng về, tôi giấu chuyện. Ông ấy lại tưởng con lên sởi thật, bắt tôi kiêng gió, kiêng nước cho con. Hú vía, sau đôi ba ngày, con tôi mới lại người, cũng may nó không ốm sốt gì cả.Lạy vong linh ông ấy nhà tôi, sau khi công tác làm cán bộ Công đoàn tận Hà Nội, về hưu, ông ấy vẫn chiều cái máu say mê quan họ của tôi lắm. Tuy không biết lấy một câu quan họ nào, nhưng cứ nghe trong xóm ngoài làng, ở đâu có hát quan họ là ông ấy lại giục tôi đi tham gia. Nhiều hôm, việc nhà thì bận, con cái dựng vợ gả chồng hết lượt, nghĩ lại thương ông ấy, tôi lần lữa không muốn đi. Thế là ông ấy gắt. Tôi thực ra chỉ vương vấn chuyện nhà, đến cạnh chiếu quan họ là y như rằng quên phắt mọi chuyện. Đầu óc lúc ấy chỉ còn những lề lối, la rằng,…mà thôi ! Đã có bận, mải say với bọn quan họ, đến khi về nhà, thấy cả sân thóc bồng bềnh trong nước mưa. Nhìn sân thóc ướt, ông ấy chỉ cười trừ nghĩ mình có lỗi: Sân thóc nhiều quá, mình tôi chạy không kịp. Mà cũng chẳng sao, mai nắng lại phơi, đằng nào thóc chả khô…! Bây giờ thì ông ấy thành người thiên cổ đã hơn chục năm rồi. Thương quá !

Thế rồi, làng Diềm vắng bóng ca hát quan họ dễ đến vài chục năm. Chiến tranh phát hoại của giặc Mỹ mà. Như cái đận tôi kể lần trước cho các anh nghe đấy. Hội làng bị cấm. Tụ tập đông người để vui ca quan họ bị cấm. Đêm tối không được lộ ánh đàn, ánh lửa cho máy bay giặc Mỹ tìm đến dội bom. Và Chi bộ của làng họp lên họp xuống, ra Nghi quyết. Cánh thanh niên chúng tôi đứng ra nhận trọng trách và hứa trước cờ Đảng nguyện gìn giữ vốn di sản quan họ quý báu của làng. Ngày ấy chỉ dám nghĩ là di sản văn hóa của làng, đâu biết được nó lại thành di sản của cả nước, của nhân loại như bây giờ ! Cụ ngưng lời, chiêu vội ngụm nước. Rồi lại cất giọng tâm tình…

Mãi đến năm 1990, làng Diềm mới lập lại được một bọn quan họ gồm 25 người. Chính quyền xã, thôn cử cụ Bàn làm đội trưởng. Vậy là tối nào mọi người trong đội cũng tụ tập, khi thì nhà cụ, lúc lại tại đền, lứa nọ truyền cho lứa kia từng câu từng chữ của những bài quan họ cổ, những cặp đối đáp mà nếu là người ngoài, dễ chừng mấy khi được nghe. Nghệ nhân Ngô Thị Nhi tuổi đã ngoài chín mươi, có lần thủ thỉ: Khổ cái nhà cô Bàn, trước đây nhiều đêm mải say quan họ, quên cả nấu cơm ăn tối. Nửa đêm, thấy người như lả đi, mới bất chợt nhớ ra mình chưa lót dạ được hạt cơm nào. Người đâu mà say công, tiếc việc của đội quan họ đến thế là cùng !

Từ khi làm đội trưởng đội quan họ Diềm, năm nào cụ Bàn cũng giành trọn ra một tháng để đi truyền dạy quan họ cho Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh; và nhận kèm cặp thêm đôi ba liền anh, liền chị của Đoàn Quan họ. Nói về công việc truyền dạy cho lớp trẻ đã qua, ánh mắt cụ Bàn như dõi vào cõi xa xăm: Nhiều kỷ niệm lắm. Cả vui lẫn buồn. Đã có không ít lần, tôi vừa dồn sức luyện câu, luyện giọng cho các cô, các cậu, vừa phải dịu lời mà nựng bọn trẻ cho chúng cố học những câu hát cổ. Không có ai học loại bài khó này, mất đi thì tiếc lắm. Hơn chục năm đi truyền dạy quan họ cho các khóa sinh viên, chỉ thấy có 6 khóa đầu là ham học, tự giác say mê. Từ khóa 8 trở lại đây, bọn trẻ nó lạ lắm. Vừa học vừa nghe “di động”, học đôi ba lời lại túm nhau buôn chuyện, không để tâm trí nên học trước quên sau. Khổ thế đấy! Chưa học được là bao, đã ngấp nghé muốn đi hát kiếm tiền, đã thích đi biểu diễn với chúng bạn để mang cái danh nghệ sĩ, ca sĩ hão huyền. Tôi già rồi, nhiều cái lực bất tòng tâm, đành ngậm ngùi thầm nuối tiếc cho những câu quan họ cổ không được thế hệ con cháu bây giờ quý trọng, nâng niu.  Nhớ lại cái đận cách đây 5 năm, khi cụ Bánh - vốn là thày dạy của tôi từ tấm bé, lâm vào cảnh gần như sức tàn, lực kiệt, còn cho con cháu gọi tôi đến để dạy nốt hai câu vốn hàng chục năm nay cụ luôn giữ nó như giữ báu vật trong tâm trí, một câu đàn ngọt, một câu đàn lẩy, mà theo con cụ kể lại lời cụ lúc sắp rơi vào trạng thái mê man,cả hai câu này thuộc loại tuyệt hay, quý hiếm nhưng cũng vào hàng khó nhất của cái kho quan họ, chẳng mấy khi người khác hát nổi. Tôi sấp ngửa chân đất chạy sang. Đến nơi, cụ Bánh đang vào đận hấp hối, hàm cứng không nói được nữa. Nghe tiếng tôi gọi, cụ mở mắt nhìn tôi như muốn trăng chối điều gì, hai bên khoé mắt sâu hoắm ứa ra mấy giọt nước mắt cuối cùng của một đời say mê quan họ. Vậy là cụ vĩnh biệt con cháu và học trò, ra đi mang theo hai câu quan họ cổ mà tôi mới chỉ một lần loáng thoáng được nghe tên, nhưng không biết nội dung hai câu hát đó là gì. Tiếc thay !

Sợ cụ mải suy tư mà lạc vào trạng thái tình cảm mủi lòng, chúng tôi gạn hỏi về những kỳ tham dự hát thi quan họ. Lấy tay cầm gấu khăn moi chấm mắt, cụ Bàn thư thả quệt thêm vôi vào miếng trầu cánh phượng vốn đang như con chim bé xíu trên bàn tay nhăn nheo của lứa tuổi đã ngoài tám mươi. Giọng cụ ấm vang trở lại: Năm 1992, tôi được đội quan họ của làng cử đi thi hát đối trên tỉnh. Năm ấy chỉ đạt giải B. Cay cú, năm sau lại đi cùng với cụ Chạch hát cặp. Giật ngay giải A, kèm bốn trăm đồng tiền thưởng. Về nhà, tôi khao cả đội. Chi bộ làng kéo đến chúc mừng. Thì ra, các đảng viên của làng vẫn dõi theo bước đường thực thi Nghi quyết của chi bộ làng năm xưa thế nào. Vui ơi là vui ! Tâm trạng cứ như người mới bắt được vàng. Đang hăng máu, những năm sau tôi đều đăng ký, nhưng không được duyệt cho dự thi vì… quá tuổi (!). Bù lại, tôi thường xuyên được mời tham gia làm giám khảo, chấm thi cho các cấp. Cái mừng của tôi là, gần như năm nào đi thi, quan họ Diềm cũng giật được giải, thường là giải cao nhất. Có thế mới xứng cái danh anh cả, chị hai, sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng quê Đức Vua Bà này chứ. Nói khí không phải, năm nào chỉ được cái giải Ba hay Khuyến khích, cánh Diềm vốn có máu sĩ diện như chúng tôi lại cảm thấy ấm ức, như có lỗi nhiều lắm. Mỗi khi ngồi truyền quan họ cho các cháu trong làng, tôi lại nhắc đến điều này để mong cho bọn trẻ lấy đó làm điều. Chắc các chú thấy lạ, nếu chỉ nghe người làng Diềm nói, giọng chẳng khác nào người mới sõi… tiếng Kinh. Nhưng khi cất giọng quan họ, nó kỳ diệu lắm. Cái chất giọng ấy mới ra quan họ. Phẳi lắng nghe và tự cảm nhận mới thấy cái quý của mạch nước nuôi nấng con cháu sinh ra và lớn lên từ làng Diềm. Không lẫn vào đâu được !

Kể từ năm 2001 đến nay, về danh nghĩa, cụ Bàn nghỉ làm đội trưởng đội quan họ, nhưng gần như mọi công việc của các nhóm đều có dấu vết công sức cụ bỏ ra. Cụ thường đùa vui với cánh trẻ: Cái nghiệp chướng của mình có lẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”. Tuần nào, tháng nào không được đi hát quan họ với lớp bạn già hoặc dạy ca quan họ cho cánh trẻ trong làng, là y như lăn ra ốm. Mấy đứa con, cả dâu lẫn rể, biết vậy, nên mỗi khi có người từ nơi khác về tìm gặp để nghe quan họ là chúng mừng lắm. Lại bắt gặp dáng cụ thoăn thoắt, khi thì ra đền, lúc vào chùa, nơi đang í a giọng quan họ và thấp thoáng những tà áo mớ bảy, mớ ba quen thuộc, mà kể cũng lạ, sao nó vẫn luôn ẩn chứa sức hấp dẫn, chẳng khác nào sức hút của người bạn tình mời chào, vẫy gọi từ cái thuở còn son…

Rồi như chợt bừng tỉnh, cụ thân mật: Thôi nhé, chuyện nhà, chuyện đời kể dăm ba câu vậy thôi, nghe cho vui. Bây giờ cùng kéo nhau ra đền Vua Bà nghe tôi hát. Cái vốn của tôi còn “trường” lắm ! Cứ theo trí nhớ thì được chừng khoảng ngót trên dưới hai trăm bài. Có nhiều bài tôi học và thuộc từ lâu, nhưng chẳng mấy khi hát cho người khác nghe. Ví như những bài Cơm vàng, Chiền chiện, Phong thư, Bóc thư, Suông hời suông hỡi,…Hôm nay vui quá, tôi nhớ đâu hát đấy. Các chú muốn ghi âm bao nhiêu thì tuỳ. Nói dại, nhỡ chẳng may mình ốm, đầu óc già đi không còn nhớ nổi thì phí lắm. Các cụ bảo: “Sáu năm, Bảy tháng, Tám ngày”-Nghĩa là: Vào cái ngữ lứa tuổi sáu mươi thì chỉ tính trước sức khỏe mình được từng năm, lứa bảy mươi thì tính từng tháng, đến lứa tám mươi trở đi thì chỉ còn dám tính được mình sống qua từng ngày. Tôi nay đã ngoài tám mươi rồi. Mọi sự chẳng dám nói trước điều gì. Cứ có người thành tâm muốn nghe quan họ là tôi ngồi hát. Hát đến khi khản giọng thì nghỉ, ngày mai hát tiếp. Nghe thế được không ?!! Làng  Diềm này, cái trang lứa bạn hát của tôi như cụ Nhi, cụ Đăng, cụ Sự, và hơn chục người khác nữa chắc cũng nghĩ thế. Vui lòng nghe nhé. Và giữa không gian vừa gần gũi, vừa linh thiêng của ngôi đền, cụ chậm rãi bước lại trước ban thờ Đức vua Bà, kính cẩn thắp nhang, chắp tay khấn vái. Rồi cụ quay ra, ư hừ mấy tiếng rồi cất giọng…

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn truyền dạy cho các liền anh, liền chị hát quan họ làng Diềm

Lại miên man các câu quan họ cổ cứ vậy nối nhau được thu vào phương tiện hiện đại, mưu tồn cho mai sau. Đã gần hai ngày trôi qua, ngót trăm bài quan họ đựơc ngân lên trong ngôi đền thiêng, khiêm nhường mà danh tiếng này. Và quả thật, nếu bất chợt vào cuối chiều, nghe thêm bài nữa trước khi ra về, chúng tôi không thể tin nổi, giọng của một liền chị tuổi ngoài tám mươi lại vẫn tươi mới, ngân vang như khi nghe câu hát của buổi sáng đầu tiên, vẫn “vang, rền, nền,nảy”, vẫn cuốn hút người nghe, dù không sênh, không phách, không đàn sáo náo nức như giọng hát ai đó vọng trên loa- đài. Ấy là tự cảm mà thích thú ngâm ngợi theo, chứ lý giải cặn kẽ ra thì dường như muôn năm không dễ gì ngộ được !  Theo đà tự nhiên của các canh hát quan họ hàng chục năm qua, cụ Bàn rưng rưng ánh mắt nhìn lớp con cháu hậu sinh chúng tôi, rồi nén giọng chuyển sang phần Giã bạn…

Ngoài kia, những dãy cao ốc làng Diềm thời đổi mới đã bừng sáng đèn. Chúng tôi miễn cưỡng kéo nhau lên xe ra về. Xe chuyển bánh đã mấy nhịp đường, nhưng dường như trong tâm trí anh em chúng tôi vẫn cứ chấp chới bóng nón ba tầm, cánh áo mớ bảy mớ ba cùng âm vọng từ phía sau lưng lời ca níu kéo: “Người ơi, người ở đừng về…!”.Và đương nhiên, trong nỗi niềm ấy của những kẻ hậu sinh sau hai ngày trực tiếp ngồi nghe hàng chục câu ca quan họ cổ chen lẫn những lời tâm sự chắt ra từ hơn bảy chục năm mê say “chơi’ quan họ của nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, tâm trí chúng tôi vẫn mãi còn ngân nga, day dứt!

Bùi Hoài Sơn – Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 

                                                         

         

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top