Bàn cách “gỡ khó” cho di sản thế giới Mỹ Sơn

VH- UBND tỉnh Quảng Nam vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (Ban Quản lý Mỹ Sơn) và đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH Mỹ Sơn.

Bàn cách “gỡ khó” cho di sản thế giới Mỹ Sơn - Anh 1

  Khách đến Mỹ Sơn gia tăng góp phần nâng cao doanh thu du lịch cho khu di sản

Tại buổi làm việc, ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Mỹ Sơn cho biết: Một số hạng mục trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 theo Quyết định 1915/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dù sắp hết hiệu lực nhưng chưa được thực hiện do chưa có kinh phí. Việc cắm mốc, giao đất giao rừng chưa được triển khai khiến việc quản lý bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn. Một số tháp như F1, F2 đang có nguy cơ sụp đổ nhưng vẫn chưa thể lập dự án trùng tu bảo tồn,…

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Ban Quản lý kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VHTTDL một số vấn đề: Xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương xây dựng đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 để bổ sung cho quy hoạch giai đoạn 2008-2020 sắp hết thời hạn. Thống nhất chủ trương bảo tồn, trùng tu nhóm tháp F tại khu di tích Mỹ Sơn.

Ban Quản lý đề xuất xúc tiến hoàn chỉnh kế hoạch, quy chế quản lý di sản theo yêu cầu của UNESCO; Khẩn trương trùng tu một số đền tháp có nguy cơ sụp đổ. Kiến nghị đơn vị liên quan thẩm định để UBND tỉnh thông qua đề án xác lập rừng cảnh quan di tích Mỹ Sơn; Tháo gỡ vướng mắc trong dự án hợp tác trùng tu Ấn Độ; Điều chỉnh quy hoạch trong vùng lõi di sản bao gồm dịch chuyển không gian nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm, thu hồi diện tích đất bàn giao cho doanh nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả…

Bàn cách “gỡ khó” cho di sản thế giới Mỹ Sơn - Anh 2

 Kiểm tra thực trạng các đền tháp Mỹ Sơn

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trong công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn hiện nay cần hết sức cẩn trọng, tránh các tác động lên di tích. Đối với các nhóm giải pháp mà Ban Quản lý đề xuất, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, liên quan vướng mắc của ban ngành nào thì ban ngành đó tập trung giải quyết và chịu trách nhiệm. UBND tỉnh sẽ có thông báo và ấn định thời gian thực hiện cụ thể.

Theo ông Tân, vấn đề được quan tâm và lo lắng nhất chính là việc khẩn trương kè chống tháp B3 trước mùa mưa bão. Riêng với nhóm tháp F, thống nhất trước mắt trùng tu tháp F2. Sở VHTTDL tham mưu để UBND tỉnh báo cáo Bộ VHTTDL nhằm khẩn trương bắt tay vào bảo tồn kiến trúc này.

“Các di tích này hiện đã xuống cấp khá nặng, rất đáng lo ngại nên phải được tu bổ chống đỡ cấp thiết trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc tiến hành trùng tu cần đảm bảo các yêu cầu theo quy định, hạn chế tác động quá mức vào di tích và không gian di sản, kể cả việc vận chuyển tập kết vật liệu vào bên trong vùng lõi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Trần Văn Tân, để thúc đẩy du lịch Mỹ Sơn phát triển hơn trong thời gian tới cần thu hút những nhà đầu tư lớn.

Đã qua thời các dự án nhỏ lẻ, xí phần và không hiệu quả, bây giờ phải nghiên cứu làm sao kêu gọi được những doanh nghiệp xứng tầm, quy mô, có khả năng về tài chính đầu tư du lịch vào khu vực bên ngoài Mỹ Sơn một cách bài bản, chuyên nghiệp. Có như vậy mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ du lịch vùng Mỹ Sơn lên.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc