Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội : Nên kéo dài lộ trình tăng thời gian đóng BHXH cho lao động nữ

Thứ Hai 23/10/2017 | 15:12 GMT+7

VH- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến vấn đề nghỉ hưu của lao động nữ từ ngày 1.1.2018.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Luật BHXH 2006 quy định người lao động trong 15 năm đầu tham gia BHXH được tính lương hưu tương ứng với 45%, sau đó, cứ mỗi năm đóng lao động nữ được cộng thêm 3%, nam được cộng thêm 2%. Tại thời điểm đó cách tính lương như thế này nhằm mục đích ưu tiên cho lao động nữ. Tuy nhiên, xét về bản chất, tiền lương là trả lương cho lao động như nhau nên việc ưu ái cho phụ nữ về mặt tiền lương là chưa có căn cứ, không đảm bảo nguyên tắc tiền lương phải trả theo số lượng và chất lượng và lương hưu phải căn cứ vào mức đóng để có mức hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nhưng Luật BHXH 2014 đã thay đổi để có sự công bằng hơn về lương hưu giữa phụ nữ và nam giới bằng cách là sau 15 năm đầu đóng BHXH, cứ mỗi năm cả lao động nam và nữ đều cộng thêm 2% như nhau và để hưởng mức tối đa 75% thì lao động nữ phải đủ 30 năm, còn lao động nam phải có đủ 35 năm. Tuy nhiên, lao động nữ thì được áp dụng ngay từ ngày 1.1.2018, còn lao động nam thì được kéo dài lộ trình đến năm 2022.
“Xét về mặt đóng góp cũng như bản chất, tính công bằng, tính nguyên tắc thì quy định này của Luật BHXH 2014 là hoàn toàn đúng đắn vì làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu; đồng thời trả lại quyền hưởng bình đẳng giữa nam và nữ. Ngoài ra, quy định này còn khuyến khích phụ nữ nếu chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tiếp tục tham gia đóng góp, tiếp tục làm việc để được hưởng đủ 75% lương bình quân. Tuy nhiên xét ở góc độ tình thì quy định này khiến lao động nữ nếu chỉ có 25 năm đóng BHXH thì nghỉ hưu sau ngày 1.1.2018 sẽ chỉ còn hưởng 65% lương bình quân, tức là giảm 10%. Điều này khiến cho lao động nữ bị hụt hẫng, bức bách và để giải quyết thì việc thực hiện nên có lộ trình như lao động nam”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Có thể thấy, nếu so sánh giữa Luật BHXH 2006 và Luật BHXH năm 2014 thì lao động nữ đã bị thiệt đơn thiệt kép ở chỗ từ năm thứ 16 trở đi bị giảm 1% tỉ lệ lương bình quân, thời gian đóng BHXH tăng lên 5 năm để được hưởng tối đa 75% lương bình quân và thực hiện ngay không có lộ trình. Với cách tính toán như vậy đã khiến không ít chị em xin nghỉ hưu sớm để “né” chính sách. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng, trong 9 tháng đầu năm có khoảng 500.000 người lao động nhận chế độ BHXH một lần, dự báo hết năm 2017 sẽ có gần 700.000 người. Trong số này sẽ không tránh khỏi có số chị em phụ nữ “chạy” hưu.
Mặc dù, nếu tính toán kỹ lưỡng, việc “chạy” hưu hay nghỉ hưu sớm chưa chắc đã mang đến nhiều khoản lợi cho chị em bởi vì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%, đồng thời sẽ bị mất quyền lợi hưởng nguyên lương, được tăng lương… Tuy nhiên, do nhiều người không được tư vấn kỹ càng, bị tác động tâm lý, tạo ra một “làn sóng” về hưu trước tuổi, thậm chí có chị em còn 3 - 4 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng cũng đang tiến hành các thủ tục về hưu. “Cần phải có một nghiên cứu kỹ lưỡng đánh giá tác động của chính sách mới. Tuy nhiên, có thể đánh giá được những nguy cơ trong tương lai gần khi mà có nhiều phụ nữ xin nghỉ hưu sớm. Chẳng hạn như gây xáo trộn thị trường lao động, quỹ BHXH không tiếp tục thu được mà còn phải chi trả lương hưu… Do đó, Chính phủ cần có các giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nói.
Cũng theo bà Hương, chính sách mới chủ yếu tác động đến chị em phụ nữ đủ tuổi về hưu và chỉ có đủ 25 năm công tác và về hưu sau ngày 1.1.2018, tuy nhiên lại cộng hưởng tác động đến tâm lý chị em phụ nữ sắp đến tuổi về hưu. Thực tế, chính sách mới không “thiệt” nhiều như họ nghĩ nhưng để bình đẳng nam - nữ thì lao động nam có lộ trình, lao động nữ cũng phải có lộ trình, khi đó sẽ làn sóng “chạy hưu” sẽ không còn hoặc chậm lại.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là cách tính lương hưu cho lao động nữ sẽ được áp dụng. Bộ LĐ,TB&XH đã có báo cáo trình Chính phủ để đánh giá tác động của cách tính này cũng như đề xuất nhiều phương án. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thời gian ngắn cũng là một khó khăn nhưng nếu Chính phủ có bước chuẩn bị tốt thì sẽ thực hiện được bằng cách thông qua Nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội lần này, giống như Nghị quyết lùi thời gian thực hiện Điều 60 của Luật BHXH 2014 liên quan đến việc nhận chế độ BHXH một lần đã có trước đó. Nếu Chính phủ thấy rằng, nên thực hiện theo đúng Luật BHXH năm 2014 nhưng có lộ trình như với lao động nam để lao động nữ không bị giảm sút về mức lương và không gây tâm lý hụt hẫng thì phải đề xuất cách thức, nghiên cứu, đánh giá tác động và báo cáo Quốc hội để xử lý.


Quỳnh Hoa

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top