Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Gom một đời văn

Thứ Tư 15/08/2018 | 11:01 GMT+7

VH- Đầu tháng Tám rồi vợ chồng nhà văn Văn Lợi - Khánh Tùng vô Huế mời anh em bạn bè văn chương đến để ra mắt “Văn Lợi tác phẩm”, tức tuyển tập của mình (NXB Văn Học, 2018).

 Tuyển chọn “Văn Lợi tác phẩm”

Tuyển gồm 2 tập dày suýt soát ngàn trang. Hai tập được đựng trong hộp cứng có hoa văn sang trọng. Tôi cứ lật đi lật lại hộp sách mà mừng cho bạn. Văn Lợi tự trào chí lý rằng, đây là cái còn lại, đấy là “trong quan ngoài quách”! Văn Lợi gom lại một đời văn, 60 năm viết văn làm thơ của mình là rất cần thiết! Mừng cho bạn văn Văn Lợi!

Suy nghĩa về quá trình hoạt động sáng tác văn chương của Văn Lợi, tôi cứ nghĩ Văn Lợi như một người hay chữ ở làng quê, một người hát rong của nhân dân suốt sáu chục năm qua. Viết thơ trữ tình cho quê hương, cho mẹ, cho em, cho bạn bè; làm thơ thiếu nhi cho các em nhỏ, làm truyện ngụ ngôn, châm biếm để mọi người có cái mà trêu chọc, vui đùa và răn dạy. Văn Lợi tác phẩm là tuyển chọn công phu trong 23 đầu sách và hàng trăm tác phẩm in trên các báo, tạp chí với nhiều thể loại văn học, nghiên cứu văn hóa. Tập I gồm Thơ ( thơ trữ tình, thơ thiếu nhi, thơ ngụ ngôn, thơ chính luận, triết luận -, câu đối, thơ phổ nhạc - 557 trang ); Tập II gồm Văn xuôi (truyện thiếu nhi, chuyện ngụ ngôn; tản văn và tiểu luận, chuyện châm biếm và Bạn bè với tác giả; một vài hình ảnh hoạt động , vợ con, bạn bè của tác giả).

Nhắc đến Văn Lợi, trong tâm trí tôi bao giờ cũng hiện lên những câu thơ đẹp thời trai 29 tuổi của anh trong bài Qua Đèo Ngang: Thoáng như xa, thoáng như gần/ Xe lên mà ngỡ đèo quành theo xe/ Tiếng mình cười ở bên kia/ Qua bên đây vẫn còn nghe tiếng cười. Đó thơ thứ thơ đọng lại trong lòng độc giả. Thứ thơ găm vào trí nhớ! Nhắc đến Văn Lợi, trong tôi luôn vang lên hai câu thơ anh viết về một nét Huế rất đặc trưng: Đã mưa, mưa đến thâm trời/ Đã nắng nắng đến đứng ngồi không yên (Huế và em).

Nhắc đến Văn Lợi bạn bè hay nhớ những câu đối hay mời đối như là một nét biệt tài trào lộng, hóm hỉnh trong tính cách của anh. Đến nhà thơ Xuân Hoàng chơi, Xuân Hoàng pha cà phê rồi loay hoay tìm lọ đường không thấy, bèn chạy ra quán ngoài phố mua đường.

Trong bìa lụa của Văn Lợi tác phẩm anh cũng in câu đối rất hay về mình: Văn tường thế sự thời nên Lợi/ Lợi thấu nhân sinh ắt hóa Văn. Chữ nghĩa tài tình lắm mới làm câu đối giỏi như thế.

Nhà văn Văn Lợi còn phóng bút với truyện thiếu nhi, truyện ngụ ngôn. Hình như gặp một cảnh đời thường ngày, trong anh nảy ra nhiều ý tưởng về ngụ ngôn, truyện châm biếm. Tôi nhớ có lần còn ở Huế, Văn Lợi kể có ông giám đốc nọ nghèo, vì xí nghiệp ông là xí nghiệp công ích, rất ít lợi nhuận, nên khi nhận giấy mời cưới vợ cho con của một ông quan đầu tỉnh, ông giám đốc lo sợ, nghĩ hai ba ngày không biết xử trí ra sao. Phong bì như thường dân thì sợ bị”găm”. Phong bì mà dày như quan chức khác thì không có tiền, hơn nữa công nhân lấy gì mà ăn! Thế là Văn Lợi có tứ để viết chuyện ngụ ngôn Sói cưới vợ cho con rất sâu sắc. Sói là chúa tể trong rừng. “Những con vật được sói mẹ mời vừa kiêu hãnh, vừa lo nghĩ đến món quà cưới. Dịp hiếm này không bày tỏ lòng mình không được. Chúng tất tả chạy nháo lên. Đám cưới sói con bỗng thành ngày hội”.

Thời đương chức Văn Lợi làm rất nhiều việc, từ công nhân ở Công trường thủy lợi Cẩm Ly (Quảng Bình), trưởng phòng đến Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình, làm Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ. Công việc rối bù ngày tháng thế không làm anh xao lãng với văn chương nghệ thuật. Trong sáng tác văn chương, Văn Lợi đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng văn học Lưu Trọng Lư (Quảng Bình) các năm 1995, 2000; Giải thưởng văn học Bình Trị Thiên năm 1983-1987; Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1960 về đề tài viết cho thiếu nhi; Giải thưởng Ủy ban toàn quốc LH các Hội VHNT Việt Nam năm 2001... Và Văn Lợi tác phẩm cũng là một món quà quý mà anh chắt chiu gom lại gửi đời để cảm ơn những gì đời đã cho anh trên từng trang viết. 

 NGÔ MINH

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top