Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Trẻ em đang cần người kể chuyện

Thứ Tư 20/06/2018 | 08:54 GMT+7

VH-  Những tác phẩm viết cho thanh thiếu niên của các tác giả trong nước ngày càng thiếu và yếu, nặng tính giáo huấn. Nguyên nhân này, theo TS Nguyễn Ngọc Minh, viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên thực sự rất khó. Có tác giả thích viết cho thanh thiếu niên nhưng lại sợ khi viết và bỗng tỉnh ra là mình đã lớn, thực sự làm người viết bị mắc kẹt và bối rối.

 Một số tiểu thuyết Việt Nam được xếp vào thể loại văn học về sự trưởng thành

 Văn chương viết về sự trưởng thành mang đến những cảm xúc đẹp đẽ để mỗi con người nhìn thấy mình, soi chiếu mình trong chân giá trị của sự tử tế, nhân văn. Sự đồng cảm với nhân vật là cách người viết chạm đến cảm xúc của người đọc. Cảm xúc ấy vừa là trải nghiệm cá nhân tác giả, vừa là việc hiểu biết tâm lý ở giai đoạn quan trọng nhất của con người. Tâm lý đó được biểu hiện một cách rõ ràng nhưng không khuôn mẫu và cần đủ sự bao dung, điềm tĩnh để thấu hiểu. Bởi vậy, dòng văn học này dễ khai thác nhưng để viết hay, chạm đến cảm xúc cũng không đơn giản.

Có những tác giả Việt Nam chạm đến cảm xúc của độc giả với các tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Quân khu Nam Đồng (Nguyễn Bình Ca), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)… Hay Nguyễn Nhật Ánh là người luôn gắn bó để chia sẻ niềm vui và cả nỗi đau cùng bạn đọc trong lứa tuổi trưởng thành. Nhưng tính ra thì số lượng này thực sự không nhiều. Chưa kể, những năm gần đây, tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả trong nước càng ngày càng yếu và nặng tính giáo huấn. Một phần lý do là viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên thực sự rất khó. Có tác giả khi viết luôn đứng trước nỗi lo sợ đánh mất đứa trẻ trong mình. Nhưng vào giai đoạn ấy, người ta không còn là trẻ con mà cũng chưa hẳn là người lớn.

Không chỉ vậy, sự phát triển của các loại hình giải trí nghe nhìn, thể loại văn học về sự trưởng thành cũng chịu nhiều tác động. Văn học cho thiếu nhi cần nhiều tưởng tượng, câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên còn dòng văn học cho thanh thiếu niên đòi hỏi sự tiếp cận đời sống mới mẻ hơn nhưng cũng phải tinh tế hơn. “Đôi mắt” của người viết không chỉ quan sát mà còn cần tinh nhạy nhận ra những góc ẩn sâu trong quá trình một đứa trẻ trưởng thành giữa cuộc sống hiện đại ngổn ngang vấn đề và nhiều bất trắc.

20 năm trước, độc giả Việt Nam biết đến nhân vật “Thằng Nhóc” trong tiểu thuyết cùng tên của Alphonse Daudet. Câu chuyện về Thằng Nhóc đầy tình cảm, chạm tới người đọc với ngòi bút tinh tế và mang tính giáo dục cao. Ấy là câu chuyện về một chú bé tỉnh lẻ nghèo khổ và yếu đuối, trải qua hành trình trải đầy gian nan, cạm bẫy từ những năm tháng niên thiếu gian khó. Thằng Nhóc luôn đi tìm ý nghĩa cuộc sống, chịu nhiều tổn thương để hiểu ra được ý nghĩa cuộc sống của mình. Thằng Nhóc đang sống trong thế giới yên bình, nó sở hữu một thế giới trong trẻo. Khi nó biết gia đình gặp vấn đề tài chính, buộc phải chuyển tới nơi ở mới, không mang theo nhiều thứ gắn bó, bài học đầu tiên của nó là từ bỏ…

Nhưng đấy không chỉ là dạng tiểu thuyết tự truyện của Alphonse Daudet mà còn là tiểu thuyết về sự trưởng thành. Đây là thể loại quan trọng của văn học thế giới, nó miêu tả sự lớn dần của một con người. Khởi đầu là khi tuổi tác còn trẻ, quan niệm về cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ, nhân vật sẽ trải qua một hành trình với câu hỏi lớn: Khi nào chúng ta thật sự trưởng thành? Trưởng thành ở đây không hề là một quá trình dễ chịu. Nhân vật phải đối mặt với nhiều biến cố. Khá nhiều tác phẩm lớn trên thế giới thuộc thể loại này, ví dụ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawer, Oliver Twist, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh… đã được dịch sang tiếng Việt.

Quá trình để trở thành người lớn đầy khó khăn nhưng cũng rất hạnh phúc. Bởi vậy, những cuốn sách viết về đề tài này chính là món ăn tinh thần quý giá cho những người đang chập chững trước ngưỡng cửa trở thành người lớn và cả những ai quay đầu nhìn lại hành trình cuộc đời khi đã ngấp nghé tuổi hoa niên. 

 THANH NGỌC

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top