Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Ra mắt sách Thotu Yaxaychu: “Càng thấm thía tình hữu nghị ngàn đời Việt - Lào”

Thứ Sáu 26/01/2018 | 13:35 GMT+7

VH-  Thotu Yaxaychu là truyện ký viết về cuộc đời và những chiến công lẫy lừng của ông Thotu Yaxaychu, anh hùng dân tộc của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Là một thanh niên người H’Mông ở huyện Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Thotu Yaxaychu với tình yêu nước sâu sắc đã không chấp nhận dân tộc mình bị giặc Pháp xâm lược, tự đứng ra tổ chức Đội du kích người H’Mông đánh Pháp.

Từ một đội du kích nhỏ của một bản làng, qua năm tháng chiến đấu và lập nhiều chiến công hiển hách, Đội du kích của Thotu Yaxaychu đã lớn mạnh, thu hút thanh niên các dân tộc ở Xiêng Khoảng và đổi tên thành Đội du kích Pachay- mang tên người anh hùng chống Pháp của Lào.

Sau khi lực lượng quân đội cách mạng Lào được thành lập (Pathet Lào), Thotu Yaxaychu đã chỉ huy tiểu đoàn 2, một tiểu đoàn chiến đấu và chiến thắng nhiều trận to lớn, phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh Pháp rồi đánh thắng Mỹ ở Xiêng Khoảng, Nọng Hét, Cánh đồng Chum.

Thotu Yaxaychu hy sinh năm 1961 tại Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum và được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào phong tặng danh hiệu Anh hùng dân tộc.

Cuốn sách không chỉ kể lại trung thực, trọn vẹn, chính xác toàn bộ cuộc đời, gia đình và chiến công vẻ vang của Thotu Yaxaychu cùng những đồng đội của ông, tác phẩm còn khắc họa tình cảm keo sơn giữa Thotu Yaxaychu và đồng đội với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Trong đó, tình cảm anh em kết nghĩa giữa Thotu Yaxaychu và thiếu tướng Ngô Thế Sơn (Chỉ huy Bộ đội tình nguyện Việt Nam khu vực Bắc Lào) đã trở thành một bản tráng ca rất đẹp của tình quân dân hai dân tộc Lào- Việt. Khi Thotu Yaxaychu hy sinh, theo lời thề kết nghĩa, những người con của Thotu đã được gia đình cố thiếu tướng Ngô Thế Sơn cưu mang, đùm bọc, coi như con đẻ, đã dìu dắt, chăm sóc cho họ được sinh sống, học tập tại Việt Nam đến tốt nghiệp đại học, sau này trở thành những cán bộ mẫu mực của cách mạng Lào, trong đó có con gái của ông Thotu Yaxaychu là Pany Yathotu, hiện nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Đây là tác phẩm lần đầu tiên được in bởi 3 thứ tiếng: Việt Nam- Lào và tiếng Anh.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả của cuốn sách cho biết: “Tôi đã mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm tài liệu, tìm gặp những nhân chứng hiếm hoi còn sống, lục tung rất nhiều sách báo để đọc, lưu trữ, kết nối những dòng tư liệu mỏng manh và quý hiếm về cuộc đời ông.

Tôi đã đặt chân tới bản làng quê hương ông, bản Nong Xam Che, huyện Nọng Hét, quê hương người H’Mông với họ Ya nằm cheo leo trên núi cao. Tôi đã đặt chân đi lại trên chính con đường gần 60 năm trước ông đã mưu trí, dũng cảm, tài năng dẫn dắt Tiểu đoàn 2 cùng với gia đình cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn, vượt vòng vây địch, băng rừng lội suối, bảo toàn lực lượng về tận căn cứ biên giới Việt-Lào, một cuộc hành quân, chiến đấu ghi dấu ân sâu sắc trong lịch sử cách mạng Lào nói chung và lịch sử Quân đội Pathet Lào. Tôi đã đến tận nơi, những thung lũng, cao đểm, vùng đất, những địa danh đã từng ghi dấu những trận chiến đấu ngoan cường của đội du kích Pa Chay, của Tiểu đoàn 2 ở bản Thắp Híp, bản Ban, Nọng Hét, Cánh đồng Chum…”.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông đã ngồi bên khu mộ của Thotu Yaxaychu tại Nọng Hét tần ngần cả buổi sáng ở công viên tượng đài Thotu Yaxaychu ở trung tâm thị xã Xiêng Khoảng, đã đi lại trên con đường số 7, lên vùng Tương Dương, Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An… Rồi đã tới khu căn cứ cách mạng nhân dân Lào tại Sầm Nưa, đến với những hang đá từng là nơi làm việc, họp hành, lãnh đạo cách mạng Lào của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. trong gia đình với chị Pany Yathotu, với đại tá A Nông Yathotu, với bà Ymo đã 90 tuổi, em gái út của Thotu Yaxaychu, gặp gỡ các cháu, các anh chị trong đại gia đình Thotu, gặp gỡ cụ Nảo Chao Yachongtủa đã 90 tuổi, làm liệc lạc cho ông Thotu khi mới 13 tuổi… Tôi đã lặng người nghe chị Pany kể lại những kỉ niệm với người cha yêu dấu của mình, về cái đêm được ngủ với bố mình lúc chị 10 tuổi để sau đó, bố chị hy sinh và nhìn thấy nước mắt chị chảy dài cùng với tiếng kể nghẹn lại.

Tôi đã được đại tá A Nông chở đi khắp nơi từ Xiêng Khoảng đến Sầm Nưa, lên tới các xã biên giới, vừa đưa tôi đi vừa nói nhiều thông tin về đất và người, về cha mình, về Tiểu đoàn 2, về người H’Mông mà nhờ chuyến đi đó đã cho tôi rất nhiều cảm xúc để quyết tâm xây dựng tác phẩm quan trọng này.

Càng tìm hiểu tư liệu về hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lào, càng thấm thía tình hữu nghị ngàn đời không bao giờ thay đổi giữa Việt Nam-Lào, đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà- Cửu Long”, nhà văn Quang Vinh nói.

Phan Thanh

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top