Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Anh Tân Linh ơi, mới đó mà đã 360 ngày!

Thứ Hai 06/03/2017 | 11:17 GMT+7

VH- Sáng nay, xé tờ lịch trên tường, thảng thốt nhận ra đã sang tháng Ba. Lại nhớ ngày này của 19 năm về trước. Buổi sáng hôm đó, ngày đầu tiên tôi đến Tòa soạn Báo Văn Hóa tại 124 Nguyễn Du nhận việc. Bác Phí Văn Tường - Tổng Biên tập lúc bấy giờ, dẫn tôi vào phòng Bạn đọc, nói “Cháu sẽ làm việc ở phòng này”.

Đón tôi là hai người đàn ông trung tuổi. Bác Phí Văn Tường giới thiệu: “Đây là anh Tân Linh - trưởng Ban, còn đây là anh Chúc. Anh Tân Linh sẽ hướng dẫn cháu công việc cụ thể ở Ban”.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tân Linh, đó là một người đàn ông điềm đạm, giọng nói miền Trung âm vực nằng nặng nhưng cách nói lại rất nhẹ nhàng. Anh hỏi han tôi về gia đình và hướng dẫn sơ bộ cho tôi về công việc phải làm hằng ngày. Anh cũng nói luôn: Phóng viên Ban Bạn đọc không phải đi nhiều, nhưng công việc kiểu “làm dâu trăm họ” nên cũng không dễ dàng, em cố gắng làm tốt.
Được biết, trước khi tôi về, Ban Bạn đọc có 3 người: Anh Chúc chuyên công việc sổ sách, chị Thanh Hà theo dõi mảng quân đội nên công việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, điều tra theo đơn thư và giải quyết những vấn đề bạn đọc, chủ yếu là do anh Tân Linh đảm nhiệm. Tôi được phân công về Ban với nhiệm vụ sẽ “chia sẻ” một phần công việc của anh Tân Linh.
Những ngày đầu tiếp xúc với công việc, tôi vô cùng bỡ ngỡ. Ngày nào tôi cũng chăm chỉ “học việc”. Tôi nhận ra cách giải quyết công việc rất linh hoạt của anh Tân Linh. Đối với cộng tác viên đến gửi bài, anh bao giờ cũng đọc kỹ, trao đổi cụ thể với họ những điểm được và chưa được, bài nào không hợp với “gu” của Báo Văn Hóa, anh hướng dẫn họ gửi báo khác. Nhiều lúc anh gợi ý đề tài và hướng dẫn cộng tác viên viết cho phù hợp với “gu” của Báo. Ân cần và niềm nở với cộng tác viên, bạn đọc, nhưng anh cũng rất “gấu” trong công việc đấu tranh chống tiêu cực. Nhiều bài điều tra theo đơn thư bạn đọc, phóng sự điều tra của anh đã ghi dấu ấn trên Báo Văn Hóa. Làm việc với anh, tôi học được nhiều điều bổ ích cho công việc của mình.
Tân Linh chuyển đi lòng vòng vài ban rồi lại quay lại Ban Bạn đọc vào những năm cuối trước khi nghỉ chế độ. Ở thời điểm nào, tôi cũng nhận thấy sức viết của anh thật “đáng nể”. Anh viết say mê, từ phóng sự, phóng sự điều tra, ký, ghi chép đến bình luận. Không chỉ viết báo, anh còn sáng tác thơ, đã đăng nhiều bài trên các báo Văn nghệ, Tiền phong, An ninh Thế giới, Thể thao Văn hóa, Xây dựng, và nhiều báo, tạp chí khác nữa... Ngoài hai tập thơ là Tha hương (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2002) và Có lẽ mùa xuân có lý riêng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013), thơ Tân Linh còn được in trong nhiều tuyển tập như Ngàn năm Thơ Việt, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long; Trời Nam thương nhớ; 10 thế kỷ đánh giặc và làm thơ,...
Những năm cuối đời, khi tình cờ phát hiện mình mắc căn bệnh quái ác, Tân Linh càng “cày như điên”. Anh viết như sợ ngày mai không còn có thể viết, anh viết để quên đi những cơn đau do căn bệnh hoành hành. Năm 2013, anh đã dồn sức cho hai tác phẩm: Thơ Có lẽ mùa xuân có lý riêng và ký chân dung Những tài năng, những số phận. Năm 2014, khi bệnh tình đã chuyển nặng, anh gắng gượng ngày đêm cho tập trường ca Hiền Lương bảy nhịp. Chỉ trong mấy tháng, tập trường ca đã được anh hoàn thành, kịp tặng Mẹ và quê hương Quảng Trị vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneve.
Đối với nghiệp viết, Tân Linh luôn nhận anh là người phu chữ trên cánh đồng văn chương, báo chí. Còn đối với những người thân yêu, những người sống quanh anh đều không khó nhận ra sự chăm sóc, tình thương yêu của anh dành cho mẹ, cho vợ, con và những người thân. Tôi còn nhớ, có bận buổi trưa thấy anh lọ mọ đi ra ngoài, lúc sau về hồ hởi khoe vừa mua được chiếc cặp lồng cắm điện rất tiện lợi. Anh nói: Anh mua cho Xinh (vợ anh) hằng ngày đi làm thì mang cơm theo để ăn vì đồ ăn thức uống ở ngoài giờ mất vệ sinh lắm, mình mang đi ăn cho an toàn. Tôi cũng thường thấy anh gọi điện hỏi han vợ xem đi làm có mệt không, đã ăn uống gì chưa,... Tân Linh cũng luôn dành cho các con tình yêu vô bờ. Với anh, hai cô con gái chính là món quà vô giá mà trời phật đã ban cho anh. Anh mua cho con từng đôi giày, chiếc nơ buộc tóc hay hộp màu vẽ. Mỗi khi có nhuận bút, lại thấy anh thắc thỏm về sớm để đưa các con đi ăn hàng, mua đồ. Có lần đi công tác, Tân Linh còn mang theo cô con gái nhỏ cho đỡ nhớ.
Trước khi Tân Linh nghỉ chế độ, cơ quan có ý định tổ chức để anh có một chuyến về quê thăm Mẹ. Nhưng sau vài ngày suy nghĩ, anh đã từ chối với lí do , dù rất nhớ quê, nhớ Mẹ, nhưng anh không muốn cụ đau lòng khi nhìn thấy bộ dạng ốm yếu của anh. Anh dự định, khi tóc mọc xanh trở lại và sức khỏe tốt hơn, anh sẽ về thăm Mẹ để Mẹ vui khi nhìn thấy con trai vẫn mạnh khỏe như ngày nào. Nhưng anh đã không kịp làm điều đó!
Thời kỳ bệnh nặng, Tân Linh luôn cố gắng kìm những cơn đau để vợ con khỏi lo lắng. Nhiều lúc anh bần thần “Nhỡ anh ra đi thì vợ dại, con thơ không biết sẽ ra sao”.
Nhưng chắc giờ ở một nơi nào đó rất xa xăm, Tân Linh đã có thể mỉm cười vì vợ và hai cô “công chúa” của anh đã không phụ sự trông cậy của anh. Ba người phụ nữ này đã cùng nhau, mỗi người mỗi việc gồng gánh hết mọi khó khăn, nhọc nhằn để Tân Linh yên tâm ở nơi đó. Cháu Sông Hiền giờ đã trở thành sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình, sắp nối nghiệp báo chí của cha; còn Sông Trà liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hãy yên lòng nhé, anh Tân Linh!


Hoàng Hương

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top