Thêm "sân chơi" cho nghệ thuật múa

VH- Cùng với dòng chảy của thế giới, múa đương đại Việt Nam cũng có những bước tiến nhất định, khẳng định tiềm năng của nghệ sĩ nước nhà. Thế nhưng đấy là quá trình phát triển đầy khó khăn từ nguồn lực hỗ trợ đến môi trường thực hành, biểu diễn…

Thêm

 Tiết mục biểu diễn tại sân khấu Trại hè Múa và Âm nhạc 2018

Thiếu sân chơi thực thụ

Ngày 27.7 vừa qua, chương trình tổng kết Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 được tổ chức bởi Viện Goethe Hà Nội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp cùng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Các tiết mục được 8 nghệ sĩ thuộc nhóm biên đạo và nghệ sĩ múa, 9 nghệ sĩ thuộc nhóm nhạc công và nhạc sĩ phối hợp thực hiện trong cùng một không gian nghệ thuật. Điều này mở rộng ý niệm múa đương đại không chỉ là sự tương tác trong một loại hình mà có thể đa dạng, từ âm nhạc, vũ điệu đến ánh sáng, sân khấu…

Từ khi công bố tổ chức, Trại hè nhận được hơn 40 hồ sơ. Đây là con số khiêm tốn nhưng điều này cũng có thể lý giải nghệ thuật đương đại là một ngành hẹp, chỉ có số lượng nhất định những người yêu mến, có khả năng theo đuổi. Mặt khác, thực tế cũng chỉ ra, đến với nghệ thuật đương đại đa phần là nghệ sĩ trẻ song họ thiếu cơ hội học hỏi và trải nghiệm nghệ thuật. NSƯT Trần Ly Ly phân tích, so với các loại hình khác, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn còn khá mới lạ, không phải tất cả mọi người đều cảm nhận và yêu thích. Từ trước đến nay, các nghệ sĩ hoạt động tản mát khắp nơi, đây là dịp tập hợp họ lại thì mới tạo ra xu hướng, khai mở tiềm năng, vượt qua rào cản.

Nhạc sĩ Kim Ngọc, người có nhiều cống hiến cho sự phát triển của âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm nhận định, khó khăn với các nghệ sĩ chính là tới giờ giáo dục Việt Nam vẫn chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu và mạnh mẽ ở các đơn vị chính thống dành riêng cho nghệ thuật đương đại thể nghiệm. Ngoài môi trường hàn lâm cũng chưa tạo nên nhiều sân chơi để các nghệ sĩ thi thố, phát triển khả năng.

So sánh với nghệ thuật đương đại tạo hình, âm nhạc trong những năm gần đây có nhiều sân chơi, hội thảo… thì múa đương đại hầu như không được như vậy. Rất nhiều nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ vẫn đang sống và làm việc trong khó khăn, rất cần những định hướng nghệ thuật, tiền bạc cũng như sự hỗ trợ để được gặp gỡ, giao lưu với nhau và học hỏi những người thầy giỏi. Nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành chia sẻ: “Mình hoạt động nghệ thuật gần 10 năm, rất mong có cơ hội để được cọ xát, làm việc và học hỏi với những nghệ sĩ tên tuổi nhưng thực ra không nhiều”.

Tiếp thêm năng lượng

Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 được tổ chức từ ngày 16 - 27.7 dành cho biên đạo, diễn viên múa, nhạc công và nhạc sĩ Việt Nam hiện đang làm việc trong và ngoài nước. Chương trình diễn ra tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam dưới sự dẫn dắt của hai giám đốc nghệ thuật là Nhà soạn nhạc, đạo diễn nhạc kịch, GS Heiner Goebbels (Đức) và NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Qua đó, các nghệ sĩ múa, biên đạo múa, nhạc sĩ và nhạc công Việt Nam cùng hợp tác, tự thử thách và khám phá những khía cạnh thẩm mỹ đa chiều, cách thức giao tiếp mới và khả năng tương tác giữa các yếu tố kết hợp trên sân khấu mà từ trước tới nay họ chưa khám phá và trải nghiệm hết.

GS Heiner Goebbels nhận xét, đây là cuộc làm việc hoàn toàn ngẫu hứng, giúp tìm tòi, phản ánh suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận của nghệ sĩ trong nghệ thuật. Mối quan hệ giữa âm nhạc, múa, sân khấu, trình diễn, ánh sáng, âm thanh và không gian được đẩy lên cao. Các nghệ sĩ trẻ đã cho thấy khả năng sáng tạo của mình và những điều có thể kỳ vọng vào nghệ thuật múa đương đại Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Camp được tổ chức. Dự án mang tính va chạm giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau chính là cơ hội lớn để nghệ sĩ học hỏi và phát triển. Điều này được cho là cần thiết để nâng khả năng tư duy lên mức độ đối thoại nghệ thuật, không chỉ giữa âm nhạc và âm nhạc hay giữa múa với múa… mà là giữa các loại hình khác nhau. Nhìn rộng ra, việc tạo ra sân chơi như vậy sẽ giúp múa đương đại Việt Nam ngày càng năng động, tạo nên những đường hướng mới.

Sau chương trình Trại hè Múa và Âm nhạc hợp tác cùng Viện Goethe, dự kiến Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ hỗ trợ không gian nghệ thuật hằng tháng tại Hà Nội cho các nghệ sĩ trẻ giao lưu, học hỏi, trải nghiệm và mở hướng sáng tác nghệ thuật. Những tác phẩm có ý tưởng thú vị, sáng tạo sẽ được lựa chọn để đưa đến công chúng. NSƯT Trần Ly Ly nói: “Chúng tôi hướng tới việc tạo ra sân chơi. Đây chỉ là bước khởi đầu để các bạn có sự hiểu biết lẫn nhau, để có thể tìm ra những nội dung, ý tưởng, cấu trúc về mặt nghệ thuật, đặc biệt là xu hướng nghệ thuật đương đại trong tương lai cho Việt Nam”.

 ĐÀO NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc