Lần đầu tiên LĐ Xiếc xây dựng chương trình nghệ thuật tri ân các AHLS

VH- Chương trình nghệ thuật mang tên Đi cùng năm tháng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được dàn dựng nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2018). Đây là lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, có chủ đề hướng về cội nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ (AHLS).

Lần đầu tiên LĐ Xiếc xây dựng chương trình nghệ thuật tri ân các AHLS - Anh 1

Đi cùng năm tháng do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc 4 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật chương trình cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị xây dựng một chương trình nghệ thuật tri ân các AHLS, những người có công với cách mạng và cũng là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh.

Đạo diễn, NSƯT Tống Toàn Thắng chia sẻ, hình ảnh người chiến sĩ quân đội được khắc họa xuyên suốt toàn bộ trong chương trình. Hình ảnh người chiến sĩ quân đội được thể hiện dưới nhiều góc nhìn như người chiến sĩ đặc công, người lính biển, người lính nuôi quân cho đến những nam nữ thanh niên xung phong và cả những người thân yêu của họ ở hậu phương như mẹ, vợ, người yêu... Tạo nên những hình tượng anh bộ đội trên sân khấu xiếc, khán giả sẽ cảm nhận được nội dung của chương trình, rất gần gũi và sâu nặng tình cảm. Chương trình có nội dung được dàn dựng cụ thể cho từng tiết mục mang màu sắc riêng. Được lồng ghép kết hợp âm nhạc và những tiết mục xiếc.

Tới xem một buổi tập chương trình trước ngày công diễn, tận mắt chứng kiến những xử lý dàn dựng của đạo diễn và xem các nghệ sĩ thao tác các kỹ thuật động tác, kỹ xảo xiếc sẽ cảm nhận được những nét đặc biệt từ dàn dựng. Màn mở đầu chương trình là hoạt cảnh Đồng đội với giai điệu bài hát Bác cùng chúng cháu hành quân. Tiết tấu âm nhạc sôi nổi và hào hùng các nghệ sĩ trong trang phục bộ đội xuất hiện trên sân khấu cùng nhau theo đội hình, nhào lộn qua chướng ngại vật. Kết thúc hoạt cảnh mở đầu âm nhạc chuyển giai điệu Chiếc gậy Trường Sơn được xử lý từ tiết mục xiếc truyền thống Dây thép chùng. Nghệ sĩ Hà Bình trong vai anh lính trong Chiếc gậy Trường Sơn bật mí: “Cây gậy cũng là một đạo cụ ảo thuật biến hóa thành những bông hoa, chiếc mũ tai bèo hóa thành chim bồ câu mà người lính gửi tặng cho bạn gái của mình. Chúng tôi sẽ làm động tác xiếc đi trên dây thép chùng và có lúc dây thép chùng lại biến thành những chiếc võng đung đưa. Chúng tôi tham gia chương trình vô cùng hào hứng khi không chỉ thực hiện các động tác kỹ thuật xiếc mà còn mang lại một nội dung rất ý nghĩa. Chiến tranh khắc nghiệt không ngăn được tình cảm đôi lứa nảy nở đầy lãng mạn, trong sáng”.

Với những ý tưởng dàn dựng đầy sáng tạo, ê kíp sáng tạo sẽ có những đổi mới ngay từ kỹ thuật động tác. Trước đây tiết mục dây da của đôi nam nữ thì nam là chính, nữ là phụ nhưng khi vào tiết mục Huyền thoại mẹ trong chương trình thì người nữ lại giữ vai trò chủ đạo, khoe được thể lực, sức khỏe và thể hiện được tinh thần của nội dung chương trình khi diễn viên nữ vào vai người mẹ, diễn viên nam vào vai người con, người chiến sĩ cách mạng. Sự yêu thương che chở của người mẹ đã giúp cho người con trai vượt lên những khó khăn, thách thức gian khổ của chiến tranh để chiến thắng trở về. Hình tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu được coi là điểm nhấn gây xúc động nhất của chương trình Đi cùng năm tháng khi Bùi Thu Hương xuất hiện trong trang phục áo trắng và làm động tác trên đu với dải lụa đỏ tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc cùng với 8 diễn viên nữ phụ họa tạo nên một bối cảnh ấn tượng, ý nghĩa.

NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết, chương trình có sự phối hợp của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội để có những món quà tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ. Số tiền ủng hộ sẽ huy động từ các nhà tài trợ và toàn thể các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ không nhận thù lao biểu diễn mà toàn bộ số tiền sẽ được quyên góp ủng hộ. Chương trình sẽ dành một số vé mời cho một số tổ chức như Hội Cựu chiến binh Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, con em thương binh, liệt sĩ, học sinh giỏi vượt khó.... Và dự định của Ban giám đốc chính là sẽ tổ chức Đi cùng năm tháng thường niên vào ngày 27.7 như một món quà tinh thần để giúp thế hệ trẻ hôm nay hướng tới đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”.

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc