Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Chính chuyên bươn bả với nghề

Thứ Năm 21/06/2018 | 15:54 GMT+7

VH- Không hào nhoáng, không dính scandal, không dễ bị lung lạc trước những biến cố cuộc sống, luôn vững tin và đi theo con đường đã lựa chọn, những giọng ca opera luôn tạo được dấu ấn và phong cách riêng mà không bị hòa lẫn với thị trường âm nhạc vốn dĩ luôn thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, người làm nghề không tránh khỏi những xót xa…Tìm đường đến với công chúng

Chương trình ca nhạc Mùa đông xứ Huế

Ở Việt Nam, để theo đuổi opera, nếu chỉ có khả năng ca hát thôi chưa đủ. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay chỉ dạy hát nhạc thính phòng, vì thế muốn trở thành nghệ sĩ opera thật sự, mỗi người cần tự mình học hỏi, trau dồi khả năng diễn xuất, trình diễn sân khấu và đặc biệt là ngôn ngữ. Có lẽ ít ai biết, trước khi trở thành sinh viên trung cấp thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 2000, giọng tenor Trịnh Thanh Bình đã t ừng “chinh chiến” để trở thành sinh viên của một số trường đại học. Nhưng định mệnh đến với opera của Trịnh Thanh Bình là khi anh tham gia CLB ca hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, rồi quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác hiện nay, điều trăn trở của nghệ sĩ opera là làm sao để giữ được nghề, được thường xuyên sống trong môi trường nhạc cổ điển mình đã theo đuổi cả đời nhưng lại không thể tạo thu nhập từ nghề để “tái sản xuất sức lao động”. Đã có lúc, khi phải đối mặt với cơm, áo, gạo tiền, Bình từng nghĩ tới việc chuyển sang dòng nhạc khác dễ được biết đến và cũng dễ kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống. May sao, thời khắc khó khăn đó cũng đã qua khi anh nhận được sự ủng hộ, cảm thông từ người bạn đời, một nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, của bố mẹ và những khán giả trung thành với opera.

Vậy nghệ sĩ opera sống được với nghề bằng cách nào? Chuyện những người làm nghệ thuật không sống nổi vì nghệ thuật, đa phần còn chết trong nghèo đói là điều đã có từ hàng thế kỉ trước trên thế giới, nên để tồn tại cùng nghệ thuật như Thanh Bình thì anh phải “chân trong, chân ngoài”, vừa làm nghệ thuật, vừa kinh doanh. Và dù, opera không có nhiều đất diễn như những loại hình nghệ thuật khác, thì cho đến giờ Thanh Bình cũng vẫn chỉ muốn gắn bó với nghiệp diễn lâu dài, muốn được đứng trên sân khấu, hóa thân vào nhiều vai diễn hơn vì anh đang dần thấy sự quan tâm của công chúng dành cho opera ngày một đông hơn.

Thuộc nhóm thế hệ trẻ của opera Việt Nam, Phan Trung Kiên - giọng ca opera sinh năm 1995 cũng có những trăn trở khá thú vị về nghề. Anh chàng sinh viên Nhạc viện - một “hiện tượng” mà chắc chắn người Việt yêu nhạc Opera nào cũng đều phải sững sờ. Chính chất giọng trầm ấm với những nốt ngân rung có sức “công phá” cảm xúc của người nghe đã giúp Trung Kiên rinh về chiếc Huy chương Vàng tại cuộc thi “Festival châu Á - Thái Bình Dương” năm 2017 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Điều đáng nói ở chỗ, đây là lần đầu tiên Trung Kiên đem giọng đi thi và đối thủ của anh là khoảng 200 tài năng âm nhạc đến từ rất nhiều nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia…

Năm 2017, Trung Kiên đã ra mắt MV “Hà Nội mười hai mùa hoa” (nhạc sĩ Giáng Son). Nói về việc thực hiện MV “Hà Nội mười hai mùa hoa” - một ca khúc nhạc nhẹ không phải là sởtrường của Trung Kiên, chàng ca sĩ 9X cho biết, anh không chỉ muốn mang hơi thở mới vào bài hát theo cách của mình mà còn muốn đem phong cách nhạc opera đến gần với khán giả Việt Nam. Sản phẩm mới lạ này của Trung Kiên khiến nhiều người thắc mắc, liệu chàng nghệ sĩ trẻ đang muốn theo đuổi dòng nhạc nào? Trung Kiên khẳng định, opera là con đường dài mà anh theo đuổi, nhưng vì hiện nay ở Việt Nam chưa có đất cho các nghệ sĩ opera thể hiện và sống được với nghề nên Trung Kiên sẽ tìm thêm những ngã rẽ mới, thử sức ở những dòng nhạc bán cổ điển để có thể sống với tình yêu âm nhạc. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật nào cũng cần hướng đến công chúng.

Không sợ “lạc mốt”

Lâu nay, nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc opera luôn gặp khó khăn, nhưng con đường họ đi không hoàn toàn dẫn đến ngõ cụt. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, nghệ sĩ opera có thế mạnh riêng và luôn có thị phần của riêng mình. Không cần những chiêu trò lăng-xê như dòng nhạc chạy theo xu hướng khán giả trẻ, cũng không cần nhiều hình thức quảng bá, những sản phẩm của các giọng ca opera vẫn đang âm thầm len lỏi trong dòng chảy âm nhạc đại chúng và có một đời sống riêng khá “êm ấm”. Tuy không ào ạt như các ca sĩ hot trên thị trường nhưng CD của những giọng ca hàn lâm lại bán theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, cứ lai rai qua năm này đến năm khác, không lo bị “lạc mốt” trên thị trường.

Hơn nữa, với chi phí đầu tư không quá cao, không có ca sĩ ngôi sao “hét” giá, sản xuất CD giọng ca hàn lâm vì thế mà ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, để có thể đến tay người mua, nhà sản xuất và nghệ sĩ cũng phải đầu tư cho hòa âm - phối khí vì nếu chất lượng không tốt thì chắc chắn là không thể bán đường dài. Sự đổi mới cũng rất quan trọng, các nhà sản xuất và nghệ sĩ phải liên tục ra những chương trình mới. Hơn nữa, việc thăm dò thị trường cũng rất cần thiết, nói cách khác, CD của những nghệ sĩ opera muốn bán được thì phải đánh vào tâm lý của người tiêu dùng khó tính.

Dẫu vậy, bấy nhiêu nỗ lực dường như chưa xứng với mảng âm nhạc lâu nay được gắn mác hàn lâm. Người trong giới cần nhiều sáng tạo hơn nữa để opera tìm lại vị trí cũng như đẳng cấp của mình.

 ​Giọng hát opera là làm thật, ăn thật, không qua bất cứ hệ thống thu âm hay hỗ trợ âm thanh nào vì ngoài việc không thể dùng tiểu xảo âm thanh, người nghệ sĩ cũng cần học hỏi, luyện tập chăm chỉ như chính việc ăn uống, hít thở mỗi ngày. Còn về vấn đề cát-xê, con số hàng chục triệu đồng trả cho nghệ sĩ solo của dòng nhạc thị trường luôn là niềm mơ ước của các nghệ sĩ hát opera Việt Nam chứ đừng nói tới hàng trăm triệu đồng. Công sức bỏ ra của một nghệ sĩ opera cho một chương trình hòa nhạc thành công lớn hơn rất nhiều so với những gì họ nhận lại.

(Nghệ sĩ hát opera TRỊNH THANH BÌNH)

Khanh Phương

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top