Tỉnh thứ 5 ở Tây Nguyên ghi nhận ca mắc bạch hầu

VHO- Chiều 3.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, tại huyện đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên, cũng là ca bệnh đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Như vậy, cho đến nay, toàn bộ 5 tỉnh Tây Nguyên đều đã ghi nhận các ca mắc bạch hầu.

Tỉnh thứ 5 ở Tây Nguyên ghi nhận ca mắc bạch hầu - Anh 1

Khám sàng lọc bệnh bạch hầu tại Đam Rông. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Bệnh nhân là nữ, 21 tuổi, dân tộc Mông, cư trú tại Tiểu khu 181, thôn 3, xã Liêng Srol. Bệnh nhân đã được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông.

Ngay sau khi phát hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các ngành chức năng của huyện Đam Rông đã khoanh vùng, triển khai các biện pháp dập dịch, cách ly người bệnh và những người tiếp xúc gần với người bệnh để điều trị và lấy mẫu xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng triển khai các biện pháp dập dịch như khám sàng lọc cho 270 người, điều trị dự phòng cho 72 người, tiêm dự phòng vaccine bạch hầu giảm liều cho trên 1.200 người, chủ yếu là học sinh trong vùng dịch và người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đồng thời phun hóa chất diệt khuẩn trong vùng dịch và nơi bệnh nhân điều trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiêm phòng vaccine cho trẻ em trong độ tuổi.

Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, sau khi các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện dịch bạch hầu, từ tháng 6, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai các biện pháp phòng chống. Trong đó chú trọng vào các huyện Bảo Lâm, Đam Rông và Di Linh, vì 3 huyện này giáp với các tỉnh đang có dịch bệnh; tập trung chính vào huyện Đam Rông vì địa phương này giáp với xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long của tỉnh Đắk Nông đã có bệnh nhân tử vong.

Hiện đang có một số học sinh từ xã Quảng Hòa sang học tại xã Đạ R’sal của huyện Đam Rông. Ngành y tế tỉnh đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm với các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân tử vong. Trong tổng số 2.537 học sinh của 4 trường từ mầm non đến trung học phổ thông của huyện Đam Rông, ngành chức năng đã sàng lọc và khám cho 219 em, trong đó có 164 em là người từ xã Quảng Hòa sang học.

Từ đầu tháng 6 đến ngày 3.8, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận trên 100 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

CHINHPHU.VN

Ý kiến bạn đọc