Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng bảo tồn giá trị của những công trình nhà cổ

Thứ Hai 29/06/2020 | 07:38 GMT+7

VHO-  Nhằm bảo tồn những công trình nhà cổ trên địa bàn thành phố, Sở VHTT TP Đà Nẵng cho biết đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ dân gian truyền thống ở địa phương.

 Những ngôi nhà cổ của người dân ở xã Hòa Phong

Bảo tàng Đà Nẵng cùng với các đơn vị liên quan cũng đang tổ chức những chuyến thực địa để khảo sát, từ đó đưa ra chính sách, phương án bảo tồn phù hợp đối với các ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm.

Hiện nay ở Đà Nẵng có gần 100 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang, địa phương hiện vẫn còn tồn tại những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, các ngôi nhà cổ nằm rải rác ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn), thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu)… Những ngôi nhà cổ này lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng duyên hải Trung Bộ rất cần được bảo vệ, giữ gìn, nhưng trên thực tế, trải qua sự tác động của thời gian, cộng với yếu tố khí hậu, thiên tai, chiến tranh, quá trình đô thị hóa, cùng với sự thiếu quản lý, bảo vệ nên các ngôi nhà này đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị biến dạng.

Đơn cử như ngôi nhà của ông Bùi Trọng Trung (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), ngôi nhà cổ kiểu “tam gian tứ vị” của bà Đặng Thị Túy Phong, nhà ông Đặng Tao, nhà ông Tán Tỉnh… (tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đều có chung tình trạng mái ngói, tường bong tróc, một số cột bị mối mọt… Trước tình trạng xuống cấp, nhiều gia đình thực hiện tu bổ bằng cách “hư đến đâu sửa đến đó”, mái ngói âm dương thay bằng mái tôn, nhiều đòn tay, rui của ngôi nhàbị thay thế bằng gỗ thường, nền nhà lúc trước được lót ván gỗ được thay thế bằng xi-măng… Điều đó phần nào đã làm thay đổi tính chất và ý nghĩa và thẩm mỹ của những ngôi nhà cổ.

Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang cho biết, nguồn kinh phí để tu bổ những ngôi nhà cổ này khá lớn, trong khi đó đời sống người dân còn nhiều khó khăn, không có điều kiện để làm. Vấn đề khó khăn nữa là phần lớn nhà cổ đều là sở hữu tư nhân nên quyền định đoạt thuộc về người dân, một số hộ nhân khẩu tăng nên muốn cơi nới ngôi nhà cổ để bảo đảm nhân khẩu trong gia đình… nên việc bảo tồn những ngôi nhà cổ như thế này là rất khó khăn trong suốt nhiều năm qua. Chính sách hỗ trợ như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cổ gắn với nhu cầu của người dân càng phải tính toán, cân nhắc thật kỹ. Vừa qua, đoàn khảo sát gồm Bảo tàng Đà Nẵng, Phòng VHTT huyện Hòa Vang và một số đơn vị liên quan đã đi thực địa tại các xã Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hải (huyện Hòa Vang) để nghiên cứu các ngôi nhà cổ trên địa bàn thành phố. Những công trình nhà cổ này đều trên dưới 100 năm tuổi. Với thiết kế mang nhiều dấu ấn kiến trúc cổ đặc sắc: Ba gian hai chái; bốn gian hai chái, mái ngói lợp kiểu âm dương; kiến trúc lẫn các chạm khắc hoa văn trên rường, mái nhà… thể hiện sự tinh xảo của bàn tay nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, đây là tài sản quý giá và là một bộ phận quan trọng của di sản kiến trúc đô thị Đà Nẵng cần được trân trọng, gìn giữ.

Nhìn nhận về vấn đề bảo tồn nhà cổ, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, hiếm có địa phương nào như Đà Nẵng, người dân gìn giữ được những nếp nhà xưa của cha ông để lại. “Có những người đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kiên quyết không bán đi ngôi nhà của tổ tiên. Điều đó càng thôi thúc những người làm công tác bảo tồn phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để lưu giữ ký ức xưa bởi với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, một mai, nếu những nếp nhà xưa cũng không còn nữa thì hình ảnh làng quê đặc trưng của xứ Quảng chỉ còn là ký ức...”, ông Thiện nói và cho biết thêm, sau khi điền dã sẽ có đánh giá, phân loại, lựa chọn danh mục nhà cổ đáp ứng tiêu chí, điều kiện tham gia chính sách hỗ trợ của đề án; tổ chức tọa đàm khoa học lấy ý kiến góp ý đề án từ các đơn vị có liên quan…

Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố các giải pháp, chính sách phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và đời sống thực tế, phù hợp với chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, trong thời gian tới, Sở VHTT cũng sẽ lựa chọn, đưa một số nhà cổ có giá trị tiêu biểu, đặc sắc vào danh mục kiểm kê di tích và xây dựng lộ trình xếp hạng.

NGỌC HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top