Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sơn xanh sơn đỏ cụm tượng tại công viên Thống Nhất (Hà Nội): Quả thật rất đáng sợ!

Thứ Tư 27/05/2020 | 11:36 GMT+7

VHO- Hiện diện trong không gian xanh mát của Công viên Thống Nhất từ năm 1963, cụm tượng và phù điêu với những hình ảnh vốn quen thân, thậm chí là một phần “di sản” trong ký ức của người Hà Nội vừa bất ngờ có cú đổi thay khiến nhiều người giật mình thảng thốt.

 Một bức tượng “đa màu sắc”

Những sắc màu lóe chóe đã phủ lên những hình hài vốn dĩ trong veo, giản dị, phá hỏng đi ký ức thanh bình, yên ả mà những bức tượng đã khắc trong nỗi nhớ về một thời.

Tầm thường hóa thẩm mỹ

Năm 1960, Công viên Thống Nhất ra đời thì đến năm 1963, nhóm tác phẩm gồm 16 bức tượng và 1 phù điêu là bài tập tốt nghiệp của sinh viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp đã hiện diện trong không gian này. Hơn nửa thế kỷ qua, những bức tượng với hình hài giản dị như cô gái ngồi đọc sách, đôi bạn, hình ảnh vui đùa của các nhân vật... được sáng tác theo khuynh hướng tả thực, mộc mạc và gần gũi đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội, bởi Công viên Thống Nhất lâu nay là điểm đến để vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao... của người dân và du khách.

Ẩn mình dưới không gian xanh mát của các tán cây, những bức tượng đã chứng kiến nhiều biến đổi, thăng trầm qua các thế hệ. Do được sáng tác bằng chất liệu xi măng nên qua thời gian, nắng mưa đã khiến cho các bức tượng dần bong tróc, nứt vỡ và rêu mốc. “Các bức tượng như những dấu mốc đồng hành thân quen của chúng tôi mỗi ngày đi qua đây”, ông Khang, người hằng ngày đi tập thể dục qua khu vực tọa lạc của những bức tượng cho biết. Ông cười bảo, người ta sơn lòe sơn loẹt lên tượng chắc để chiều trẻ con, nhưng người lớn thì hơi hẫng hụt, như bị mất đi một phần ký ức gần gũi. Câu chuyện Công viên Thống Nhất phủ màu lòe loẹt lên những bức tượng quen thuộc không chỉ khiến nhiều du khách, người dân thấy tiếc nuối mà còn khiến cho không ít họa sĩ, nhà chuyên môn thảng thốt bởi cách ứng xử tùy tiện đối với những chứng tích thời gian, với những không gian công cộng mà hơn bao giờ hết cần phải được tôn trọng để trở nên đẹp đẽ, yên bình. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói: “Bích họa khắp nơi, vẽ lên tường, tủ điện, cột đèn rồi bây giờ là sơn tượng công viên. Cần phải đặt câu hỏi do đâu mà có hiện tượng như thế này?

 

Vẽ hoa lên ngực áo tượng chứ có chuyện gì đâu

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bật cười: “Nhóm tượng ở công viên này vốn dĩ có màu của xi măng, không phải do nhà điêu khắc không biết dùng màu để tạo sự ấn tượng mà vốn dĩ chủ đích là nhằm tạo vẻ đẹp về hình thể, dáng điệu. Việc tô màu lên tượng làm nhựa hóa những tác phẩm vốn rất sinh động trong công viên. Thứ nữa, với tượng ngoài trời, màu dịu mắt sẽ khiến người ta có cảm giác thanh bình, yên ổn chứ không phải thứ lóe chóe, không hợp cảnh vật”. Họa sĩ Trang Thanh Hiền cảm thán: “Việc sơn tượng như thế này làm tầm thường hóa thẩm mỹ công cộng. Thật đáng sợ!”. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bức xúc: “Không thể chấp nhận được. Vì sao trong một không gian công cộng thu hút đông người lại có thể tùy tiện như thế. Ít ra, đơn vị quản lý phải hỏi ý kiến của các nhà chuyên môn, tượng cũ rồi thì duy tu, phục chế, tôn tạo như thế nào. Phải tìm cách để mà giữ được vẻ đẹp yên ả, trong trẻo như xưa chứ tại sao lại sơn lên màu sắc khủng khiếp đến thế. Lỗi ở đây là do đơn vị quản lý. Họ phải cân nhắc trước khi quyết định một việc mà hệ quả của nó có thể dẫn đến tai tiếng trong dư luận như thế này”.

“Chúng tôi không có nghề…”

Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn của Hà Nội. Hằng năm, việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ vẫn được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, trong đó có phần sơn sửa lại cụm tượng. Mang những ý kiến phản ứng của giới nghề và công chúng đến đơn vị quản lý, ông Cao Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống nhất nói: “Nhóm tượng này cũng không có gì ghê gớm, không phải là minh chứng lịch sử hay có yếu tố chính trị gì mà đơn thuần chỉ là bài tập tốt nghiệp của sinh viên để lại. Nhưng vì là nhóm tượng đã tồn tại lâu năm, nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì, bảo dưỡng, mỗi năm sơn tượng một lần, chỗ nào tróc vữa ra thì trát lại. Trước đây có lần sơn trắng, mọi người nói như bóng ma, buổi đêm bắt màu trắng phớ. Khi chuyển sang màu ghi, lại có ý kiến kêu ca trông màu xám ngoét, tối xì. Lần này anh em công nhân đổi mới, nói sơn màu sắc cho tươi tắn, áo phải khác màu quần, rồi có áo thêm bông hoa ở ngực cho sinh động, trẻ con nó thích...”.

Ông Lâm trần tình, đội ngũ thợ của Công ty chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ, dùng sơn quét lên tượng cho mới mẻ chứ không ai có chuyên môn mỹ thuật gì. Kinh phí để duy tu, sửa chữa được cấp hằng năm, nhưng thường tiền mua sơn chỉ có mấy trăm ngàn. Trả lời câu hỏi ông có thấy tượng sơn lại quá xấu hay không, ông Lâm hồn nhiên: “Tôi thấy bình thường, công viên nhiều chỗ vui chơi cho trẻ con nên phải có màu sắc, chứ không phải là cứ cây xanh với bê tông nhựa đen thì đẹp. Nhưng cũng phải xác nhận là chúng tôi không có nghề. Nếu chỗ tượng này mà đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật thì đúng là... không được”.

Mình thích thì mình sơn xanh đỏ thôi”

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn không đồng tình ý kiến của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống nhất: “Đã đành đó là những bài tốt nghiệp của sinh viên, nhưng đặt trong hoàn cảnh đất nước bấy giờ thì đó là những sáng tạo cần ghi nhận. Dù hình tượng đơn giản nhưng mỗi tác phẩm đều hàm chứa một câu chuyện, thông điệp của thời đại. Thời gian trôi qua, tất cả trở thành dấu tích thời gian, không phải có tiền thì muốn làm lại như thế nào cũng được”, họa sĩ Đoàn nói. Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho rằng, cần phải trả lại màu sắc cũ của nhóm tượng, lòe loẹt thì cạo bỏ đi mà sơn lại: “Tuy nhiên, chế lại màu thời gian bây giờ rất khó. Sự trong veo giản dị của các bức tượng để có lại không đơn giản, cần phải tính toán để đưa vào sắc trắng vừa đủ, hợp không gian cảnh quan mà không lộ màu ẩm mốc. Cái này cần có sự tư vấn của giới chuyên gia...”.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Lâm lại nói, kinh phí duy tu của doanh nghiệp là có hạn, cái khó bó cái khôn. “Nếu cần thì chúng tôi sơn lại chứ có gì đâu. Góc độ nghệ thuật thì có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng nếu phải mời chuyên gia thì chúng tôi không có kinh phí trong định mức...”. Cũng theo lãnh đạo đơn vị này, đã một vài lần việc quản lý nhóm tượng định đưa về Sở VHTT Hà Nội, nhưng sau đó lại không thực hiện. Nếu việc sơn lại tượng được sự hỗ trợ chuyên môn, thực hiện theo hình thức xã hội hóa thì... tốt quá! Họa sĩ Trang Thanh Hiền cho rằng, nhất định không được để nhóm tượng tiếp tục tồn tại dưới diện mạo xấu xí như thế này. Nhưng để trả lại dáng vẻ cũ, nữ họa sĩ băn khoăn, việc tẩy rửa lớp sơn lòe loẹt có hết được hay không. Chị kiến nghị phải có chuyên gia tư vấn chứ không thể thêm một lần tùy tiện.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng bức xúc: “Không thể nói không có kinh phí mà biện minh cho cách làm này. Giới chuyên môn đâu có phải cứ có tiền mới nhờ được. Chỉ cần ban lãnh đạo Công ty cất lời hỏi Hội một tiếng thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thôi. Có phải cần mời một Hội đồng nghệ thuật gì ghê gớm đâu...”. Qua vụ việc này, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam một lần nữa lắc đầu bởi những hệ lụy đáng tiếc do thiếu những định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian công cộng. Ở nhiều tỉnh, thành trong suốt thời gian qua đã từng xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ, nực cười mà trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

“Nếu không gióng tiếp những hồi chuông cảnh báo thì còn nhiều nữa những ông chủ, doanh nghiệp vẫn tùy tiện thích làm gì thì làm. Đến lúc xấu quá, dư luận bức xúc thì lại nói rằng để làm lại, rằng chuyện chẳng có gì to tát cả đâu...”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn lên tiếng. 

BẢO ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top