Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm

Thứ Năm 21/05/2020 | 17:12 GMT+7

VHO-Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày dự án Luật Biên phòng Việt Nam, tại phiên họp ngày 21.5 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị”.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia

Trình bày về sự cần thiết phải ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Quochoi.vn

Thực tiễn hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

“Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Trong số 4 dự án Luật được Quốc hội xem xét ngày hôm nay, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được các đại biểu đánh giá là đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ khi có Luật số 72 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Vì thế một trong những mục đích của lần sửa đổi Luật lần này là tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và  rủi ro phức tạp khó lường (như: chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh Covid-19...). Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo Luật gồm 8 Chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành.

Cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp

Trước đó trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo Luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều.

Các đại biểu cho rằng dự án Luật sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi luật lần này là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta trong xu thế phát triển kinh tế tư nhân ngày càng mở rộng, xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, với phương châm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ xã hội hóa tư nhân làm được không bị pháp luật cấm là để cho tư nhân làm. Để nhằm nâng cao môi trường cạnh tranh lành mạnh, làm giàu cho xã hội, có chính sách phù hợp cho từng loại đối tượng sản xuất, kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp thừa nhận.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top