Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xả nhiều rác sẽ phải trả thêm tiền

Thứ Tư 20/05/2020 | 11:46 GMT+7

VHO- Đơn vị thu gom, vận chuyển rác có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình. Cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; xả rác thải nhiều sẽ phải trả nhiều tiền…

 Rác thải chưa được phân loại tại nguồn vừa làm lãng phí nguồn tài nguyên vừa làm ô nhiễm môi trường

 Đó là những quy định mới tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đang được nhiều người quan tâm. Lâu nay, việc thu gom rác, xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hằng năm khoảng 25 triệu tấn, chất thải rắn công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón...

Với lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy đang là vấn đề cấp thiết.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã đưa ra quy định phân loại rác thải tại nguồn, tuy nhiên không có chế tài xử lý nên người dân vẫn không thực hiện. Giai đoạn năm 2006 - 2009, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai phân loại rác tại nguồn với mô hình 3R theo dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và thí điểm tại 4 phường của 4 quận nội thành. Theo mô hình này, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, sau khi kết thúc thí điểm, mô hình phân loại rác tại nguồn coi như chấm dứt. Trong khi đó, tại TP.HCM, năm 2018, địa phương này cũng đã ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Quy định nêu rõ, rác thải tại các hộ gia đình phải được chủ hộ phân làm ba loại: Hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại. Tuy đã có hiệu lực thi hành, nhưng quy định này vẫn chưa đi vào đời sống.

Chính vì những bất cập đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa ra những quy định về vấn đề này. Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen của người dân như lâu nay. Theo điều 79 của dự thảo Luật, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành bốn loại: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn có khả năng tái chế được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; có thể được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương. Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phải được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường do đơn vị có đủ năng lực sản xuất theo đặt hàng của UBND cấp tỉnh hoặc đơn vị được UBND cấp tỉnh ủy quyền.

Hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn cũng phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương. Chất thải thực phẩm được phân loại và có thể sử dụng làm phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương. Chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phải được phân loại, lưu giữ trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.

Đáng chú ý, trong dự thảo luật này, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Về việc vận chuyển, thu gom rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đảm bảo không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có vị trí phù hợp theo quy định của địa phương. Đặc biệt, theo dự thảo Luật, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì, thiết bị chứa của chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 79 Luật này. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật này, tổ dân phố, ban quản lý khu dân cư, đại diện khu dân cư có vai trò quan trọng trong việc giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt. 

 Q.XƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top