Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Giáo dục đạo đức cho cầu thủ: Bài học chưa bao giờ cũ

Thứ Tư 20/05/2020 | 10:58 GMT+7

VHO- Mấy ngày nay, trong lúc nhiều cầu thủ nhí trên khắp mọi miền Tổ quốc náo nức đến với lò đào tạo bóng đá trẻ PVF để nuôi ước mơ đá bóng thì cũng là lúc 11 cầu thủ của bóng đá Đồng Tháp phải “gặm nhấm” nỗi buồn và sự ân hận vì hành vi sai phạm của mình khiến họ phải tạm xa bóng đá, ít nhất là hết năm nay.

 Các cầu thủ tại PVF được đào tạo toàn diện cả về chuyên môn lẫn đạo đức Ảnh: PVF

 Vì đâu nên nỗi? Vì sao bóng đá trẻ Việt Nam lại phải trả giá ở một thời điểm mà lẽ ra mọi việc đã trở nên tốt đẹp? Câu chuyện từ bóng đá Đồng Tháp và lò đào tạo PVF sẽ giải đáp một phần nào câu hỏi đó.

Bài học cho bóng đá trẻ

Làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao ngay sau thất bại của đội tuyển Bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2016 trong đó “đau” nhất là tình huống thủ môn Trần Nguyên Mạnh bỏ bóng đạp người với cầu thủ đối phương, phải nhận thẻ đỏ trực tiếp, dẫn đến thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khi ấy đã nói rằng: “Tôi không sốc sau trận thua của tuyển Việt Nam trước Indonesia vì tôi biết bóng đá mình đang ở đâu. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ rút được kinh nghiệm gì từ sau trận thua này để làm lại bóng đá một cách căn cơ, bài bản, có chiến lược. Tất cả hãy cùng xắn tay vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, đừng để nhân dân thất vọng thêm nữa”.

Khi ấy, Bộ trưởng cũng cho rằng trận thua này bắt nguồn từ những căn nguyên trước đó của bóng đá Việt Nam, từ khâu đào tạo, giáo dục về đạo đức, tư tưởng đến môi trường trưởng thành của các cầu thủ là các giải đấu trong nước. Nếu những cầu thủ đã để xảy ra sai lầm có hệ thống trong trận đấu hôm ấy mà được đào tạo một cách bài bản, trưởng thành trong một môi trường chuyên nghiệp, fairplay thì đã không có những sai sót sơ đẳng. Ông cũng căn dặn những người có trách nhiệm với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng phải giáo dục để các cầu thủ trở thành một người tốt, một công dân tốt trước khi trở thành cầu thủ giỏi. “Tài năng là quan trọng nhưng chỉ như thế là chưa đủ vì nếu không có đức thì cũng sẽ chẳng làm được việc gì có ích cả”, Bộ trưởng nói.

Và câu chuyện tưởng như cũ ấy giờ lại trở nên mới mẻ sau án phạt của 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp vì hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc vừa rồi. Nếu như lứa cầu thủ ấy được giáo dục căn cơ hơn, được trưởng thành trong môi trường tốt hơn thì có lẽ sẽ không mắc sai lầm khó tha thứ như ngày hôm nay. Người ta cũng tiếc cho bóng đá Đồng Tháp, nơi được xem là cái nôi đào tạo nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam nhưng đã phải trả giá vì hành vi xao nhãng trong công tác giáo dục về đạo đức tư tưởng cho lứa cầu thủ vừa rồi. Và vì thế bài học về việc giáo dục đạo đức tư tưởng sẽ không bao giờ là cũ với công tác đào tạo trẻ của Đồng Tháp nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Khi chỉ cần chú tâm vào chuyên môn

Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF được xem là một trong vài lò đào tạo trẻ thành công nhất trong những năm gần đây. Tuy thành lập vào năm 2008 nhưng lò đào tạo PVF đã có thể sánh ngang, thậm chí về cơ sở vật chất còn vượt trội học viện của bầu Đức hay lò của Viettel. Tất nhiên để có được điều ấy, Trung tâm này có tập đoàn hùng mạnh Vingroup ở phía sau, chứ không phải năm nào cũng đau đầu với bài toán về kinh phí như bóng đá Đồng Tháp.

Trở lại câu chuyện với lò đào tạo PVF, trong 21 cái tên đem về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30, lò PVF đóng góp nhiều quân số nhất. Có tới 6 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF gồm Thanh Thịnh, Ngọc Bảo, Thái Quý, Tiến Dụng, Đức Chinh và Văn Biểu. Các cầu thủ trên đều trưởng thành từ lò đào tạo trẻ này và điều đáng mừng là cho tới giờ, dù đã từng khoác áo đội tuyển quốc gia hay U23 thì các cựu cầu thủ của PVF cũng chưa khiến cho ai phải phàn nàn về đạo đức, cách ứng xử. Có được điều đó là do các học viên PVF được chăm lo toàn diện về chuyên môn, đời sống tinh thần. Sau khi được tuyển chọn, các em học tại Vinschool nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về văn hóa trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Các học viên cũng sẽ được huấn luyện bởi đội ngũ HLV hàng đầu trong nước và quốc tế, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần trong môi trường khoa học, hiện đại và nhân văn; học tập toàn diện về văn hóa, tiếng Anh và kỹ năng mềm để trở thành những cầu thủ không chỉ giỏi chuyên môn, có thể hình, thể lực, sức khỏe vượt trội mà còn có kỷ luật, đạo đức, văn hóa đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của bóng đá nhà nghề thế giới. Sau khi tốt nghiệp, học viên có cơ hội trở thành cầu thủ thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

Trưởng phòng huấn luyện nền tảng Cédric Luongo cho biết: “Chúng tôi đã, đang mở rộng hợp tác, thi đấu giao hữu với các CLB bóng đá tên tuổi trong khu vực và trên thế giới; đồng thời đưa chuyên gia, công nghệ, tiêu chuẩn bóng đá tiên tiến về Trung tâm. Thông qua đợt tuyển sinh này, chúng tôi kỳ vọng có thể tìm kiếm được những tài năng bóng đá trẻ để đào tạo, bồi dưỡng các em trở thành những cầu thủ Việt Nam đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế”. Và như thế bóng đá Việt Nam lại tiếp tục nuôi hy vọng về một lứa cầu thủ giống như Đức Chinh, Tiến Dụng, Thanh Thịnh… từ đợt tuyển sinh này. 

 THU SÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top