Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Về thông tin phim cổ trang nước ngoài bị tố "mượn" nhã nhạc cung đình Huế: Không nên kết luận khi chưa rõ ràng

Thứ Hai 04/05/2020 | 11:48 GMT+7

VHO- Báo chí và mạng xã hội đang phản ánh, chia sẻ khárầm rộ thông tin bộ phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường huyễn dạ” bị cho là đã “ăn cắp” bản nhạc Lưu thuỷ Kim tiền trong Nhã nhạc Cung đình Huế vào một phân cảnh của phim. Khán giả Việt bày tỏ bức xúc cho rằng, việc một bộ phim nước ngoài “mượn” trái phép di sản văn hóa Việt là không thể chấp nhận được.

 Đoạn phim được cho là có sử dụng bản nhạc trong Nhã nhạc Cung đình Huế

 Về vấn đề này, giới chuyên gia và dư luận đang có những ý kiến trái chiều. Hôm qua 3.5, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng đã có ý kiến về việc này.

Không nên đẩy vấn đề lên khi chưa xác định rõ ràng

Trước những thông tin trên, PGS.TS Lê Văn Toàn, chuyên gia có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng hồ sơ các di sản âm nhạc Việt Nam đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể của nhân loại, cho rằng chưa nên đưa ra kết luận. Trước hết, các cơ quan chức năng cần thảo luận dựa trên những chứng cứ cụ thể xem phim cổ trang Trung Quốc đã sử dụng như thế nào với Nhã nhạc Cung đình Huế, từ đó các nhà khoa học mới có thể đưa ra những nhận định cụ thể.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Toàn, trong Nhã nhạc, Lưu thủy Kim tiền là hai bài độc lập nhưng hay bị ghép vào nhau thành Lưu thủy Kim tiền. Cần phải phân tích cụ thể bản thân âm điệu, bài bản… thì các nhà khoa học âm nhạc mới có thể nói chính xác phim Trung Quốc có dùng di sản của ta hay không. PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, chuyên gia Hội đồng thẩm định của UNESCO cho biết, sau khi có những thông tin về sự việc nói trên, bà đã lập tức viết thư trao đổi thông tin với chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc học của Trung Quốc. Câu trả lời bà nhận được là trong âm nhạc Trung Quốc cũng có bản nhạc tương tự, bối cảnh sử dụng trong cung đình và các tiết mục múa công. “Họ có gửi cho tôi một số đường link để so sánh. Tuy nhiên cần có thêm thời gian để xem xét, nghiên cứu mới có thể kết luận”, bà Hiền nói.

Chia sẻ từ kinh nghiệm của một chuyên gia đã tham gia xây dựng nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, âm nhạc dân gian luôn có sự giao thoa, lan tỏa giữa các tộc người. Trên thế giới cũng có nhiều di sản có sự tương đồng giữa các quốc gia. Cho nên, cần có những nghiên cứu kỹ càng, thấu đáo trước khi đưa những thông tin chính thức trước công luận. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng cho biết, bà là người đã tham gia xây dựng hồ sơ di sản Nhã nhạc Cung đình Huế ngay từ đầu nên nắm rất rõ những vấn đề liên quan đến di sản phi vật thể này.

“ Khi làm hồ sơ di sản Nhã nhạc Cung đình Huế cũng có ý kiến cho rằng di sản có nhiều nét giống âm nhạc châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… Các chuyên gia âm nhạc tham gia xây dựng hồ sơ cũng nhận thấy  điều này. Tuy nhiên,  văn hóa là một dòng chảy, có sự giao thoa, vì vậy quan trọng là việc ứng xử với di sản như thế nào để tạo thành bản sắc của cộng đồng, đưa di sản vào đời sống và trao truyền các giá trị đó”, TS Lê Thị Minh Lý nói. Cũng theo bà Lý, văn hóa là đa dạng nên chúng ta cần chung tay để bảo vệ sự đa dạng đó. Nhã nhạc Cung đình Huế là di sản của nhân loại, được nhân loại bảo vệ. Nếu không nhận thức rõ và chạy theo những vấn đề không thực sự là bản chất trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản thì sẽ tạo nên những hệ lụy không cần thiết.

 Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những thông tin chưa được thẩm định của giới chuyên môn thì không nên đưa ra kết luận vội vàng. Trong ảnh: Một tiết mục trình diễn của Di sản Nhã nhạc Cung đình Huế Ảnh: L.C 

Cục Di sản văn hóa nói gì?

Cũng liên quan đến những thông tin mà báo chí phản ánh, trao đổi với Văn hóa, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết: Theo một số nhà nghiên cứu về âm nhạc nói chung và Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn nói riêng, có thể khẳng định đoạn nhạc trong phim mà báo chí đề cập không có bài “Lưu thuỷ” mà chỉ có một phần của bài “Kim tiền” và một phần của bài “Long hổ” (nằm trong 10 bài Ngự, còn gọi là 10 bài Tàu hay Thập thủ liên hoàn).

“Vì vậy, phải có sự nhìn nhận chính xác về tên gọi của các bài bản nêu trên”, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết. Cũng theo Cục Di sản văn hóa, Hồ sơ tư liệu di sản và Báo cáo định kỳ quốc gia đệ trình UNESCO, Nhã nhạc là hiện tượng tương đồng văn hoá của một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng Nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, phát triển rực rỡ ở thời kỳ nhà Nguyễn (nên hồ sơ di sản lấy tên gọi là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam - Triều Nguyễn) được trình diễn trong cung đình Việt Nam vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ thiết triều, lễ tang hoặc những dịp đón tiếp chính thức. Được sử dụng từ triều Nguyễn đến nay, nhưng chúng ta chưa rõ mối liên hệ giữa Nhã nhạc Việt Nam với Nhã nhạc Trung Quốc, đặc biệt là nguồn gốc tên gọi 10 bản Tàu mà trong đó có bản Kim tiền Long hổ, do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về âm nhạc Trung Quốc. Do đó, chưa thể khẳng định đoạn nhạc trong phim các báo đề cập là “ăn cắp” hay sử dụng bài bản của Nhã nhạc Việt Nam, vì không loại trừ khả năng bản nhạc mà phim sử dụng có những đoạn nhạc tương đồng với bản Kim tiền Long hổ.

Đoạn phim trên các báo mạng đề cập hiện tại, không thể xem đến tận cùng phần chạy chữ chú thích của phim xem có chú thích nguồn gốc bài bản sử dụng hay không (phim cắt cúp, không đầy đủ). “Từ góc độ di sản, có thể khẳng định: Năm 2003, khi Việt Nam đề trình hồ sơ Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (triều Nguyễn) và khi UNESCO xét đưa di sản vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại năm 2008, tại các phiên họp của Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT xét hồ sơ không có bất kỳ sự phản đối nào của các quốc gia nói chung và quốc gia có di sản tương đồng đối với hồ sơ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với thời gian tồn tại của di sản từ triều Nguyễn tới nay, có thể khẳng định các bài bản Lưu thuỷ, Kim tiền hay Long hổ nói riêng và hệ thống bài bản trong Nhã nhạc nói chung đã không ngừng được tái tạo và trao truyền một cách bền bỉ trong cộng đồng nghệ nhân, người thực hành Nhã nhạc của Việt Nam và mang sắc thái âm nhạc và bản sắc văn hoá Việt Nam, trở thành tài sản văn hoá của cộng đồng chủ thể văn hoá Nhã nhạc Việt Nam nói riêng và tài sản văn hoá của quốc gia Việt Nam nói chung”, Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh.

Quan điểm của Cục Di sản văn hóa nêu rõ, thay vì kết luận khi chưa đủ các luận cứ khoa học, chúng ta nên có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về di sản và giá trị di sản, ít nhất là về tên gọi cũng như hình thức thể hiện của di sản, để cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (triều Nguyễn) nói riêng và các di sản văn hoá nói chung, để góp phần bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. 

 PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top