Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xây dựng biểu tượng, tượng đài ở Đắk Nông: Nơi “tháo dỡ”, chỗ làm 6 năm trơ... móng

Thứ Tư 29/04/2020 | 11:41 GMT+7

VHO- Do thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong việc triển khai thực hiện, không ít công trình tượng đài đã phải “tháo dỡ” để xây lại, hoặc xây dựng không đảm bảo, bỏ hoang… gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Chuyện này đang diễn ra ở Đắk Nông. 

Biểu tượng cánh chim sắt (3,6 tỉ đồng) ở trung tâm huyện Đắk Mil đã phải tháo dỡ để xây dựng tượng đài gần 12 tỉ đồng

 Tháng 6.2012, UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) phê duyệt dự án xây dựng công trình “Vòng xuyến Ngã 5 thị trấn Đắk Mil”. Dự án gồm có các hạng mục cơ bản là móng, nền và biểu trưng vòng xoay. Tổng kinh phí đầu tư gần 3,6 tỉ đồng trích từ ngân sách huyện, do Đội Quản lý đô thị huyện Đắk Mil làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Xây dựng Tầm Cao Việt (TP. HCM) là đơn vị thi công. Đến tháng 12.2012, dự án đã hoàn thành tại nút giao thông Ngã 5 thị trấn Đắk Mil. 
“Tháo dỡ” biểu trưng để xây tượng đài 
Đến tháng 4.2019, sau hơn 6 năm nằm tại vị trí Ngã 5 vòng xoay, biểu trưng “cánh chim sắt” (còn có tên gọi khác là đôi bàn tay đan chặt) được tháo dỡ và di dời đặt tại bờ hồ Tây (cách vị trí cũ khoảng 500m) để nhường chỗ cho việc xây dựng tượng đài “Chiến thắng Đức Lập”. Theo thiết kế, dựán này được xây dựng trên diện tích 75,6m2 trong tổng diện tích đất 510m2 của dựán. Trong đó, hạng mục tượng đài được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép cao 9m, sơn giả đá. Tổng kinh phí dự toán xây dựng tượng đài khoảng 11,6 tỉđồng trích từ ngân sách huyện, nguồn vốn huy động đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác. 
Để có kinh phí xây dựng, ngày 9.5.2019, UBND huyện gửi “Thư kêu gọi ủng hộkinh phíxây dựng tượng đài Chiến thắng Đức Lập”. Trong thư, UBND huyện Đắk Mil cho biết việc xây dựng tượng đài làthểhiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ trong chiến thắng Đức Lập ngày 9.3.1975. Cuối tháng 1.2020, công trình hoàn thành, góp phần tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị của huyện. Tuy nhiên, việc xây dựng biểu trưng rồi “đập” để xây dựng tượng đài khiến dư luận không đồng tình. 
Một người dân sống ở thị trấn Đắk Mil cho biết, “theo tôi, huyện nên có công trình điểm nhấn của riêng mình, nhất là khi đã có đề án thành lập thị xã. Tuy nhiên, người dân thắc mắc là vì sao khi đó (năm 2012) huyện không lấy ý kiến rồi xây dựng tượng đài luôn mà lại cho xây dựng biểu tượng cánh chim tốn kém tiền tỉ, được mấy năm lại tháo dỡ để xây dựng tượng đài cả chục tỉ đồng. Như thế lãng phí quá”. Anh P.V.N (ngụ Khối phố 3, thị trấn Đắk Mil) cho biết thêm: “Công trình này hoàn thành đúng ngày mùng 1 Tết, đêm 30 tôi vẫn còn phải làm. Khi làm thì họ kêu gọi đóng góp, ai có nhiều đóng góp nhiều, ai có ít đóng góp ít, không bắt buộc nên chúng tôi cũng không ý kiến gì. Nhưng khi làm xong thì dân chúng tôi thấy thất vọng vì nó thấp quá, không toát lên được vẻ uy nghiêm, oai phong của tượng đài”. 

 Sau 6 năm triển khai dự án tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1912 - 1936 của tỉnh Đắk Nông chỉ mới 
xây dựng được phần móng và trụ bê tông rồi bỏ hoang 

... Và tượng đài hơn trăm tỉ, 6 năm vẫn chưa xong 
Trong khi đó, Dự án tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1912 - 1936 (gọi tắt tượng đài N’Trang Lơng) ở khu vực đồi Đắk Nur (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa) được UBND tỉnh Đắk Nông khởi công xây dựng vào tháng 5.2015. Dự án có tổng kinh phí 146 tỉ đồng (gồm vốn ngân sách một phần và chủ yếu là xã hội hóa), do Sở VHTTDL tỉnh làm chủ đầu tư, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm các hạng mục như: phần móng, hệ thống chống sét và phần mỹ thuật, cảnh quan với kinh phí gần 68 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018; giai đoạn 2 sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực tượng đài. Sau khi hoàn thành, tượng đài N’Trang Lơng được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của văn hóa, phục vụ du lịch, dấu ấn kiến trúc nghệ thuật và là thành tựu trên lĩnh vực văn hóa của tỉnh Đắk Nông. 
Tuy nhiên, năm 2017 khi thanh tra gói thầu móng, bệ tượng và hệ thống chống sét, UBND tỉnh Đắk Nông đã phát hiện nhiều sai phạm như: không đảm bảo đúng chất lượng, thiết kế. UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ quan, đơn vị liên quan (trong đó Sở VHTTDL bị phạt 115 triệu đồng). Đồng thời, chỉ định Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông (gọi tắt BQL dự án) làm chủ đầu tư thay thế Sở VHTTDL. Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư mới đến nay, dự án vẫn nằm trơ như cũ, không có dấu hiệu thi công trở lại, điều này khiến người dân vô cùng bức xúc. 
Bà Trương Thị Xuân (trú tổ 4, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa) cho biết, “năm 2011 người dân nghe thông tin chuẩn bị làm tượng đài N’Trang Lơng, đến năm 2013 họ tổ chức quyên góp tiền của người dân để làm tượng đài. Năm 2014, tôi thấy có 1 nhóm thợ đến làm ở khu vực đó, xong họ bỏ không làm nữa. Và đến năm 2015, họ lại tổ chức khởi công hoành tráng, làm được mấy cái trụ rồi bỏ hoang luôn tới giờ. Vì nhà tôi bán hàng gần đó nên hay hỏi mấy người là xây tượng đài mà sao chỉ thấy xây mấy trụ rồi bỏ hoang như vậy, không thấy tượng đâu, họ mới nói là đang đúc tượng ngoài Hà Nội rồi mới chở vào, rồi dựng lên. Tôi nghĩ cũng đúng nhưng cho đến giờ 6 năm rồi có thấy gì đâu”. 
Để kiểm chứng thông tin người dân phản ánh, chúng tôi đã mục sở thị công trình “điểm nhấn” của tỉnh Đắk Nông. Theo quan sát, khu vực xây tượng đài N’Trang Lơng nằm ở khu vực đồi Đắk Nur, phía sau trụ sở Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tại vị trí xây dựng tượng đài, sau 6 năm khởi công chỉ có phần móng và những trụ bê tông cốt thép nằm trơ trọi trong đám cỏ hoang. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Lưu Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức cho hay, công trình này “đứng chân” trên địa bàn phường, việc xây dựng do cơ quan chức năng tiến hành: “Thời điểm tôi về làm Chủ tịch phường này 3 năm trước, cái đế chân và móng đã xây dựng xong nhưng không đáp ứng được khả năng chịu lực. Tôi thấy xót xa cho công sức, tiền của của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào”. 
“Gây lãng phí như vậy thì những người đứng ra làm việc đó có phải chịu trách nhiệm không? Hay lại huy động tiền của dân để sửa chữa? Mình thấy việc này cũng bất cập”, bà Hiếu thắc mắc. Được kỳ vọng là những công trình tạo “điểm nhấn” cho địa phương, thể hiện tinh thần “uống nước nhớnguồn”, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, tuy nhiên, sự thiếu “tâm” và “tầm” của đội ngũ cán bộ được giao thực hiện đã khiến cho những công trình mang ý nghĩa trở nên lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. 

NGỌC HÒA 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top