Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Vẫn tin một ngày Chèo sẽ hưng thịnh...

Thứ Hai 20/04/2020 | 10:58 GMT+7

VHO_ Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ vừa ra đi ở tuổi 72 đã để lại bao tiếc nuối cho những người làm sân khấu truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Chèo. Tài năng, tâm huyết và những đóng góp của ông luôn được những người làm nghề khâm phục và trân trọng.

Đạo diễn Bùi Đắc Sừ

 Ông để lại một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hơn 200 vở diễn, 15 vở đoạt HCV, 20 vở đoạt HCB, đó những con số đáng trân trọng về sự cống hiến quý báu của ông đối với nghệ thuật Chèo.

Những con số kỷ lục

NSND Bùi Đắc Sừ xuất thân là diễn viên Chèo, nhưng cuộc đời nghệ thuật của ông thật sự sang trang khi ông học lớp Đạo diễn sân khấu đầu tiên của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường năm 1983, ông trở về làm việc tại Nhà hát Chèo VN. Từ đây, đạo diễn Bùi Đắc Sừ đã thành công với những vở Chèo nổi tiếng như Hoàng Tử có đôi tai bò, Hoàng hậu Ba Tư… tạo được dấu ấn trong lòng công chúng cũng như được bạn bè trong giới ghi nhận. Đến năm 1988, vở Hồ Xuân Hương do ông dàn dựng đã giành giải Nhất Hội diễn Sân khấu tại Nam Định. Đây là sự kiện đánh dấu một tên tuổi mới trong làng đạo diễn Chèo, một lãnh địa không có nhiều người xuất sắc. Ngay sau đó, hàng loạt các vở do ông làm đạo diễn đã ra đời và trở thành dấu ấn không thể phai mờ cho ngành sân khấu Việt Nam. Đặc biệt, “cặp bài trùng” đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ - tác giả Trần Đình Ngôn đã làm nên nhiều vở diễn đình đám, như vở diễn về Bác Hồ (Những vần thơ thép), vở về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Mệnh lệnh thần kỳ)

Những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sự khủng hoảng khán giả - cũng là những năm ông có mặt ở hầu khắp các đoàn Chèo trong cả nước, nỗ lực quên mình cho sự tồn tại của nhiều đoàn. Ban ngày vừa thấy ông ở Thái Nguyên, đêm ông đã ngược lên Tuyên Quang... Nhiều đoàn Chèo địa phương coi ông như người nhà, như một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Ông xuất hiện ở đâu thì không chỉ diễn viên vui mừng mà lãnh đạo Sở VHTTDL cũng yên tâm ký duyệt cho các tiết mục Chèo ra đời.

 Vở Chèo “Những vần thơ thép” do Đạo diễn Bùi Đắc Sừ dàn dựng đã giành được nhiều giải thưởng

Đau đáu tìm hướng phát triển cho Chèo

Trưởng thành trong môi trường Chèo, say Chèo, những vở diễn của NSND Bùi Đắc Sừ được đánh giá là thành công bởi khi dàn dựng, ông đã thực sự coi trọng những cấu trúc đặc thù của nghệ thuật Chèo: tích gắn liền với trò, chú ý đến tính thống nhất của vở diễn, sự hài hòa đến nhuần nhuyễn của các yếu tố cấu thành... qua những vở diễn với nhiều đề tài khác nhau từ cổ tích, dân gian, lịch sử, dã sử hay con người mới hôm nay. Ông đã góp phần khẳng định nghệ thuật Chèo hiện đại hoàn toàn có khả năng tồn tại và phát huy truyền thống tốt đẹp của mình trong thời đại mới.

NSND Bùi Đắc Sừ đặc biệt có công đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu Chèo như là một nhân vật chính xuyên suốt vở diễn, hát Chèo, diễn Chèo ngọt ngào và gây xúc động mạnh cho người xem. Vở Những vần thơ thép đã đoạt được nhiều giải thưởng cao quý. Danh hiệu NSND, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Ba... chính là sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ về những đóng góp của đạo diễn Bùi Đắc Sừ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Đã nhiều lần được gặp ông, trực tiếp phỏng vấn ông về mọi vấn đề liên quan tới sự phát triển của sân khấu nói chung, của Chèo nói riêng, chưa bao giờ ông từ chối Văn Hóa. NSND Bùi Đắc Sừ đã từng chia sẻ, ngồi bên trang giấy, ông đã trở thành một người khác, say mê, đắm đuối với các nhân vật, lời hát, các đoạn, cảnh, các tình huống... Có những câu hát phải dựng đi dựng lại cả dăm bảy lần mới chỉnh, có những cảnh huống phải quên ăn quên ngủ làm sao cho nhân vật của mình có một cái kết đẹp, hợp lý hợp tình. Người đạo diễn lúc đó phải làm nhiều phận sự, ngoài việc là một đạo diễn, thì cũng là một nhân vật, một phần của câu chuyện. Bởi yêu đến thế, say mê đến thế, nên đối với ông, công việc làm đạo diễn không đơn thuần là người chỉ trỏ, sắp xếp, dàn dựng trên sân khấu, mà phải thực sự sống chết với vở diễn để có được những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật.

Ngay cả khi mắc bạo bệnh và đến phút cuối ra đi, mối bận tâm lớn nhất của Đạo diễn Bùi Đắc Sừ vẫn là những nỗi niềm trăn trở với nghề. Thế hệ ông đã có một thời vàng son với nghệ thuật Chèo, nhưng hiện nay, các đoàn, các nhà hát vắng đến hiu hắt. Ông cho rằng, muốn thành công, một vở Chèo cần có nhiều yếu tố như: phải có tích, trò, phải vừa diễn hay vừa hát giỏi, nhuần nhuyễn cùng âm nhạc. Diễn viên phải tự trau dồi cho mình có một phông nền tốt. Ngoài ra, cũng rất cần sự hỗ trợ của truyền thông để có thể giúp lớp trẻ tìm đến các môn nghệ thuật truyền thống.

Niềm tin nghệ thuật Chèo truyền thống sẽ hưng thịnh, sẽ lấy lại được khán giả cũng như những nỗ lực, đóng góp bền bỉ, cả cuộc đời tận hiến vì nghệ thuật đã giúp cho đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ thanh thản hơn khi về cõi nhớ trong sự yêu thương của đồng nghiệp, bạn bè và khán giả. 

THUÝ HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top