Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Thực trạng triển khai quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội hiện nay

Thứ Hai 13/04/2020 | 09:45 GMT+7

VHO- Mùa lễ hội năm nay đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tất cả các lễ hội phải ngừng tổ chức.

 Nhiều biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong mùa lễ hội 2020 tại di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội - tiêu chí hàng đầu được BQL các di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương đẩy mạnh năm nay là tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL về các giải pháp phòng chống dịch cũng như các quy định pháp luật liên quan.

Văn minh lễ hội thời Covid-19

Bộ VHTTDL mới đây đã ban hành kế hoạch tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2020 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Kế hoạch nhằm tổ chức, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, quy định của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, bảo đảm yêu cầu giáo dục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mục tiêu tuyên truyền nhằm giảm bớt những hình ảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy, thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động lễ hội.

Với nội dung này, Bộ VHTTDL yêu cầu việc giới thiệu những nét đẹp văn hóa ứng xử văn minh trong lễ hội; những mô hình, BTC lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh. Nội dung, hình thức tuyên truyền ngắn ngọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn xã hội, phong tục, tập quán, đặc điểm văn hóa Việt Nam.

Trên thực tế, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp. Hầu hết các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đáng chú ý, nhiều lễ hội từng là “điểm nóng”, khiến dư luận bức xúc bởi những hình ảnh không đẹp, đi ngược định hướng xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, đến nay cũng đã dần đi vào nề nếp như lễ hội đền Trần, chùa Hương, lễ hội chọi trâu tại một số tỉnh, thành… Hội Phết Hiền Quan sau nhiều năm đi tìm phương án tổ chức tốt nhất, trước mùa lễ hội 2020, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra yêu cầu tạm dừng tổ chức nếu không có các phương án đảm bảo an toàn.

Diễn biến chưa được lường trước đối với mùa lễ hội năm nay là sự ập đến và tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19, khiến cho các lễ hội đồng loạt tạm dừng tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu dừng tổ chức lễ hội được đưa ra tại các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL và được các địa phương, BQL các di tích, BTC lễ hội nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng ban hành các văn bản yêu cầu không tổ chức lễ hội, không tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Như vậy, bức tranh sinh hoạt lễ hội mùa 2020 đã hiện lên với một diện mạo, bối cảnh chưa từng có. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt này cũng được nhìn nhận, đánh giá dưới một góc độ khác. Nhiều địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội đã khẩn trương thay đổi kế hoạch nhằm điều chỉnh phương án tổ chức, đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất. Các lễ hội lớn dịp đầu Xuân như Lễ hội Đền Trần, Lễ hội chùa Hương, Yên Tử… đều cắt bỏ các hoạt động phần hội, chỉ tổ chức nghi lễ dâng hương thành kính. Giỗ Tổ Hùng Vương 2020 sau nhiều điều chỉnh về nội dung, quy mô, hình thức tổ chức…, cuối cùng đã diễn ra gọn gàng với những nghi thức dâng hương trang nghiêm, thành kính, an toàn, phát huy cao độ tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đo thân nhiệt cho du khách tại Khu di tích và danh thắng Rừng Quốc gia Yên Tử

Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy trách nhiệm cộng đồng

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, nhận diện về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn này được gắn với nhiều yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại các lễ hội, di tích. Tuy nhiên, giai đoạn nào cũng vậy, vấn đề luôn được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước là tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội.

“Kể từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, tại các địa phương, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật, trong đó có các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đã được đặc biệt chú trọng”, Nguyễn Quốc Huy cho biết.

Nghị định với nhiều nội dung điều chỉnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Nghị định cũng nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của người tham gia lễ hội: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh. Ứng xử có văn hóa trong lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường. Không tổ chức, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong di tích, lễ hội…

Ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, do bối cảnh đặc biệt của mùa lễ hội năm nay nên ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến nhiều mùa, việc chấp hành các quy định pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã chuyển biến rất rõ nét.

Ngay từ đầu mùa lễ hội 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các lễ hội, di tích. Các đoàn công tác của Bộ cũng liên tục kiểm tra việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội trên địa bàn các địa phương: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình… “Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như quy định tại Điều 8 Nghị định 110 về việc “tạm ngừng tổ chức lễ hội khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương”…”, ông Nguyễn Quốc Huy cho hay.

Bên cạnh các lễ hội lớn gắn với những di tích lớn, trọng điểm thu hút đông người đồng loạt dừng tổ chức, một số di tích, danh thắng trước diễn biến phức tạp, khó lường cũng đã tạm dừng việc mở cửa đón khách, tránh tụ tập đông người. BQL các di tích,, BTC các lễ hội và chính quyền địa phương đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong thực thi pháp luật về thực hiện các nếp sống mới thời chống dịch Covid-19, phổ biến nhất là những như yêu cầu như bắt buộc đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt, không tụ tập đông người…

 Nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tại chùa Hương

BQL Khu di tích danh thắng Hương Sơn đã tạm dừng đón khách thăm quan và thực hiện không bán vé thắng cảnh trong suốt thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với việc đóng cửa, khu di tích thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên chùa và khu vực thuộc quần thể thắng cảnh Hương Sơn để phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, với những du khách không nắm được thông tin vẫn đến thăm quan, BQL di tích phối hợp với Công an xã Hương Sơn thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đo thân nhiệt, khử khuẩn… và ghi chép đầy đủ thông tin của du khách.

Mùa lễ hội 2020, lượng khách đến với di tích danh thắng chùa Hương giảm mạnh. Tuy nhiên, các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch luôn được BQL di tích tăng cường và ưu tiên hàng đầu. BẢO NGÂN

 

 MINH PHƯƠNG

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top