Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Bộ GD&ĐT công bố sách giáo khoa lớp 1 chương trình mới

Thứ Sáu 22/11/2019 | 20:29 GMT+7

VHO- Chiều nay 21.11.2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo công bố quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK  lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này. Điều đáng nói là đa số SGK được chọn là của NXB Giáo dục.

 SGK được thẩm định thế nào?

Ngày 22.12.2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Ngày 24.6.2019, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Tháng 7.2019, Bộ GD&ĐT có quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Hội đồng).

Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số có 49 bản mẫu SGK đối với 9 môn học ở lớp 1, cụ thể môn Tiếng Việt có 6 bản mẫu. Môn Toán có 6 bản mẫu, môn Đạo đức 6 bản mẫu, môn Tự nhiên-Xã hội 5 bản mẫu, môn Giáo dục thể chất: 4 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Âm nhạc) có 5 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) có 5 bản mẫu. Các môn Hoạt động trải nghiệm có 6 bản mẫu, môn Tiếng Anh 6 bản mẫu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo

Quang cảnh họp báo

Sau khi tiếp nhận bản mẫu SGK từ Ban Tổ chức, mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập (15 ngày). Tiếp đó Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (7 ngày) gồm các nội dung: nghe tác giả báo cáo về nội dung bản mẫu SGK, thảo luận tập trung công khai về bản mẫu SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng và thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có). Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu SGK theo quy định tại Thông tư số 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu SGK và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”. Hầu hết các tác giả có bản mẫu SGK xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12.2019.

Sự lựa chọn liệu có công bằng?     

 Đó là câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra với đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại cuộc họp báo khi phần lớn SGK được chọn là của của NXB Giáo dục. Trước đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học  Thái Văn Tài công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK  lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, SGK là tài liệu dạy cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh, định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học  Thái Văn Tài

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học

  Danh mục được công bố đợt này gồm 32 cuốn SGK lớp 1, một số SGK khác đã được thẩm định nhưng chưa được công bố. Trong số SGK được công bố đợt này này có 24 cuốn sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Cụ thể, trong 5 cuốn SGK Tiếng Việt, 4 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong 5 cuốn SGK Toán, 4 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Bốn trong tổng số 5 cuốn Đạo đức 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM. Với 3 cuốn Tự nhiên và Xã hội 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 cuốn, một của NXB Đại học Sư phạm. Sách Âm nhạc 1 có 5 cuốn, 4 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong 5 cuốn Mỹ thuật 1, 4 cuốn thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Trong 3 cuốn Hoạt động trải nghiệm 1, có 2 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc NXB Giáo dục Việt Nam được chọn nhiều đầu SGK cũng là bình thường vì đó là một đơn vị có truyền thống xuất bản SGK từ nhiều năm nay. Vừa qua, NXB đã đầu tư rất lớn, mời hàng ngàn giáo viên, chuyên gia tham gia viết SGK chương trình mới và tổ chức thử nghiệm theo đúng quy trình

 Phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo

Về trường hợp SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, ông Thái Văn Tài cho biết  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của nhóm tác giả và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại chương trình thực nghiệm và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật. Cũng theo ông Thái Văn Tài, trước đó, GS.TS Nguyễn Kế Hào đã đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị đến Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nội dung thư liên quan bộ SGK của đơn vị này, do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên bị loại.

Về vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có văn bản trả lời GS Nguyễn Kế Hào, đồng thời có báo cáo gửi Thủ tướng, nói rõ lý do sách của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt. Ngay trong quá trình thẩm định, hội đồng thẩm định đã hai lần làm việc với tác giả. Lần đầu tiên, tác giả lên trình bày bản thảo nội dung. Hội đồng đã có những trao đổi về quan điểm, nội dung. Sau đó 7 ngày, hội đồng có kết luận cuối cùng và mời tác giả lên để thông báo, đối thoại công khai. Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Đồng thời, cho tới nay, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định và quyền lợi của tác giả tại Thông tư 33. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc trực tiếp với người liên quan. Nếu tác giả có nhu cầu trực tiếp đối thoại, Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến tham mưu của bộ trưởng để tiếp tục tiến hành.

Về việc triển khai sử dụng SGK mới, Bộ GD&ĐT cho biết  đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương. Dự thảo Thông tư sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, chậm nhất là trước tháng 3.2020, các địa phương phải chọn xong SGK và công bố sách nào sử dụng cho địa phương mình. Các NXB sẽ tổng hợp sự lựa chọn của các địa phương để lên kế hoạch tổ chức in ấn và tỏ chức phát hành. Từ tháng 5-7, sách sẽ được đưa về các nhà trường và đưa đến tay học sinh. Vào thời gian này các NXB cũng sẽ có kế hoạch tập huấn đội ngũ giáo viên về việc sử dụng sách.

                                                                                         QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top