Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Khu du lịch Quỷ Núi có phản cảm?

Thứ Hai 13/07/2020 | 07:22 GMT+7

VHO- “Người ta đưa chuyện quá khứ ra để nói khi chúng tôi đã chỉnh sửa không còn hình ảnh đó. Chúng tôi luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến của mọi người, nhưng phải phản ánh trung thực và khách quan”.

 Nhng tượng đã được chnh sửa

Đó là chia sẻ của nhà đầu tư khu du lịch (KDL) Quỷ Núi - Suối Ma tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Liên Minh Group với chúng tôi.

Ý tưởng từ một truyền thuyết

KDL Quỷ Núi - Suối Ma nằm tại khu vực Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20 km. Đây là vùng trũng nằm bên suối, vốn là đất sản xuất nông nghiệp. Sau 6 năm thi công xây dựng, ngày 6.7 KDL chính thức khai trương giai đoạn 1. Chỉ mấy ngày mở cửa đón khách, mạng xã hội và báo chí đã “dậy sóng” phía ghi nhận cho rằng “điểm check-in hot rần rần của giới trẻ”, thêm điểm đến độc, lạ cho du khách khi lên Đà Lạt… phía phủ nhận lên tiếng khẳng định “phá nát Đà Lạt”, “công trình phản văn hóa, phản giáo dục”…

Chúng tôi có mặt KDL vào ngày nghỉ cuối tuần, lượng du khách các tỉnh, thành đến khá đông, theo hướng dẫn viên cho biết có khoảng 500-600 lượt người vào. Theo ông Ngô Quang Phúc, khởi nguồn ý tưởng xây dựng KDL là từ truyền thuyết một già làng người dân tộc thiểu số kể lại. Đó là câu chuyện con vật cứu người, sau này gọi là con Quỷ núi và “xây dựng theo chủ đề con quỷ núi, nhưng mà con quỷ yêu thương, quỷ thiện lương, quỷ giúp đời giúp người chứ không phải quỷ hại đời hại người”, ông Phúc nói. Cũng theo ông chủ đầu tư, để đưa nguồn nước tự nhiên vào khu du lịch thành dòng chảy tự nhiên là vô cùng công phu, bởi đầu nguồn cách 5.000m. Công trình có mái chỉ chiếm tỷ lệ hơn 9%, công trình bê tông duy nhất chỉ có cổng vào và sân khấu phía sau vì phải đảm bảo kiên cố để an toàn trong sử dụng. Hạn chế tối đa sử dụng bê tông cốt thép, trừ những công trình không thể thay thế được, ví dụ con quỷ không thể làm bằng gỗ, không đảm bảo kết cấu an toàn. Nhà đầu tư hướng đến vẻ hoang dã của thiên nhiên đến tối đa có thể.

Chúng tôi luôn cầu thị

Vậy những hình ảnh tượng được cho “phản cảm”, “phản giáo dục” ở đâu? Qua thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết, đó là những hình ảnh trên một số tượng có bộ phận sinh dục, nhưng sau khi nhận được những ý kiến đóng góp phía chủ đầu tư đã có những chỉnh sửa phù hợp. Ông Phúc khẳng khái: “Sao người ta lại đưa chuyện quá khứ ra để nói khi chúng tôi đã chỉnh sửa không còn hình ảnh đó? Chúng tôi luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến của mọi người, kể cả cộng đồng mạng, họ cho là phản cảm là đúng khi nhìn những hình ảnh người ta cố tình đưa lên vậy. Nhưng phải phản ánh trung thực và khách quan. Chúng tôi rất quý và chân thành cảm ơn những góp ý xây dựng thiện chí, nhờ đó công trình hoàn thiện hơn, du khách ấn tượng về một miền đất an lành. Khen chê mình làm dịch vụ tiếp thu hết, cộng đồng mạng có quyền phản ứng. Mặc dù làm kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhưng chúng tôi ý thức và tôn trọng giá trị văn hóa, không vì tiền mà đi ngược thuần phong mĩ tục…”. Ông Phúc đã công khai trên Facebook lời cảm ơn chân thành sự góp ý, cùng số điện thoại cá nhân và mong mọi người đến xác thực.

Qua thực tế, chúng tôi có những ghi nhận: Chủ trương các yếu tố quái trúc, quái nhân và quái trang (tạo những kỳ quái, kỳ dị về kiến trúc, nhân vật và trang phục) thiết kế theo “ma trận” và “mê lộ”. Ngoài mảng xanh tầng cao tầng thấp xen kẽ là hệ thống nước và cá, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, sương khói, những mảng hội họa trên tường về đời sống cư dân bản địa; Công trình kiến trúc nhà gỗ; Các hiện vật văn hóa vùng miền; Tái hiện nghề dệt thổ cẩm thủ công; Các nhạc cụ truyền thống Việt Nam và nghệ nhân từ nhiều miền quê biểu diễn; Những trang phục các dân tộc thiểu số; Các ảo thuật gia và diễn viên sân khấu hóa… Theo giới thiệu KDL có 5.000 cổ vật, hơn 19.000 cây xanh di thực từ các tỉnh thành, tỷ lệ phủ xanh chiếm tới 90% tổng diện tích, hơn 116 loài thủy sinh nước ngọt, khoảng 18 triệu viên đá tự nhiên; 33 cây cầu; 56 ghềnh nước tự nhiên…

Ông Ngô Quang Phúc cũng cho biết, trong 5 năm tới, Liên Minh Group sẽ đầu tư khoảng 9 khu du lịch như đã cam kết với tỉnh Lâm Đồng. Với công trình thứ nhất này, tuy đã đạt 80% nhưng chưa ưng ý theo ý tưởng của ông về kỹ thuật tạo hình, kiến tạo mảng xanh, tạo dòng nước, xây dựng. “Kết nối logic câu chuyện không chạy theo điển tích sách vở, mà dựa vào sự độc đáo của thực tế quá trình hình thành và điển tích tương truyền thì mới có phần hồn. Giữ được môi sinh, giải quyết được việc làm cho đồng bào tại chỗ, tạo được cho người lao động có cuộc sống dư giả là chủ đích”, ông Phúc nói. 

MINH ĐẠO

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top