Độc đáo chợ phiên giữa lòng thành phố

VH- Chợ Hàng (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là chợ phiên mang dáng dấp chợ quê trong lòng thành phố Cảng. Từ lâu, chợ Hàng là nơi buôn bán giao thương, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người dân và du khách đến chợ Hàng ngoài việc tham quan mua sắm còn có ý nghĩa văn hóa, tìm lại những nét dân dã trong cuộc sống hiện đại. Ngày nay, chợ Hàng họp một phiên vào sáng Chủ nhật hằng tuần.

Độc đáo chợ phiên giữa lòng thành phố - Anh 1

 Góc bán đồ cũ tại chợ Hàng (Hải Phòng)

Dư Hàng là làng cổ có từ thời Tiền Lê. Trong lịch sử, đây là một làng giàu có nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác. Vì thế, xưa kia chợ Hàng rất đông, nhiều mặt hàng nhất, với không gian rộng rãi nhất ở Hải Phòng. Với người Hải Phòng, đi chợ Hàng trước hết là để chơi, sau mới là mua sắm. Thói quen này như một thú vui cuối tuần, ngày chợ phiên cũng là ngày hội. Đó là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người dân phố cảng, tạo nên nhịp sống đa dạng của thành phố. Dù chợ phiên nào cũng rất đông nhưng hầu như không thấy tiếng cãi vã. Người bán, người mua đều thoải mái, vui vẻ.

Mấy chục năm trước, chợ Hàng được chuyển về bãi đất rộng xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải (nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Hiện chợ Hàng mở ra buôn bán đa dạng các loại hàng hóa, từ những gì quê kiểng nhất của ngoại thành Hải Phòng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ đến các mặt hàng tân thời và cả những đồ cổ quý hiếm, thỏa mãn nhu cầu mua bán và tham quan của mọi lớp người. Giá cả các mặt hàng rất đa dạng, từ vài nghìn, vài chục nghìn, vài trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng tùy vào giá trị mỗi mặt hàng.

Những phiên chợ giáp Tết, người ta bày bán đầy đủ các loại cây cảnh như đào, quất, lộc vừng, hải đường, mai vàng miền Nam… hay những cây sung quả sai chi chít, dáng uốn lượn đẹp mắt. Tại những góc khác của phiên chợ, những mặt hàng “chân quê” đậm bản sắc văn hóa dân tộc và Hải Phòng như: những vật dụng làm bằng tre, bằng gỗ, hay kim loại, thậm chí cả cối xay thóc, cối đá giã. Khu con giống với nhiều loại gia cầm, chim muông, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo… to nhỏ đủ loại.

Theo ông Phạm Bá Sấn, Trưởng ban quản lý chợ Hàng, thời mới thành lập chợ, chợ thường họp định kỳ vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23 và 28 mỗi tháng. Có một thời gian, khi chợ được chuyển về khu vực cách 1 km so với địa điểm hiện tại. Chợ được chuyển từ mô hình cũ sang mô hình chợ dân sinh với nhiều ki ot bán hàng cố định. Tuy nhiên, người dân quen với mô hình chợ phiên đã có từ lâu đời. Do đó, sau khi chuyển đến địa điểm hiện tại, chợ Hàng lại trở lại hình thức họp chợ nguyên bản ban đầu. Hiện nay, chợ Hàng họp phiên chính vào Chủ nhật hằng tuần, với khoảng 200 gian hàng các loại, trong khuôn viên rộng 5.200m2, mỗi phiên đón khoảng 2.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

ĐĂNG HẢI

 

Ý kiến bạn đọc