Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi và phức tạp

VH- UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 1 (2016 - 2018) vào chiều ngày 11.4.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi và phức tạp - Anh 1

 Hai chị em người dân tộc Mông bị đối tượng mua bán người lừa quen qua mạng

 Theo báo cáo tại Hội nghị, trong thời gian qua, loại tội phạm mua bán người trên địa bàn Nghệ An còn nhiều diễn biến phức tạp nên Nghệ An là một trong 6 địa phương được chọn triển khai thực hiện chỉ đạo điểm về phòng, chống mua bán người. Trong 3 năm thực hiện UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm từng bước tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống mua bán người. Từ tháng 11.2015 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt giữ 34 vụ, 57 đối tượng. Ngoài ra, còn tổ chức giải cứu, hỗ trợ kinh phí để đưa về địa phương 41 nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống. Hầu hết những nạn nhân khi trốn được trở về đều trong tình trạng bất ổn về tâm lý.

Tại hội nghị, Thượng tá Đào Anh Hồng, Phó Phòng Cảnh sát hình sự (PC 45, Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, 90% nạn nhân mua bán người ở Nghệ An bị bán qua Trung Quốc, phần lớn phải làm mại dâm hoặc làm vợ. Không chỉ dừng lại ở việc bán nạn nhân để bóc lột sức lao động, làm gái bán dâm hay bán làm vợ mà có khi chúng còn đưa đi mua bán các bộ phận trên cơ thể. Tất cả các nhu cầu đều được các đối tượng mua bán người đáp ứng, mục đích của chúng chỉ vì tiền.

Cơ quan chức năng nhận định, tình hình mua bán người ở Nghệ An thời gian gần đây diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng. Quy mô, tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ. Gần đây, các đường dây buôn người đã có những thủ đoạn tiếp cận mới, nhiều hình thức tinh vi hơn. Các đối tượng thường nhắm vào những phụ nữ, trẻ em ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ… Sau khi nắm được thông tin, chúng cho người lân la làm quen qua mạng xã hội như facebook, zalo. Trong cuộc nói chuyện, đối tượng buôn người luôn giới thiệu cuộc sống giàu có, sung túc bên Trung Quốc. Khi nhận thấy nạn nhân bối rối, chưa quyết định thì những người này sẽ hứa cho ít tiền trước và chi phí đưa đón… Ngoài ra, tội phạm tổ chức thành các đường dây khép kín, có sự liên kết chặt chẽ giữa trong và ngoài nước. Khi đưa nạn nhân ra nước ngoài, chúng thường không cho họ mang theo tiền, tài sản có giá trị để nhằm hạn chế bỏ trốn. Các thành viên trong đường dây phạm tội cũng thường dùng nhiều tên tuổi khác nhau khi hoạt động, khiến nạn nhân không rõ nhân thân để tố giác. Cơ quan chức năng dự báo hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng; tiềm ẩn tội phạm còn rất lớn, nhiều đường dây còn hoạt động ngầm, quy mô lớn chưa bị khám phá, bóc gỡ.

Trước tình hình loại tội phạm mua bán người được dự báo tiềm ẩn nhiều phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho rằng, các cơ quan chức năng có liên quan cần phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Trước tiên, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân; thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng… Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các lực lượng như Công an, Biên phòng xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm cũng như xác định địa bàn trọng điểm, lập kế hoạch phòng ngừa… 

PHẠM NGÂN

 

Ý kiến bạn đọc